Nỗi lo tin giả về nCoV

(ĐTTCO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó, quy định những trường hợp tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội (MXH) sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Dù đến ngày 15-4 mới có hiệu lực, nhưng Nghị định 15 đã thực sự có giá trị cảnh tỉnh ngay trong tháng Giêng. 

Mức độ lây lan của virus corona chủng mới (nCoV) không thua kém dịch cúm A năm 1997 hoặc dịch SARS năm 2002, cho nên ý thức phòng chống được đặt lên hàng đầu. Bệnh dịch của cộng đồng không chừa riêng ai và cũng không loại trừ trách nhiệm của ai. Hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân phải có nghĩa vụ ngăn ngừa và chặn đứng bệnh dịch.
Dịch nCoV gây thiệt hại về kinh tế là có thật. Tuy nhiên, quan trọng hơn là bảo đảm sức khỏe và tinh thần cho xã hội. Dịch xảy ra trong thời công nghệ số phổ cập vào từng chiếc điện thoại thông minh, lại càng khó kiểm soát thông tin. Khi danh sách nạn nhân tăng dần lên, tâm lý hoang mang cũng đầy thêm, bởi những thêu dệt nhảm nhí. Lần lượt các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã xử lý những kẻ phao tin thất thiệt trên Facebook cá nhân. 
Nỗi lo tin giả về nCoV ảnh 1 Cát Phượng, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân bị Sở TT-TT TPHCM mời làm việc khi phát tán thông tin sai trên facebook về dịch nCoV.
Chỉ 10 ngày sau khi Việt Nam công bố dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, cho biết công an các địa phương đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu gỡ bỏ. Hiện đang tiếp tục làm rõ hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử phạt này để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện. Tất cả trường hợp bị triệu tập đều có cam kết, nếu tái phạm xét thấy đủ điều kiện sẽ xử lý hình sự để tránh gây hoang mang cho nhân dân. 
Nhất quán truyền thông về bệnh dịch của cộng đồng là tiêu chí quan trọng hiện nay. Luật An ninh mạng đã chuẩn bị hành lang pháp lý để uốn nắn biểu hiện lệch lạc của từng cá nhân. Đó là những dòng trạng thái bát nháo từ trang cá nhân của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Ngô Thanh Vân, diễn viên Cát Phượng... đã đi ngược xu hướng chung của hàng chục triệu người Việt Nam đang tích cực đối phó dịch. Lẽ ra, với sự ảnh hưởng của mình, họ phải góp phần định hướng đúng đắn cho những người xung quanh cùng vượt qua dịch nCoV. 
Khi con người hình thành khái niệm giao tiếp, những kẻ “kiếm chuyện làm quà” đã sáng tạo ra… tin giả. Tuy nhiên, tin giả được đồn thổi bằng phương thức rỉ tai, sức lan tỏa chỉ gói gọn trong phạm vi địa lý hoặc ngành nghề nhất định. Song từ khi có internet, tin giả được vận hành bằng tiện ích của MXH, sức bùng nổ trở nên ghê gớm và mãnh liệt hơn. Sức mạnh của MXH, đã khiến những người ảo tưởng về sự khôn ngoan hoặc sự tinh ranh của mình nảy sinh ham muốn nổi tiếng dễ dàng. Ai cũng có thể “sản xuất nội dung” trên MXH, thì các đối tượng vỗ ngực xưng tên bằng… tin giả cũng xuất hiện như những người hùng rởm đời. 
Không ai nghi ngờ MXH đã trở thành một phần của nhịp sống thường ngày. Số lượng người sử dụng và ưa chuộng Facebook, Youtube lẫn Zalo không ngừng tăng lên, khiến không gian ảo chi phối cuộc đời thật. Với tính kết nối nhanh chóng và rộng khắp, MXH cũng bị lạm dụng cho những toan tính riêng tư. Trước hai sự kiện nóng đang xảy ra: dịch nCoV và vụ xả súng giết người tại sòng bạc ở Củ Chi, TPHCM, MXH chẳng khác gì nơi đắc địa dành cho những kẻ thích đùa cợt kiểu ngớ ngẩn.
Trong khi mọi người đang gồng mình đối phó với đại dịch, thì trên MXH xuất hiện một tờ kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV do Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cung cấp. Không khó để cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, tờ kết quả xét nghiệm của nam sinh Đà Lạt, hoàn toàn giả mạo từ hình thức đến nội dung: logo của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng không đúng, thông tin trong tờ xét nghiệm cũng không đúng. Hiện nay Lâm Đồng chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ lây nhiễm nCoV. 
Còn vụ xả súng tại sòng bạc ở Củ Chi vẫn đang trong quá trình điều tra và truy nã nghi phạm Lê Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “khỉ”). Thế nhưng, “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải của Thủ Dầu Một, Bình Dương lại tung clip thể hiện rằng Tuấn “khỉ” gọi điện thoại cho mình để được xin… đầu thú. Bằng giọng điệu khoe mẽ, Nguyễn Thanh Hải không chỉ tỏ vẻ bề trên uy quyền để động viên, còn hứa hẹn sẽ cho Tuấn “khỉ” gặp mặt vợ con trước khi dắt Tuấn “khỉ” đến bàn giao công an.
Hai thí dụ trên không gây hại trực tiếp đến ai, nhưng lại tạo ra sự nhiễu loạn thông tin. Nam sinh Đà Lạt và “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải có mục đích gì khi phô diễn chiêu trò này? Rất đơn giản, họ muốn gây chú ý với cộng đồng, tranh thủ sự quan tâm của người khác để đánh bóng bản thân. Trong bối cảnh cam go mà còn hứng thú suy tôn cái tôi thấp hèn của mình, thật đáng chê trách. Đùa cợt vô ý thức và kém tự trọng, cũng là hành vi cần được chế tài nghiêm khắc theo đúng tinh thần của Nghị định 15. 
Hóng hớt tin thật rồi biến hóa tin giả, có phải thú vui trên MXH? Mỗi người có toan tính khác nhau. Đôi khi chỉ nhằm chứng tỏ ta đây thông tỏ thời sự. Đôi khi chỉ nhằm tìm kiếm lượt like, lượt share giữa cơn hào hứng giá rẻ. Đôi khi chỉ nhằm giải khuây mà không đủ tỉnh táo đo lường hậu quả. Tin giả giống như thứ ma túy gây phấn khích cho cả người phao truyền lẫn người tiếp nhận. Thế nhưng, chỉ để thỏa mãn sự quái gở của bản thân, những người này không biết hoặc cố tình không biết, sự hả hê ấy gieo rắc bao nhiêu sự phản cảm và ngậm ngùi cho cộng đồng. 
Đam mê tin giả, không khác gì đi trong giấc mộng với đôi chân của kẻ ngái ngủ. Ngăn chặn tin giả bằng cách đánh thức những nỗi mê sảng, e rằng không đơn giản. Cách hữu hiệu vẫn là ý thức đề kháng của đám đông. Khi người tiếp nhận thông tin nâng cao trình độ suy luận và trình độ phản biện, sẽ thấy tin giả chẳng khác gì một vở tuồng nhảm nhí, kẻ đơm đặt tức khắc hiện ra nguyên dạng anh hề mặt xanh mặt đỏ nhảy nhót điên cuồng trong thị phi bất tận.
Xưa nay, tin giả luôn hoành hành trong mọi lĩnh vực, thậm chí thường bứt phá ngoạn mục trước tin thật. Khi tin thật vừa xỏ chân vào giày, tin giả đã bay vạn dặm. Chơi tin giả, cả “sáng tạo” tin giả lẫn “thưởng thức” tin giả, cũng là một triệu chứng sống ảo. Bệnh nào thì phải dùng thuốc nấy. Nghị định 15 có thể xem là liều thuốc đặc trị. Chơi tin giả để mất tiền thật, thậm chí vướng vòng lao lý, nam thanh nữ tú thèm khát cao vọng sẽ phải giật thót cho “triệu chứng lây nhiễm” ngây dại ngu ngơ. 

Các tin khác