Nên bỏ kỳ thi THCS và THPT

(ĐTTCO) - Có một vài tỉnh bắt đầu tái khởi động cho học sinh đến trường sớm hơn, như Cà Mau, Thái Bình. Nhưng nhìn một cách tổng quát trên bình diện cả nước, hệ thống giáo dục sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 4-5. Song vẫn có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau.
Lịch sử giáo dục nước nhà tính từ ngày thống nhất tới nay chưa bao giờ có tình trạng bị ngắt nhịp lâu như thế, hơn 3 tháng 15 ngày (tính từ ngày nghỉ tết 18-1). Điều này đã làm toàn bộ hệ thống bị xáo trộn, ngưng trệ, để lại hậu quả thật nặng nề. Bộ chủ quản và các sở giáo dục- đào tạo (GD-ĐT), các trường đang tìm mọi cách khắc phục hậu quả.
Một loạt vấn đề nan giải đặt ra, như làm thế nào đảm bảo an toàn cho hàng triệu học sinh, sinh viên trở lại học tập, sinh hoạt, trong khi nguy cơ dịch Covid-19 vẫn còn treo lơ lửng đâu đó. Làm thế nào để kết thúc được năm học 2019-2020 theo đúng kế hoạch để chuẩn bị cho năm học 2020-2021 không bị dồn toa và tiếp tục xáo trộn thêm nữa. Tiêu điểm của sự chú ý toàn xã hội đổ dồn cho kết thúc lớp 9 THCS chuyển sang lớp 10 THPT và từ lớp 12 THPT sang đại học. 
Với học sinh lớp 12, năm nay Bộ GD-ĐT chủ trương vẫn giữ theo khung chuẩn như cũ, không thay đổi nhiều so với 2019. Điều này cho thấy bộ chủ quản không muốn có sự xáo trộn về quy trình được xem là chuẩn, chỉ có một vài thay đổi không chính yếu, nhằm giảm nhẹ áp lực cho học sinh. Đó là hạ cấp tầm quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi THPT.
Nên bỏ kỳ thi THCS và THPT ảnh 1
Theo đó Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức ra đề thi, xây dựng và cung cấp các phần mềm chấm thi, thí sinh sẽ dự thi tại địa phương, và việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi sẽ giao cho địa phương, bộ chỉ sử dụng một lực lượng nhỏ làm công tác giám sát và thanh tra. Với một kỳ thi như thế, Bộ GD-ĐT tin rằng các khâu của quy trình vẫn được bảo toàn, còn kết quả kỳ thi sẽ được các trường đại học sử dụng cho tuyển sinh đầu vào. 
Kỳ thi THPT chắc sẽ diễn ra theo kịch bản của bộ chủ quản xây dựng, nhưng đảm bảo an toàn và chất lượng hay không, không chắc chắn lắm. Ngay bản thân lãnh đạo bộ cũng không hoàn toàn tin vào điều đó, và cả xã hội cũng thấy có gì đó không ổn. Trên tinh thần “học gì thi nấy”, tức sau khi tinh giản và giảm tải, học sinh mỗi địa phương tùy theo sở học của mình mang vốn liếng đến kỳ thi, nói như người Nam bộ là “có nhiêu xài nhiêu”. 
Thực tế, sau hơn 3 tháng xa trường, xa bạn, học sinh học rất chệch choạc, mỗi nơi mỗi kiểu, việc học online hiệu quả rất thấp, rất nhiều học sinh ở các vùng xa thành phố không có máy tính, không có mạng nên không học được, ngay học sinh ở TPHCM cũng có đến 20% không tham gia học trực tuyến. Thời gian còn lại chỉ hơn 2 tháng đến kỳ thi, nếu Bộ GD- ĐT không bỏ hẳn một số môn để tập trung vào các môn thi chính, vẫn giữ nguyên tất cả môn học và chỉ giảm thời lượng của mỗi môn, học sinh sẽ bị phân tán, kiến thức không những ít mà còn tản mát. 
Trong bối cảnh như thế, việc giao các địa phương “tùy nghi” theo đặc điểm địa phương mình để “giảm nhẹ áp lực cho các cháu”, nhất định điểm thi năm nay sẽ cao chưa từng thấy. Bởi tâm lý cho rằng các cháu năm nay khổ quá, nên phiên phiến, nên rộng rãi, nên thương các con cháu nhà mình. Rất có thể kết quả thi THPT ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa cao hơn Hà Nội và TPHCM. Với kết quả như thế không có ông, bà hiệu trưởng đại học nào dám sử dụng làm kết quả tuyển sinh đầu vào, và rất có thể các trường phải có một kỳ thi thay thế khác.
Có thể là muộn, nhưng nhiều chuyên gia đã đề xuất năm nay bỏ thi cả hai cấp THCS và THPT. Rõ ràng, chủ trương của Bộ GD-ĐT là nhẹ tay. Ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngoài việc dựa trên kết quả kỳ thi còn đối sánh với điểm trong học bạ để xem xét việc tốt nghiệp, thậm chi các em không vượt qua kỳ thi vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, để đủ điều kiện học nghề và xin việc làm. Như thế xem ra việc thi chỉ để giữ cái nếp không bị mất, quả thật vừa tốn kém, không cần thiết, chưa kể khả năng tiêu cực và những hệ lụy phát sinh là rất khó tránh khỏi. 
Các trường đại học cho học sinh đăng ký ghi danh vào trường mong muốn hội đồng tuyển sinh căn cứ vào kết quả học tập của 3 năm cuối phổ thông, ngoài ra có thể tổ chức kiểm tra, sàng lọc lấy những học sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo của trường mình. Việc kiểm tra này xuất phát từ yêu cầu của ngành học, không nhất thiết phải thi 3 môn. Chẳng hạn học sinh muốn vào khoa hóa của Đại học Bách khoa, chỉ cần kiểm tra năng lực môn hóa, học sinh muốn vào trường Mỹ thuật chỉ cần thi môn năng khiếu là đủ. Tương tự, các em học sinh lớp 9 được tốt nghiệp và chuyển vào lớp 10 theo địa bàn cư trú. Những em nào có nguyên vọng vào trường chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa sẽ phải trải qua kỳ kiểm tra phân loại. 
Lịch sử giáo dục phổ thông ở miền Bắc đã từng diễn ra trường hợp “bất thường” như thế. Còn nhớ những năm 1971-1973, khi chiến tranh diễn ra ác liệt, hàng chục ngàn học sinh các trường cấp 3 bấy giờ được huy động ra chiến trường. Những học sinh nào học hết học kỳ 1 của lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm), được xét đặc cách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3, và sau này rất nhiều trong số họ đã thi vào đại học sau khi từ chiến trường trở về. Trong những trường hợp đặc biệt nên có những phương cách đặc biệt. Không có phương cách nào được coi là tối ưu nhất, hoàn hảo nhất trong bối cảnh như vậy. Phải chấp nhận phương cách ít rủi ro nhất, có thể kiểm soát được tiến trình và chấp nhận không làm thỏa mãn một số ít người.
Vấn đề đặt ra lúc này, là chúng ta nên cân nhắc có cần thiết phải duy trì các kỳ thi vừa tốn kém vừa mang nặng hình thức chủ nghĩa. Nên biết rằng năm nào tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng đạt hơn 97%. Chi bằng bỏ kỳ thi THCS và THPT như nhiều nước đã làm, còn việc tuyển sinh đại học đã đến lúc trả cho các trường. Theo đó, các trường dựa trên năng lực của mình, nhu cầu của thị trường để đưa ra hình thức tuyển chọn đầu vào phù hợp nhất. Bởi chỉ có họ mới biết chính xác mỗi trường cần bao nhiêu, loại học sinh nào và đào tạo như thế nào. 

Các tin khác