“Lá chắn” ngăn Covid-19 nơi biên cương

(ĐTTCO) - Không chỉ “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) còn ngày đêm “ăn lán, ngủ rừng” để ngăn dòng người từ bên kia biên giới Lào lén nhập biên, trốn cách ly. Họ là “lá chắn”trong phòng chống dịch ở biên giới đất liền.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế tặng quà động viên bộ chiến sĩ biên phòng tại điểm chốt dã chiến.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế tặng quà động viên bộ chiến sĩ biên phòng tại điểm chốt dã chiến.
Cùng đồng bào đẩy lùi dịch bệnh
Những chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay sát khuẩn và tờ rơi về cách phòng chống dịch Covid-19 là hành trang gắn liền với từng chiến sĩ Đội tuyên truyền lưu động Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày qua. Cùng với chiếc loa phát thanh di động, những người lính biên phòng lần lượt đến từng bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn để tuyên truyền. Trên mọi nẻo đường, khắp bản làng như rộn ràng hơn bởi tiếng loa phát thanh cập nhật thông tin mới về công tác phòng chống dịch Covid-19 bằng tiếng các dân tộc thiểu số, đã thu hút sự chú ý của mọi người. 
Gặp chúng tôi sau một hồi tặng và hướng dẫn cách đeo khẩu trang phòng chống dịch cho một số hộ gia đình ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Đớt, chia sẻ nhiều người dân ở đây không biết đọc, biết viết, thậm chí không rành tiếng phổ thông nên tuyên truyền bằng tờ rơi hoặc hệ thống loa phát thanh bà con không hiểu. “Phải trò chuyện bằng tiếng của đồng bào và cầm tay hướng dẫn, bà con mới hiểu, mới chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh” - Thiếu tá Toản nói.
“Lá chắn” ngăn Covid-19 nơi biên cương ảnh 1 Đo thân nhiệt và tặng khẩu trang cho đồng bào ở biên giới Việt Nam – Lào phòng chống dịch Covid-19.
Gần trưa nhưng chị Mai Thị Phùng, thôn A Tin vẫn tranh thủ đến nhà bà con để chia sẻ phương pháp phòng chống dịch mà chị được cán bộ biên phòng phổ biến. Chị Phùng cho biết: “Bội đội tuyên truyền dễ hiểu nên nọi người trong bản cùng thay đổi thói quen sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tự dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà”. 
Còn theo ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực giáp biên giới chưa rõ về cách thức phòng chống cũng như chưa có điều kiện để tiếp xúc với các vật dụng y tế cần thiết. “Điều kiện khí hậu mưa gió khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Qua đó, giúp đồng bào tin tưởng tuyệt đối vào công tác phòng chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng” - ông  Phong nói và cho biết cán bộ biên phòng còn tiến hành rà soát các hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các thiết bị y tế cần thiết, giúp bà con có đủ điều kiện để cách ly xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Kịp thời phát hiện các đối tượng né tránh cách ly
Biên giới Việt Nam - Lào là một vùng hoàn toàn đồi núi và sống suối. Ở phía phía Nam thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam địa hình thấp dần nhưng khí hậu khắc nghiệt với gió phơn hoạt động mạnh từ đầu hè. Song những ngày qua, với phương châm “Phòng, chống là chính, ngăn chặn vào Việt Nam là chủ yếu” - lực lượng BĐBP các tỉnh có đường biên giới với nước bạn Lào đã nỗ lực kiểm soát tuyến biên giới để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện hàng vạn người từ Lào ùn ùn về nước. 
Đại tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương có chiều dài đường biên giới 84km thuộc địa bàn 12 xã của huyện A Lưới, tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và huyện Sá Muội, tỉnh Salavan của nước bạn Lào. Cùng với 2 cửa khẩu chính là Hồng Vân và A Đớt, dọc tuyến đường biên này, BĐBP tỉnh bố trí gần 30 chốt cố định và điểm chốt dã chiến để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam. 
“Lá chắn” ngăn Covid-19 nơi biên cương ảnh 2 Bàn giao các đối tượng vượt biên trái phép cho ngành y tế tổ chức cách ly theo quy định.
Song địa hình đồi núi hiểm trở, lại là địa bàn sinh sống rải rác của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi nên các đối tượng thường lợi dụng đêm tối để vượt biên trái phép, chủ yếu né tránh cách ly theo quy định tại cửa khẩu. “Chỉ trong 5 ngày đầu tháng 4, đơn vị kịp thời phát hiện 21 đối tượng vượt biên trái phép từ Lào về Việt Nam. Sau khi lập biên bản vi phạm và tiến hành các bước kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, lấy phiếu khai báo thông tin và khai báo y tế, các đối tượng đều có tình trạng sức khỏe tốt, không có trường hợp nào biểu hiện ho, sốt nên đơn vị đã bàn giao cho Trung tâm y tế huyện A Lưới thực hiện cách ly theo quy định” - Đại tá Đạt cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều người dân sinh sống hai bên biên giới Việt Nam - Lào có quan hệ thân tộc, nay bị cấm qua lại để phòng dịch, nhiều người tỏ thái độ chống đối. Lực lượng BĐBP phải gặp từng người để vận động tuyên truyền bà con chấp hành lệnh tốt hơn. Chưa hết, một số đối tượng người bản địa, thông thạo địa bàn còn dẫn người qua biên giới, khiến công tác ngăn chăn người vượt biên trái phép càng khó khăn. Thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thuộc BĐBP Quảng Trị, cho biết một số trường hợp vượt biên trái phép từ Lào vào Việt Nam qua sông Sê Pôn trót lọt, bên này sẽ có ôtô chờ sẵn để chở vào sâu nội địa. Nếu bị phát hiện, những người này nhanh chóng tẩu thoát ngược lại sang bên kia biên giới. 
Theo lời kể của Thượng tá Thiện, khoảng 16 giờ 30 ngày 2-4, khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực cánh gà cửa khẩu Lao Bảo, Tổ công tác của đơn vị phát hiện 6 người đang cắt rừng, vượt suối. Cùng lúc, một chiếc ô tô đậu gần khu vực cửa khẩu Lao Bảo. Sau đó, 6 người này nhanh chóng lên ô tô di chuyển về hướng TP Đông Hà theo Quốc lộ 9. Nghi vấn nhóm người nhập cảnh trái phép nên tổ công tác tổ chức truy đuổi và đề nghị CSGT phối hợp. Chiếc xe nói trên chạy đến Km36 đường 9 thì bị CSGT Công an Quảng Trị chặn lại. Sáu người trên xe khai nhận, đều làm công nhân tại Lào, khi về Việt Nam họ đi theo đường tiểu ngạch vì không muốn cách ly. Lực lượng biên phòng đã bàn giao họ cho cơ quan chức năng cách ly.
“Lá chắn” ngăn Covid-19 nơi biên cương ảnh 3 Một điểm chốt dã chiến ngăn nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam của BĐBP Thừa Thiên - Huế.
Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương, sau khi thị sát tình hình thực tế tại biên giới Việt Nam – Lào đã đề nghị các tổ công tác luôn kiểm soát chặt chẽ các khu vực đường mòn, lối mở trên biên giới, tất cả trường hợp xuất nhập cảnh phải được kiểm tra y tế. “Các chốt chặn cần chủ động nắm chắc tình hình khu vực biên giới để ngăn chặn triệt để hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả ngay từ cửa ngõ biên giới” - ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Các tin khác