Giám sát chặt chẽ, cách ly những người trở về từ vùng dịch COVID-19

(ĐTTCO)-Ngày 27/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, đang theo dõi, cách ly, giám sát chặt chẽ 9 người trở về từ vùng dịch thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.
Giám sát chặt chẽ, cách ly những người trở về từ vùng dịch COVID-19

Giám sát, cách ly những người trở về từ vùng dịch đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 27/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, đang theo dõi, cách ly, giám sát chặt chẽ 9 người trở về từ vùng dịch thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.

Trong số 9 người này, có 2 người xuất hiện các triệu chứng cảm, sốt.

Hiện một người đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và một người được cách ly, điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.

Hiện hai người trên đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm.

Trung tâm đã thực hiện điều tra dịch tễ đối với hai người này nhằm kiểm soát thời gian, địa điểm và số người họ đã tiếp xúc trong thời gian trở về địa phương.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Nghệ An hiện có hơn 4.800 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong số này, 315 người sẽ hết hạn và về địa phương trong vòng 6 tháng tới.

Tuy nhiên, đây chỉ là danh sách những lao động qua Hàn Quốc bằng Chương trình EPS (chương trình sử dụng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) mà cơ quan chức năng quản lý được.

Tỉnh đang thống kê số người trở về từ Hàn Quốc. Những người này sẽ được ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương cách ly tại nhà. Những người về từ thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk về, sẽ bắt buộc cách ly tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế.

Cùng ngày 27/2, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Thừa Thiên-Huế, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, đơn vị đang điều trị cách ly một nam công dân (52 tuổi, trú tại huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), lao động tại Hàn Quốc  trở về với tình trạng sốt kéo dài kèm ho khan, vã mồ hôi, mệt mỏi, không đau ngực, không khó thở và nghi nhiễm virus SAR-CoV-2.

Kết quả xét nghiệm 2 lần của công dân này đều âm tính với virus này. Sáng cùng ngày 27/2, nam công dân này có cảm giác khỏe hơn, giảm ho nhưng vẫn còn sốt cao.

Cuối tháng Một vừa qua, khi đang làm việc tại Daegu, Hàn Quốc, nam công dân này có dấu hiệu chóng mặt, vã mồ hôi, mệt mỏi, khi nóng khi lạnh kéo dài khoảng 1 tuần.

Ngày 11/2 vừa qua, ông trở về Việt Nam trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Vietnam Airlines và tiếp tục bắt xe khách tuyến Hà Nội-Đà Nẵng để xuống tại bến xe thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình trở về nhà.

Ngày 16/2 vừa qua, ông có triệu chứng mệt mỏi, rét run, không ho, tự uống thuốc bắc ở nhà nhưng bệnh không giảm.

Ngày 22/2 vừa qua, bệnh nhân đến Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện Trung ương Huế) thăm khám, làm các xét nghiệm, được chỉ định nhập viện. Tuy nhiên, ông không đồng ý mà rời đi.

Chiều tối 23/2 vừa qua, nam công dân trở lại nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế và được chuyển sang Khoa Bệnh Nhiệt đới ngay sau đó.

Sau nhiều ngày không hợp tác, ông và người nhà đã chịu khai báo yếu tố dịch tễ của mình. Theo đó, nam công dân làm công việc đúc đồ nhựa tại Daegu, Hàn Quốc được 14 tháng.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, các cán bộ y tế địa phương đã nắm bắt tình hình của nam công dân này và yêu cầu người thân của ông thực hiện cách ly tại nhà. Tuy nhiên, vì lo lắng trước tình trạng bệnh kéo dài, không giảm, ông đã tự ý rời địa phương và di chuyển vào Thừa Thiên-Huế điều trị.

Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những người trở về từ vùng dịch cần tuân theo quy trình cách ly, khai báo rõ tình trạng sức khỏe cũng như yếu tố dịch tễ của mình để cán bộ y tế nắm bắt tình hình, có phương án đảm bảo an toàn cho chính họ và cộng đồng.

Trước những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và địa điểm để đón công dân Việt Nam từ những vùng có dịch về địa bàn tỉnh cách ly tập trung.

Để đảm bảo được thuận lợi và an toàn, tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn Trường Quân sự tỉnh, thuộc xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì làm nơi cách ly. Tại đây, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điểu kiện đảm bảo khả năng tiếp nhận 200 người.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thành lập các bộ phận phục vụ, đảm bảo đủ trang thiết bị vệ sinh, thu gom chất thải; đồng thời chuẩn bị xe ca, xe cứu thương để vận chuyển công dân từ khu vực tiếp nhận đến Trường Quân sự tỉnh.

Các nhu yếu phẩm thiết yếu trong sinh hoạt như khăn mặt, xà phòng, dầu gội đầu, kem, bàn chải đánh răng cũng đã được đảm bảo đầy đủ.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Thụ, Chủ nhiệm Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, những công dân Việt Nam từ vùng có dịch COVID-19 về địa phương được theo dõi, cách ly tại Trường Quân sự tỉnh trong vòng 14 ngày.

Lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly sẽ phối hợp với cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra sức khỏe của những người đang cách ly. Công tác đảo bảo an toàn được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ.

Ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, ngành Y tế đã thành lập 41 đội phản ứng nhanh để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời chuẩn bị 3 khu vực điều trị với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, nhân lực theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đề phòng tình huống dịch bệnh bùng phát, Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính quy mô 200 giường bệnh đã được thành lập.

Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để mua sắm bổ sung 5 máy phun hóa chất, 22.000 khẩu trang, 3.000 bộ quần áo chống dịch, 6.000kg Clo hoạt tính cùng một số vật tư thiết yếu khác…

Các tin khác