Ngày trở về của GS. Vũ Hà Văn

(ĐTTCO) - Rời Việt Nam từ năm 1987, GS. Vũ Hà Văn (ảnh) đã gặt hái được nhiều thành tựu trong suốt 30 năm qua ở nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới. 

Từng nhận giải Polya năm 2008 và giải Fulkerson năm 2012, GS. Vũ Hà Văn đang giảng dạy tại Đại học Yale - Hoa Kỳ. Mới đây Giáo sư toán học Vũ Hà Văn được Tập đoàn Vingroup mời đảm nhiêm cương vị Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu dữ liệu lớn - Big Data.

Xây dựng văn hóa làm khoa học
Ngày trở về của GS. Vũ Hà Văn ảnh 1
 Có sự nghiệp vững chắc tại Hoa Kỳ đã nhiều năm, một chức vụ hành chính hay một khoản thu nhập thêm không phải là điều nhà toán học Vũ Hà Văn phải toan tính. Điều ông mong muốn từ vai trò Giám đốc Viện Big Data có thể thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam. “Tôi hy vọng những người làm khoa học cảm thấy có động lực hơn và trách nhiệm hơn. Quỹ Phát triển khoa học công nghệ trực thuộc Viện Big Data bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2019, là một hướng đi góp phần thay đổi không khí, môi trường làm khoa học ở Việt Nam. Không chỉ hỗ trợ về tài chính, chúng tôi còn hỗ trợ về cơ chế, môi trường nghiên cứu…
Điều đó có cơ sở để thực hiện vì thông qua Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ ứng dụng thuộc Viện với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng trong 3 năm, sẵn sàng tài trợ cho các dự án có ý nghĩa, có tác động lớn đến xã hội. Những dự án gửi đến sẽ được xét duyệt bởi một hội đồng khoa học có chuyên môn cao và cấp kinh phí tối thiểu 2 tỷ đồng và tối đa là không có trần. Nếu sản phẩm có ý nghĩa, được hỗ trợ để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Đây là ước mơ và khát vọng của những người làm khoa học. Làm được điều đó dần dần sẽ xây dựng được văn hóa làm khoa học, làm việc hết mình đeo bám đến cùng, thay vì nghiệm thu rồi để đó” - GS. Văn chia sẻ.
Năm 1998, lúc 28 tuổi, Vũ Hà Văn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ toán học tại Đại học Yale. Năm 2005, Vũ Hà Văn trở thành giáo sư toán học tại Đại học Rutgers. Vài năm gần đây, sau khi thỉnh giảng ở nhiều đại học lừng lẫy khắp năm châu, Vũ Hà Văn quay lại Đại học Yale làm giáo sư toán học. Không chỉ được trọng vọng ở Hoa Kỳ, GS. Vũ Hà Văn được đánh giá là một trong những nhà toán học hàng đầu thế giới ở lĩnh vực xác suất thống kê và lý thuyết cộng tính số… 
Khởi động từ cột mốc Á khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Vũ Hà Văn được nhận học bổng sang Hungary theo học ngành điện tử tại Đại học Bách khoa Budapest. Ban đầu, ông theo học điện tử tại Đại học Bách khoa Budapest, nhưng sau đó được một giáo sư ngành toán khuyến khích đã chuyển sang Đại học Eotvos, Budapest, Hungary. Năm 1994, Vũ Hà Văn tốt nghiệp cử nhân, và tiếp tục hành trình chinh phục những đỉnh cao mới trong toán học. Sau khi công bố cuốn sách “Additive Combinatorics” (Tổ hợp cộng tính), Vũ Hà Văn được xem như một gương mặt xuất sắc toàn cầu về nghiên cứu toán học rời rạc.

Khát vọng vươn tầm
Thành công của GS. Vũ Hà Văn càng khiến những ai yêu mến ông thú vị hơn, khi biết rằng ông sinh ra trong một gia đình không liên quan gì đến toán học: thân phụ là nhà thơ Vũ Quần Phương, thân mẫu dược sĩ Đỗ Thị Hường. GS. Vũ Hà Văn còn có một em trai đang làm việc cho Tập đoàn Google. 2 anh em đều lớn lên theo những vần thơ của người cha: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió/ Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay/ Tiếng lích chích chim sâu trong lá/ Con chìa vôi vừa hót vừa bay/ Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/ Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/ Thấy chú bé đi hài bảy dặm/ Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng làm bác sĩ trước khi chọn nghiệp văn chương, nhưng ông không thể hướng dẫn con học toán: “Điều duy nhất tôi dạy con là tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm với đời của mình và trách nhiệm với nghề của mình”. Còn nhà toán học Vũ Hà Văn thổ lộ: “Tôi học ở cha tôi sự nề nếp và chăm chỉ. Cha tôi làm thơ mà còn nghiêm túc, tôi làm toán càng phải nghiêm túc”.
Khi nhà thơ Vũ Quần Phương rời khỏi Bộ Y tế sang công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam, Vũ Hà Văn thường xuyên theo bố đến cơ quan. Thấy trên sóng phát thanh có chương trình kể chuyện mẫu giáo, Vũ Hà Văn 4 tuổi xin bố cho mình thử sức. Không ngờ, Vũ Hà Văn rất có khiếu diễn đạt, các biên tập viên rất hài lòng. Lần đầu lên sóng kể chuyện, Vũ Hà Văn được trả 8 đồng (cũng không ít, nếu so với lương chuyên viên của nhà thơ Vũ Quần Phương lúc ấy là 64 đồng/tháng). 
Sự quan tâm của Vũ Hà Văn đến cuộc sống gia đình thể hiện rõ khi xa nhà du học. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại: “Con học ở Hungary được 3 năm mới có dịp về ăn Tết với cha mẹ. Lúc đó, Văn để dành được 100USD và đưa cho chúng tôi. Tôi thương con vô cùng. Tôi hiểu ở thời điểm đó, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, con vẫn để dành tiền cho bố mẹ nghĩa là đã phải tiết kiệm hết mức”.
Bà Đỗ Thị Hường nhắc thêm: “Thời bao cấp khó khăn, vợ chồng tôi vay mượn mua áo “kimono” gửi sang cho con bán để có thêm tiền sách vở. Thế nhưng, cháu không đem bán, cứ chất đầy tủ. Khi chúng tôi sang thăm, ngạc nhiên hỏi con mới giải thích khi đang học có người gọi mua áo sẽ mất tập trung, phân tán lắm. Ngược lại, cháu tự bươn chải kiếm sống bằng cách mùa hè đi hái quả ở nông trang. Tất cả các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, sách vở, radio... đều mua lại của những sinh viên tốt nghiệp về nước với giá chỉ bằng 20-30% so với đồ mới…”.

Ước mơ cống hiến thành hiện thực
GS. toán học Vũ Hà Văn hiện đang sống cùng vợ và 2 con ở Hoa Kỳ. Vợ của Vũ Hà Văn làm nhân viên hành chính ở Đại học Yale. Con lớn của Vũ Hà Văn đã vào đại học, còn con nhỏ đang học trung học. GS. toán học Vũ Hà Văn dạy tiếng Việt cho con bằng chính vần thơ của Vũ Quần Phương, từ những bài cha viết cho mình khi còn nhỏ: “Con ngủ con chơi mong con chóng lớn/ Đồng đất quê ta lũ lụt qua rồi/ Con đê qua làng con đê đi mãi/ Cha hát ru con điệu hát bao đời/ Điệu hát chở che như con đê rộng/ Hạt phù sa nhỏ, hạt phù sa ơi…” đến những bài thơ cha viết cho mình khi định cư đất khách: “Các con đã lớn khôn - những chân trời thăm thẳm/ Mẹ con như căn nhà, như chiếc tổ chờ trông/ Sống bằng nỗi nhớ con, bây giờ thêm nhớ cháu/ Những năm tháng đời người lặng lẽ đi qua...”. 
Bây giờ ở tuổi 48, GS. toán học Vũ Hà Văn thao thức về một tương lai toán học cho nước nhà: “Nền toán học Việt Nam còn rất "trẻ" so với các nền toán học mạnh trên thế giới. Tại thời điểm hiện nay, nếu chỉ tính đóng góp của một nền toán học qua số lượng các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có chỉ số Impact Factor cao (chỉ số về chuyên môn) và số lượng người trích dẫn, sử dụng các công trình đó, có lẽ đóng góp của toán học nước ta còn ở mức độ quá khiêm tốn. Số người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp nói chung và toán học nói riêng ở Việt Nam là rất ít so với dân số.
Mặc dù toán học có nhiều cá nhân có uy tín quốc tế, nhưng chưa tạo ra được trường phái riêng. Những nhà toán học trẻ và giỏi hiện nay phần lớn được đào tạo tại nước ngoài, chủ yếu là Tây Âu và Hoa Kỳ. Hàng năm có khoảng 5-10 bạn tốt nghiệp tiến sĩ toán học ở các đại học uy tín trên thế giới. Nếu Nhà nước có kế hoạch trọng dụng họ, hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ có một đội ngũ đáng kể”.

Các tin khác