Nhà hàng, quán ăn vắng khách

(ĐTTCO)-Nhà hàng tiệc cưới, quán ăn, quán cà phê… trên địa bàn TPHCM đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nCoV. Thông tin từ đại diện một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực này cho hay, lượng khách sụt giảm 30%-40% so với trước khi dịch bệnh diễn ra. 
Trưa 10-2, một quán ăn món Hàn Quốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vắng khách
Trưa 10-2, một quán ăn món Hàn Quốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vắng khách

Ngày 10-2, ghi nhanh tại một số nhà hàng, trung tâm tiệc cưới ở quận 10, quận Tân Phú, quận 3, lượng khách đến tìm hiểu giá, chốt lịch tổ chức tiệc (cưới, thôi nôi…) đều giảm mạnh. Đại diện truyền thông một nhà hàng lớn tại quận 10 cho hay, do đang bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV nên lượng khách đặt tiệc chững lại.

“Những khách hàng đặt tiệc cưới vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3 đều dời lịch tổ chức, chuyển sang những tháng khác. Có trường hợp hủy bỏ để tổ chức tại gia đình. Một số khác xin lại tiền cọc vì lo lắng tiệc sẽ vắng khách”, đại diện một trung tâm tiệc cưới lớn tại quận 10 chia sẻ. Ngoài ra, các cuộc gặp gỡ tri ân khách hàng, làm việc với đối tác của các nhà hàng, khách sạn… được tổ chức định kỳ hàng quý cũng đều bị hủy bỏ, để phòng chống dịch bệnh.

Tương tự, những quán nhậu, lẩu hải sản dọc các tuyến đường được mệnh danh phố ẩm thực của TPHCM như phố đi bộ Bùi Viện, chợ Bến Thành (quận 1); đường Phạm Văn Đồng (giáp ranh quận Gò Vấp với quận Bình Thạnh); tuyến đường Quang Trung (quận Gò Vấp)… khá vắng vẻ vào những ngày cuối tuần, dù rằng trước khi có dịch nơi đây luôn đông nghẹt khách ra vào. Có những nhà hàng, quán nhỏ không đủ sức gánh các chi phí đi kèm, như tiền lương nhân viên, tiền mặt bằng… nên tạm thời đóng cửa, cho nhân viên nghỉ không lương. 

Ước tính mới nhất của Tổng cục Du lịch, thiệt hại trong 3 tháng tới của ngành có thể trên 7 tỷ USD. Số liệu này căn cứ vào chi tiêu bình quân của du khách và lượng khách sụt giảm theo ước tính để dự báo. Ví dụ, thị trường Trung Quốc thường chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (1,7-1,9 triệu lượt), nhưng ảnh hưởng bởi dịch nên bị giảm khoảng 90%, thậm chí 100%.

Với mức chi tiêu bình quân của đối tượng khách này trên 1.000 USD/ngày (mức thiệt hại khoảng 2 tỷ USD). Tính cả thị trường nội địa, lượng khách sụt giảm khoảng 70%, dẫn đến mức thiệt hại từ thị trường trong nước cũng rất lớn, gần 3 tỷ USD. 

Theo Hiệp hội Du lịch TPHCM, ngành du lịch thành phố nói riêng, du lịch cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Có những công ty với đội xe hàng trăm chiếc phải nằm bãi do vắng khách. Nhiều công ty lớn, mạng lưới văn phòng rộng, đang phải chật vật để đảm bảo đời sống cho người lao động. Với các công ty nhỏ cũng căng sức để tìm kiếm nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/ngày trả lương nhân viên. Bên cạnh đó, đội ngũ khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch của TPHCM cũng bị ảnh hưởng rất lớn do không có khách để dẫn tour du lịch.

Các tin khác