Khi niềm tin được củng cố

(ĐTTCO) - Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được xem là cách làm sáng tạo của TPHCM trong giám sát xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm.

 Sau một thời gian triển khai thực hiện, hiệu quả của chủ trương được thấy rõ trong thực tiễn cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. 

Cấp ủy bảo vệ người dân
Mới đây, ông Nguyễn Văn Quế (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) đã được giải quyết tách thửa đất ở để chia cho người thân. Trước đó, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Thủ Đức từ chối giải quyết yêu cầu của ông Quế và bị báo chí phản ánh. Nhận được thông tin, tổ công tác 1374 của Quận ủy quận Thủ Đức vào cuộc, yêu cầu Chi nhánh VPĐKĐĐ báo cáo. Cơ quan này cho biết, do vướng quy định về tách thửa của UBND TPHCM (theo Quyết định 60/2017) nên yêu cầu trên không thể giải quyết được.
Trước đó, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận cũng đã báo cáo Thường trực UBND quận Thủ Đức và khẳng định phải chờ UBND TPHCM sửa đổi, bổ sung Quyết định 60/2017 mới giải quyết được yêu cầu của ông Quế. Tuy nhiên, sau khi tổ công tác 1374 của Quận ủy quận Thủ Đức có ý kiến thì Thường trực UBND quận yêu cầu rà soát kỹ quy định cùng hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc để giải quyết yêu cầu đối với các trường hợp gặp khó khăn về chỗ ở (khi thực hiện phải đảm bảo một số điều kiện cụ thể). Trên cơ sở đó, hồ sơ tách thửa của ông Quế đã được giải quyết.
Khi niềm tin được củng cố ảnh 1 Tổ 1374 Quận ủy quận Thủ Đức đến xác minh thông tin xử lý công trình sai phép 
tại phường Linh Trung.
Trước kết quả này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận Thủ Đức Lâm Quốc Thanh phân tích: “Khi tổ 1374 của Quận ủy yêu cầu thì cấp ủy Chi nhánh VPĐKĐĐ quận lập tức chỉ đạo tập trung nghiên cứu và vận dụng quy định của pháp luật giải quyết yêu cầu của người dân. Kết quả này cũng là tiền lệ để quận giải quyết đối với các trường hợp tương tự”.
 Điều này cho thấy, thông qua việc thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được đảm bảo hơn. Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Kim Em (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã được nhận bổ sung hơn 5 tỷ đồng tiền bồi thường, từ việc thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU. Trước đó, gia đình bà Kim Em khiếu nại nhiều lần về việc chính quyền địa phương tính sót nhiều diện tích đất của gia đình bà khi thu hồi đất. Khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết, bà Kim Em khiếu nại lên cấp trên, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.
Đơn được chuyển đến Huyện ủy huyện Bình Chánh chỉ đạo giải quyết theo Quy định 1374-QĐ/TU. Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo và UBND huyện yêu cầu Thanh tra huyện Bình Chánh xem xét lại toàn bộ vụ việc. Kết quả, nội dung khiếu nại của người dân là đúng và gia đình bà Kim Em được bổ sung thêm hơn 5,3 tỷ đồng tiền bồi thường.
Mặt khác, từ yêu cầu của các cấp ủy (thông qua tổ 1374), chính quyền đã có các quyết định kịp thời hơn và đồng thời hướng dẫn người dân tuân thủ quy định của pháp luật, từ đó hạn chế được lãng phí, tốn kém về sau. Chẳng hạn, cách đây không lâu, cơ quan chức năng quận Thủ Đức phát hiện trên mạng xã hội quảng cáo rao bán “căn hộ” tại đường số 8, khu phố 4, phường Linh Chiểu (quận Thủ Đức).
Nhận thấy thông tin có nhiều điểm đáng ngờ, tổ 1374 của Quận ủy quận Thủ Đức kiểm tra bước đầu, xác định đây là công trình nhà ở riêng lẻ, được chủ đầu tư xây sai phép thành “căn hộ” và rao bán. Tổ 1374 yêu cầu Đảng ủy phường Linh Chiểu chỉ đạo UBND phường rà soát, ngăn chặn. Từ đó, chính quyền, đoàn thể vào cuộc và có cảnh báo kịp thời, giúp ngăn chặn các giao dịch diễn ra.
Cấp ủy tiếp tục giám sát quá trình xử lý, chủ công trình đã đóng phạt, khắc phục phần xây dựng sai phép. Như vậy, bằng sự chỉ đạo kịp thời và giám sát chặt chẽ của cấp ủy, không có người dân nào đặt cọc mua “căn hộ” trên nên đã không bị rắc rối, thiệt hại do mua phải “căn hộ” không đủ căn cứ pháp lý.
Chuyển biến ý thức trách nhiệm 
Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ Quy định 1374-QĐ/TU là một quy chế mang tính sáng tạo của TPHCM trong việc phòng, chống suy thoái, tham nhũng trên địa bàn.
Theo đó, Quy định 1374-QĐ/TU được xem là “cơ chế đặc thù” trong chỉ đạo, xem xét, xử lý thông tin phản ánh các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm. Căn cứ vào 4 nguồn thông tin (ý kiến của cử tri, cơ quan dân cử; qua hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến nghị, đơn thư tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và phản ánh của báo chí), các cấp ủy phải chỉ đạo, giải quyết những nội dung thông tin phản ánh và xử lý cán bộ, đảng viên liên quan sai phạm.
Trên thực tế, các quy định xử lý vi phạm đã khá đầy đủ, từ quy định của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên ở nhiều nơi, việc chỉ đạo xem xét, xử lý chưa thực hiện đến nơi đến chốn hoặc kéo dài. Về vấn đề này, trong một buổi gặp gỡ lãnh đạo một số cơ quan báo chí, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng về việc chậm trễ xử lý thông tin.
Có nơi, báo chí phản ánh về dấu hiệu tham nhũng, nhưng mất nửa năm sau mới giải quyết hoặc có trường hợp cử tri phản ánh cuộc sống gặp khó khăn và chờ hoài không thấy cán bộ gặp dân, lắng nghe dân. Bày tỏ tâm tư về những trường hợp này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, một trong những động lực phát triển của TPHCM là lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của người dân. Quy định 1374-QĐ/TU ra đời từ đó, được xây dựng trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để phát hiện xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Nhà nước, của Đảng, nhằm hướng đến đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 
Thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU, trong năm 2018, cấp ủy và chính quyền các cấp của TPHCM đã tiếp nhận 1.450 ý kiến phản ánh của người dân và xử lý kỷ luật 93 công chức, 59 đảng viên sai phạm. Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn TPHCM đã tiếp nhận, chỉ đạo xử lý, giải quyết hơn 1.220 thông tin phản ánh của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đã kỷ luật 102 đảng viên, 75 công chức. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Quy định 1374-QĐ/TU đã lan tỏa rộng rãi đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, là một giải pháp để mọi tổ chức, đảng viên tự phòng ngừa suy thoái, tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đánh giá, các quận ủy - huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy trực thuộc Thành ủy TPHCM đã thực hiện nghiêm túc Quy định 1374-QĐ/TU, đạt được một số kết quả nổi bật. “Thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU, bên cạnh việc xem xét, giải quyết thông tin phản ánh còn phải xử lý trách nhiệm cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của Quy định 1374-QĐ/TU là nhằm góp phần đem lại sự hài lòng cho người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.
 Nâng trách nhiệm phục vụ dân
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, Quy định 1374-QĐ/TU đặt ra mục đích để Thành ủy TPHCM và cấp ủy các cấp có thể lắng nghe nhiều hơn, giải quyết và xử lý nhanh hơn các vấn đề phản ánh liên quan đến địa phương, đơn vị mình. Cụ thể, Quy định 1374-QĐ/TU yêu cầu khi có thông tin phản ánh thì bí thư cấp ủy và cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên, nơi có thông tin phản ánh, phải trực tiếp chỉ đạo xử lý với thời hạn cụ thể. Trường hợp cấp ủy có thẩm quyền không chỉ đạo xử lý hoặc xử lý không nghiêm thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh và xem xét trách nhiệm của cấp ủy cấp dưới.
Điều này sẽ giúp Đảng gần nhân dân hơn, sát dân hơn, để nhân dân giám sát, phản ánh đến việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua cơ chế này, cấp ủy, chính quyền phải kịp thời, kiên quyết xử lý những vấn đề bức xúc trong nhân dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên (như tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước). Việc xử lý có sự giám sát chặt chẽ của cấp ủy trực tiếp và cấp trên đảm bảo nghiêm minh, đã tạo ra sự chuyển động về ý thức trách nhiệm, thái độ của cán bộ, đảng viên trong việc giải quyết các yêu cầu, bức xúc của người dân.

Các tin khác