Ngôi làng ngàn năm giao thoa Chăm-Việt

(ĐTTCO) - Bên bóng lưu vực sông Gianh, có một làng thuần Việt mang tên Pháp Kệ đã hình thành gần 1.000 năm (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Người dân nơi đây tự hào mảnh đất dưới bóng núi Hoành Sơn do anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt định hình.

Giếng Chăm cổ ở làng thuần Việt gần ngàn năm tuổi Pháp Kệ. Ảnh: MINH PHONG
Giếng Chăm cổ ở làng thuần Việt gần ngàn năm tuổi Pháp Kệ. Ảnh: MINH PHONG
Làng Việt trên Cồn Nền 3.500 năm
Ở xã Quảng Phương có di chỉ khảo cổ học rất quan trọng, di chỉ Cồn Nền, thuộc phần đất thôn Pháp Kệ. Di chỉ khảo cổ này được GS. sử học Trần Quốc Vượng đánh giá có độ tuổi 3.500 năm với dấu tích khai tổ của người Chăm sinh sống. Thầy giáo già 80 tuổi Trần Quốc Thái nói: “Làng Pháp Kệ hình thành từ nhà quân sự Lý Thường Kiệt. Năm xưa, khi đánh được quân nhà Tống, giúp nước Đại Việt yên bình, khi quân Chăm Pa cấu kết với nhà Tống quấy nhiễu Đại Việt, Lý Thường Kiệt đã 2 lần thân chinh vượt Hoành Sơn chinh phạt quân Chăm, cho xây dựng làng Pháp Kệ theo hình mẫu làng xã người Việt để tạo giao thoa văn hóa trên đất cổ xưa cho đến ngày nay”.
Lần theo gia phả các dòng họ ở làng Pháp Kệ, thầy giáo Trần Quốc Thái nói: “Năm 1069 danh tướng Lý Thường Kiệt thảo phạt quân Chiêm Thành, trên đường đi dẫn theo người dân các dòng họ Nguyễn, Phan từ miền Bắc vào định cư ở một số nơi của Quảng Bình. Đến nay Pháp Kệ đã hình thành trên 950 năm. Dòng họ Trần của chúng tôi đến đây năm 1103, do Phấn Dực Tướng quân Trần Đình Hách của triều Lý vâng mệnh vua đi đánh Chiêm Thành, lấy 3 châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý sáp nhập vào Đại Việt. Sau khi chiến thắng, tướng Hách ở lại Pháp Kệ khai đất lập ấp, từ đó đến nay đã 918 năm. Mộ cụ vẫn còn trên cánh đồng làng”.
Ngôi làng ngàn năm giao thoa Chăm-Việt ảnh 1 Hát Kiều ở làng Pháp Kệ.
Theo chân thầy giáo già Trần Quốc Thái ra khu vực mộ cổ Phấn Dực Tướng quân Trần Đình Hách và vợ đang được dòng họ Trần bảo tồn cho đến hôm nay. Trong sử sách, ông là vị tướng có công lao rất lớn, khi mất đi được phong thần hộ quốc cho Đại Việt ở vùng Hoành Sơn.
Tên ngôi làng Pháp Kệ khá lạ với rất nhiều người khi đến tìm hiểu vùng văn hóa dày đặc trầm tích giao thoa giữa Chăm và Việt này. Nhà nghiên cứu dân gian Tạ Viết Thể, 88 tuổi, cho biết: “Những người đầu tiên của Đại Việt khi đến ở trên đất Chăm Pa Cồn Nền đã rất mê hoặc đạo Phật, sùng Phật. Cụ Phan Kiên Hoàn, một nho sĩ hồi thế kỷ 17 đã giải thích, pháp có nghĩa là kinh pháp, kệ là hệ thống kinh pháp nên gọi tên là Pháp Kệ để đặt tên cho làng và được lưu tồn gần 1.000 năm”. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Pháp Kệ vẫn bảo lưu bên trong những bảo vật từ thời người Chăm Pa còn tồn tại. Đó là hệ thống 5 chiếc giếng Chăm ở 5 xóm, hình vuông, dưới đáy lát gỗ lim hàng ngàn năm tuổi đến nay nước vẫn trong mát, ngọt lành. Đây là một kỹ thuật làm giếng lấy nước từ hàng ngàn năm trước người Việt học lại của người Chăm, kế thừa kỹ thuật tốt đẹp ấy cho đến ngày nay cùng với văn hóa Việt cha ông đưa vào.

Lưu dấu tiền nhân
Làng Pháp Kệ đến nay vẫn còn bảo lưu những chiếu hát Kiều hơn 300 năm tuổi. Cụ Trần Xuân Thủ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nói: “Chiếu Kiều du nhập từ quê hương đại thi hào Nguyễn Du. Người làng thế hệ nào cũng thích. Một thời gian vì khó khăn, chiếu Kiều rụng dần. Năm 2010, tôi mong muốn phục dựng lại văn hóa Kiều, thế là CLB Kiều của làng ra đời với 10 người cao niên. Bây giờ có hơn 20 người từ 40-82 tuổi tham gia, ngoài ra có hơn 10 em học sinh tuổi 12-15 cũng mê ngâm Kiều vào các vai phụ. Kịch bản của chúng tôi có gần 100 trang viết tay, kết cấu gồm 5 phần, 76 cảnh và 31 làn điệu. Trong các điệu cổ như: nói lối, xá, xướng, ngâm, còn có điệu “la chớ” rất khó diễn xuất. Mọi người đã luyện tập thành công 21 vai diễn và biểu diễn thuần thục hầu hết 76 cảnh của kịch bản, dựa theo tác phẩm Truyện Kiều nhằm phục vụ nhân dân địa phương và tham gia các liên hoan cấp trên đều đưa lại ấn tượng khó phai với người xem”.
TS. sử học Nguyễn Khắc Thái cho biết: “Danh tướng Lý Thường Kiệt là người đầu tiên có công mở cõi Đại Việt về phía Nam để đất nước dần có hình thể chữ S. Là người đầu tiên đưa người Việt vào định cư vùng Quảng Bình, Quảng Trị, từ đó định hình văn hóa Việt phương Nam, làm điểm tựa tinh thần cho các lần mở cõi vào Nam sau này. Sau đó dưới thời nhà Nguyễn, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã mở cõi thành công vào Nam”. Trên đường đi Lý Thường Kiệt đã thiết lập một hệ thống hành chính thời bấy giờ ở vùng đất Quảng Bình, trong đó Pháp Kệ là một đơn vị hạt nhân. Đã cho quan đi trắc đạc, vẽ bản đồ, thiết lập hệ thống hành chính của vùng này vào hệ thống hành chính Đại Việt, người Chăm cũng được xem là con dân Đại Việt.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương nói: “Làng Pháp Kệ dày dặn trầm tích văn hóa, lịch sử lâu đời nên người dân rất có ý thức xây dựng bản quán của mình văn minh, sạch đẹp. Đến nay, Pháp Kệ là làng đầu tiên của xã được công nhận làng văn hóa, cũng là nơi có không khí xây dựng nông thôn mới hàng đầu của địa phương. Các dòng họ vào đây gần 1.000 năm đã dạy bảo con cháu sống có ích với xã hội nên tiếng thơm làng Pháp Kệ ngày mỗi vang xa. Trong chiến tranh Pháp Kệ là một phần của mảnh đất Quảng Phương được phong anh hùng lực lượng vũ trang, có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 48 liệt sĩ”. 

Các tin khác