Ký thỏa thuận PPP về kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa

(ĐTTCO)-Ngày 19-2, lần đầu tiên, một thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Ký thỏa thuận PPP về kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa
Sau lễ ký kết này, Bộ TN-MT và các doanh nghiệp nói trên sẽ thành lập Tổ công tác chung để xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể về các nội dung ưu tiên. Đó là nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc ký kết biên bản ghi nhớ thể hiện sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong việc biến thách thức thành cơ hội giúp giải quyết các vấn đề chung của xã hội.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, phát biểu: “Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow Chemical rất tự hào là thành viên sáng lập mô hình hợp tác công tư này để triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế, góp phần loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường”.

Ô nhiễm nhựa hiện đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái. Rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các sông, phá hủy hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các vùng biển. Cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra trên khắp thế giới và có tới 5.000 tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Một nửa tổng số sản phẩm nhựa được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó vứt đi. Trong tổng số nhựa từng được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại 79% đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

Riêng tại Việt Nam, dù tỷ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng với hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện, vấn đề rác thải nhựa vẫn là thách thức rất lớn.

Các tin khác