Mạnh tay với chợ tự phát: Dẹp chỗ này, mọc chỗ khác

(ĐTTCO) - Những năm gần đây, chợ tự phát mọc lên khắp nơi. Cứ nơi nào người dân có nhu cầu tiện lợi về mua sắm thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu thì nơi đó sẽ hình thành chợ tự phát.

 Chợ mọc xung quanh chợ truyền thống, trong các đường hẻm khu dân cư, khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX). Nhiều tuyến đường, vỉa hè vốn dĩ để lưu thông bị biến thành chợ tự phát, trong khi chợ truyền thống ngày một đìu hiu.

Chợ tự phát chiếm hết con hẻm 430, đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 11, quận 3, TPHCM). Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Chợ tự phát chiếm hết con hẻm 430, đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 11, quận 3, TPHCM). Ảnh: BÙI ANH TUẤN

LTS: Xuất phát từ thói quen, nhu cầu mua sắm của một bộ phận người dân, chợ tự phát đã tồn tại ở TPHCM từ nhiều năm qua và đang có xu hướng tràn lan, gây cản trở, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, hàng hóa bán tại chợ tự phát không rõ nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, chấn chỉnh, lập lại trật tự chợ tự phát hiện đang là việc khó giải quyết dứt điểm.

Đường biến thành chợ 

Đường Phạm Văn Chiêu (phường 9, quận Gò Vấp) từ lâu nay đã biến thành chợ. 2 bên lề đường và toàn bộ khu vực vỉa hè đều bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, xe bán hàng rong có kèm loa mini phát inh ỏi từ sáng tới đến chập tối. Đoạn đường chừng 500m nhưng có tới gần 30 xe hàng rong. Ông Võ Trọng Nghĩa (50 tuổi), nhà trên đường Phạm Văn Chiêu, kể: “Ngày nào cũng như ngày nào, tiếng rao phát liên tục từ sáng đến tối, chỉ cần mở cửa là đã nhức đầu rồi. Không những vậy, họp chợ hai bên đường còn gây nên tình trạng kẹt xe, mất trật tự, nhất là những lúc tan tầm”. Cũng tại địa bàn quận Gò Vấp, án ngữ trên đường Phạm Văn Bạch (phường 12) là hàng loạt xe đẩy bán hàng rong ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Kẻ bán người mua tấp nập, nước thải từ các hoạt động buôn bán gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Hay như chợ tự phát trên đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) họp từ lúc sáng sớm đến tối mịt. Mặc dù chính quyền địa phương đã gắn bảng cấm tụ tập, bán hàng rong nhưng người dân vẫn bất chấp, bày bán đủ loại hàng hóa. 

Tương tự, tại nhiều địa bàn khác như quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7…, chợ tự phát cũng mọc nhan nhản. Từ nhiều năm nay, dọc theo đường số 1 và số 8 (kế bên hông chợ Tân Mỹ, phường Tân Phú, quận 7) đã trở thành chợ tự phát nhộn nhịp. Từ sáng tới chiều, các quầy hàng tự phát tràn ra giữa đường số 1 và số 8, không còn lối cho người lưu thông. Các loại rác thải, nước thải từ chợ tự phát xả lênh láng ra đường. Thậm chí các quầy hàng bán gà vịt sống, làm thịt ngay bên vỉa hè, đổ nước bẩn ra đường bốc mùi hôi thối… Ngay trung tâm quận 3, con hẻm 430 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 11) thông ra đường Trần Văn Đang cũng rơi vào tình cảnh chợ tự phát họp tràn lan. Tuy là con hẻm nhỏ, nhưng đây là nơi họp chợ của hàng trăm quầy với đủ mặt hàng từ thực phẩm tới quần áo, giày dép..., không khác gì một chợ truyền thống. Nước, rác thải từ các hoạt động mua bán gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sống xung quanh. 

Ở quận 1, quận 5 cũng vậy, nhiều con hẻm đã biến thành chợ tự phát từ lúc nào không hay. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ buôn bán nhỏ lẻ bó rau, con cá; sau đó, nhiều xe hàng rong kéo đến và hình thành một ngôi chợ nhỏ ngay trong hẻm, án cả lối đi…

Buôn bán bát nháo

Hầu hết tiểu thương buôn bán tự phát chỉ bán hàng xung quanh chợ truyền thống, vì họ không chịu vào chợ. Xung quanh chợ Hòa Bình (quận 5) là một ví dụ. Các tuyến đường Nhiêu Tâm, Bạch Vân, Chiêu Anh Cát kế bên chợ Hòa Bình lâu nay đã bị chợ tự phát lấn chiếm. Ông Bùi Mạnh Chung, Trưởng Ban quản lý chợ Hòa Bình, cho biết: “Bên ngoài chợ Hòa Bình là chợ tự phát, kinh doanh đủ các mặt hàng với quy mô tương đương trong lồng chợ với khoảng 400 quầy, sạp. Điều này đã tạo sự bất lợi và không công bằng cho tiểu thương.

Bởi lẽ, tiểu thương trong chợ phải thuê quầy, sạp, đóng thuế… còn người mua bán ở chợ tự phát không tốn một khoản phí nào. Do vậy, cùng một mặt hàng như nhau, nhưng giá cả ở chợ tự phát rẻ hơn. Tiểu thương trong chợ Hòa Bình khó có thể cạnh tranh về giá, mặc dù hàng hóa trong chợ có nguồn gốc”. Trong khi đó, tại chợ Hòa Hưng (quận Tân Bình), chị Hồ Bảo Minh (43 tuổi, một tiểu thương) ngán ngẩm: “Trước tình cảnh buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương đã bỏ chợ truyền thống, ra các chợ tự phát thuê mặt bằng hoặc ngồi bên lề đường để buôn bán. Các chợ tự phát hoạt động rầm rộ, mở ồ ạt khiến nhu cầu mua sắm của người dân tại các chợ truyền thống cũng bị sụt giảm, nhiều người dân vì tiện lợi, ngồi trên xe là mua được ngay nên dường như đã bỏ mua sắm tại các chợ truyền thống”. 

Trên đường số 6 (ngay bên cạnh chợ truyền thống Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cũng đã hình thành chợ tự phát. Chợ Bình Triệu vốn sầm uất, nhưng từ ngày có chợ tự phát bên cạnh, người vào chợ cũng thưa dần. Người dân đã quên thói quen gửi xe vào chợ mà dừng ngay trên đường mua hàng. Chợ đường số 6 dài chừng 200m, hàng hóa bày bán cũng phong phú như ở trong chợ truyền thống. Thấy chợ đường họp đông, nhiều tiểu thương bỏ chợ truyền thống ra họp ngoài đường. “Hàng ngày vẫn mua hàng ở chợ tự phát mỗi khi đi làm về. Chợ giữa đường mua hàng tiện lợi, người bán lại chuyên nghiệp, chỉ dừng lại chút xíu là có cân cá trong túi mang về”, chị Phan Thị Hải, nhà ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh cho biết.

Thiếu kiên quyết 

Từ ngày chợ tự phát hình thành trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), tuyến đường đã trở thành điểm nóng về giao thông, tình trạng tắc đường, kẹt xe xảy ra thường xuyên. 

Ông Nguyễn Văn Tâm, nhà bên đường cho biết, con đường trước đây nhỏ lắm, khi được đầu tư nâng cấp mở rộng, lưu lượng xe cộ đông, người dân các nơi tụ tập về đây buôn bán. Lúc đầu chỉ vài ba sạp hàng, đến nay số sạp lên đến hàng trăm, kéo dài hàng trăm mét từ giao lộ đường song hành Kha Vạn Cân đến ngã ba Hiệp Bình - Tam Bình. Để dẹp chợ tự phát Hiệp Bình, nhiều năm nay, chính quyền địa phương lên phương án tuần tra, dọn dẹp nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Xe tuần tra của phường đi đến đâu, người bán hàng dạt vào lề đến đó, nhưng xe qua rồi, người bán lại tràn ra đường. “Khi có đoàn kiểm tra, hàng hóa rút vào nhà, hết kiểm tra lại bày ra đường. Cuộc chiến chống chợ tự phát vẫn còn giằng co chưa có hồi kết”, một người dân ngụ trên đường Hiệp Bình bức xúc. 

Còn một cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho biết, để xóa chợ tự phát Hiệp Bình, phường đã tuyên truyền vận động, tổ chức thu gom và chốt chặn ở 2 đầu đường, nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Tương tự, Ban quản lý chợ Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) cũng không thể quản lý đối với chợ tự phát xung quanh chợ. Theo Ban quản lý, chợ Bà Chiểu có 1.474 quầy, sạp kinh doanh đủ các ngành hàng. Tuy nhiên, chợ tự phát có gần gấp đôi số tiểu thương tham gia. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 1, quận Bình Thạnh, cho biết: “Hàng ngày, giờ cao điểm, anh em trật tự đô thị đều tăng cường công tác tuần tra, giải tán chợ tự phát”. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc chấn chỉnh chợ tự phát không đạt kết quả như mong muốn. Khi đoàn kiểm tra xuất hiện, các tiểu thương kéo hàng hóa của mình vào trong lề, các xe đẩy bán trái cây bỏ chạy…, nhưng khi đoàn kiểm tra vừa đi qua thì thực trạng lại tiếp diễn! Không chỉ ở chợ Hiệp Bình, Bà Chiểu, mà nhiều chợ tự phát khác cũng được chính quyền “đẩy, đuổi”, nhưng đâu lại vào đấy, chợ vẫn họp um sùm. Thực tế, không tốn tiền thuê sạp, đóng thuế nên tiểu thương chọn chợ tự phát, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhanh, gọn, trong khi chính quyền vẫn thiếu… kiên quyết! 

Qua khảo sát, chợ tự phát không chỉ mọc ở những khu dân cư mà mở ra tại các tuyến đường trong các KCX-KCN, nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trở thành những “chợ công nhân” từ nhiều năm nay. Tình trạng họp chợ tự phát mất trật tự, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm là một thực trạng trên nhiều địa bàn TPHCM.

Các tin khác