Không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân

(ĐTTCO) -Sau hơn một tuần thực hiện chủ trương cách ly xã hội do Chính phủ chỉ đạo, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo dồi dào. Đặc biệt, tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TPHCM không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Nguồn hàng hóa thiết yếu luôn được các hệ thống phân phối dự trữ dồi dào

Nguồn hàng hóa thiết yếu luôn được các hệ thống phân phối dự trữ dồi dào

Tăng nguồn hàng cung ứng trên 30%

Nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu nói riêng đã chủ động gia tăng công suất sản xuất lên 20%-40%. Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, trong khoảng thời gian gần đây, lượng tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15%-20%, hàng đông lạnh tăng trên 20%.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao của người dân, công ty tổ chức cho công nhân làm 3 ca. Trước đó, công ty cũng đã dự báo tình hình nhu cầu sử dụng hàng hóa thiết yếu tăng cao nên đã gia tăng tích trữ nguồn nguyên liệu sản xuất đủ đảm bảo duy trì hoạt động trong suốt cả năm 2020. 

Còn với hệ thống kênh phân phối hoạt động, ngoài việc gia tăng lượng hàng tích trữ thêm 20%-30%, tăng giờ hoạt động của các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị còn bố trí thêm các điểm bán dã chiến. Riêng với hệ thống chợ truyền thống vẫn duy trì hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh… Ông Đức khẳng định, lượng thực phẩm thành phố chuẩn bị để phục vụ thị trường, người dân sử dụng 3-6 tháng cũng không hết. Do đó, mọi người có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa. 

Trên thực tế, trước đó, ngoài nguồn cung vào đều đặn mỗi ngày từ các nhà cung cấp, từ đầu tháng 2, đơn vị đã thực hiện dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh, nước tẩy rửa... với trữ lượng giống như cho mùa tết. Lượng hàng này được lưu giữ an toàn trong các kho trung tâm của Saigon Co.op tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc. Không dừng lại đó, đơn vị còn đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp và các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng.

Riêng với những vùng có dịch bệnh như Hà Nội, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng…, đơn vị còn xây dựng kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị. Đồng thời theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh tại các tỉnh thành, triển khai phối hợp với các nhà cung cấp, kho trung tâm Saigon Co.op, siêu thị trong khu vực để chuyển hàng hóa kịp thời phục vụ người dân. 

Đa dạng hình thức giao hàng online

Không dừng lại ở việc chuẩn bị nguồn hàng, để tạo thuận lợi cho người dân có thể mua trực tuyến và được “ship” về tận nhà theo yêu cầu, các hệ thống siêu thị còn phát triển mạnh hệ thống giao hàng qua online hoặc mua hàng qua điện thoại. Thậm chí, một số Co.op Food triển khai dịch vụ đặt hàng và giao hàng tận nhà; chuỗi cửa hàng Cheers thêm nút “mua ngay” trên fanpage; Lotte tạo hẳn phần mềm Speed L chuyên đặt hàng qua mạng... Người tiêu dùng chỉ mất khoảng 2-3 giờ là có thể nhận được đơn hàng đã đặt. Trường hợp người dân muốn chủ động về thời gian nhận hàng thì có thể lựa chọn giờ giao hàng cụ thể. 

Thực tế cho thấy, với nhiều hình thức cung ứng hàng hóa thiết yếu đã giúp người dân yên tâm hơn. Đại diện Bộ Công thương cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị liên quan, nhà cung ứng, hiệp hội sản xuất hàng hóa thiết yếu, nhà phân phối bán lẻ… khoảng 2-3 giờ phải cung cấp thông tin về nguồn hàng hóa thiết yếu. Hiện đã có 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện hoàn tất quy trình báo cáo nguồn hàng cung ứng. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh thành đã gửi phương án cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ, trong đó đặc biệt chú trọng đến 13 mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, nước uống, khẩu trang… Trên cơ sở này, Vụ Thị trường trong nước cũng đã xây dựng sơ đồ tổng kho theo vùng về nguồn hàng, để có thể điều tiết khi cần thiết.

Những giải pháp đồng bộ từ nhà sản xuất đến phân phối và quản lý đã giúp việc điều dẫn nguồn hàng hóa cung ứng cho người dân kịp thời hơn, tránh tình trạng xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân và bất ổn xã hội.

Chị Nguyễn Thanh Hiền, ngụ đường Số 19 Khu dân cư Phong Phú 4 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ: “Gia đình tôi lo lắng các hệ thống siêu thị từ chối không giao hàng khu vực ngoại thành, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Ngay khi tôi đặt hàng qua điện thoại, hệ thống siêu thị Co.opmart đã điều hàng từ siêu thị Co.opXtra ở phường Tân Phong (quận 7) để giao hàng sau 3 giờ. Thật sự rất tiện lợi và chất lượng hàng hóa không khác gì khi mình đi siêu thị để lựa chọn”.

Các tin khác