Grab tăng giá cước từ 5-12, người dùng "ngã ngửa"

(ĐTTCO) - Bắt đầu từ 5-12, hành khách đi xe công nghệ phải chi thêm tiền với mức tăng theo từng kilomet (km). Các tài xế lo ngại người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong việc đặt xe dẫn đến tình trạng ế ẩm, giảm thu nhập.
Kể từ ngày 5-12, hành khách đi xe công nghệ phải tốn thêm tiền, tài xế lo ế khách. - Ảnh: C.TRUNG
Kể từ ngày 5-12, hành khách đi xe công nghệ phải tốn thêm tiền, tài xế lo ế khách. - Ảnh: C.TRUNG
Thuế tăng, cước xe tăng theo

Nhiều khách hàng và tài xế công nghệ cho biết giá cước đã bắt đầu tăng vài ngày nay đối với dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress. Còn dịch vụ xe 4 bánh GrabCar và GrabPlus cũng bắt đầu tăng từ 11h ngày 5-12.

Theo thông báo của Grab, từ ngày 5-12, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). 

Tương tự GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. 

Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

Lý giải việc điều chỉnh giá lần này, Grab cho biết theo quy định mới của Nghị định 126/2020, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ được áp dụng từ ngày 5-12. Do đó, để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ.  

Tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Theo ghi nhận, nhiều hành khách sử dụng dịch vụ xe công nghệ bất ngờ khi cùng cự ly di chuyển mỗi ngày, giá cước đã tăng mạnh hơn. 

Chị Nguyễn Quỳnh Vy (quận Phú Nhuận) cho biết hàng ngày chị đi từ đường Trường Sa đến Đinh Tiên Hoàng (Q.1), cự ly hơn 5km với giá GrabCar 45.000 đồng. Tuy nhiên sáng 5-12 bật app lên thì giá tới 60.000 đồng. 

"Tôi khá bất ngờ với việc tăng giá của Grab. Đủ thứ loại thuế phí bao gồm chuyến xe, thậm chí trừ thẳng vào tiền ví mà tôi không hề biết. Mỗi cuốc xe 4 bánh, tôi phải tốn 3.000 đồng khoản phí nền tảng mà không hiển thị cho khách biết" - chị Vy nói. 

Sau khi GrabCar tăng giá từ 11h trưa nay, nhiều tài xế lo khách hàng sẽ dè dặt trong việc đi lại hơn, cũng đồng nghĩa tài xế thêm ế ẩm. 

Anh Trường - tài xế GrabBike, cho biết sau khi nhận cuốc xe với giá 23.000 đồng, sau khi trừ tiền phí ứng dụng, thuế và phí nền tảng, số tiền thực nhận chỉ còn 16.000 đồng. "Mức thu thuế, phí ứng dụng quá cao so với tình hình hiện nay, tôi chắc phải tìm nghề khác" - anh Trường nói.

Đủ loại phí bao vây khách hàng

Không chỉ tăng giá dịch vụ, khách hàng cũng ở "cửa dưới" với hàng loạt phụ phí mà hãng xe công nghệ đang áp dụng. Cụ thể, thời gian tính phụ phí của Grab từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể khách sẽ bị trừ 3.000 - 10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Các loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng từ 1.000 - 3.000 đồng/cuốc xe.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi các hãng xe công nghệ kê khai và thu hộ khoản thuế này trên tổng doanh thu mỗi cuốc xe, nghĩa là cước phí cũng tăng thêm và khách hàng phải tăng số tiền chi trả cho những cuốc xe mình phải đi thêm 7%. Đối tượng bị ảnh hưởng sẽ vẫn là người tiêu dùng.

Ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, cho rằng để cân bằng lợi ích, doanh nghiệp phải tính phương án tăng cước phí nhưng phải làm sao tránh được cú "sốc" cho khách hàng. 

Hiện nay các ứng dụng gọi xe đang cạnh tranh khốc liệt để lấy thị phần, cách hỗ trợ tốt cho khách hàng hiện nay vẫn là giá hợp lý, thêm khuyến mãi phù hợp với mức chi tiêu của đa số khách hàng ở thời điểm người dân khó khăn. Đó là sự chia sẻ cần thiết và có ý nghĩa với khách hàng.

Các tin khác