Giải trí mùa dịch

(ĐTTCO) - Trong những ngày “ở ẩn” phòng dịch Covid-19, cộng đồng tìm đến nhiều hình thức giải trí trực tuyến, tham gia các lớp học, theo dõi nhiều chương trình âm nhạc và chiếu phim trên mạng.

Chương trình Music Home mùa 3, với chủ đề về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, trên nền tảng trực tuyến (thời điểm ghi hình trước ngày 27-4)

Chương trình Music Home mùa 3, với chủ đề về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, trên nền tảng trực tuyến (thời điểm ghi hình trước ngày 27-4)

Học vẽ, phân tích phim

“Sân khấu, rạp phim đều đóng cửa. Ở nhà mùa dịch buồn nên tôi đăng ký mấy lớp học vẽ, vừa giết thời gian vừa bớt căng thẳng, lại biết thêm về thế giới của màu sắc”, chị Bùi Ngọc Trúc Lâm (30 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết. Chị đăng ký lớp vẽ cơ bản và vẽ màu nước của Trung tâm Dạy vẽ mỹ thuật Bụi. Các cơ sở khác cũng có các lớp học online như Zest Art, Thanh Xinh Garden, với học phí từ 550.000 đồng/khóa. Một số nơi còn có các buổi thị phạm trực tuyến khoảng 2 tiếng đồng hồ miễn phí, giúp người xem hình dung về việc vẽ một bức tranh, với sự hướng dẫn của họa sĩ trẻ. Những nơi này còn có workshop về mỹ thuật với chi phí từ 150.000 đồng/buổi.

Ở nhà không vẽ vời thì đọc sách, vậy nên một số workshop trực tuyến hướng dẫn phương pháp đọc sách ra đời. Có thể kể đến workshop “Đọc sách hiệu quả” do Học viện Đào tạo ATI phối hợp Saigon Books tổ chức miễn phí, cung cấp kiến thức về trường phái đọc nhanh, cách rèn thói quen đọc, hiểu về bản quyền sách nói và ebook. Những “mọt sách” cũng có thể tham gia các hội nhóm sôi nổi trên Facebook như “Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển” với hơn 22.000 thành viên, chuyên thảo luận về các tác phẩm văn học trường tồn với thời gian; hoặc “Hội những người thích đọc sách” với hơn 63.000 thành viên.

Một số lớp học nghệ thuật khác cũng tổ chức trực tuyến để đáp ứng nhu cầu học viên. Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD - thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam) có các lớp quay phim cơ bản, lớp xem và phân tích phim với chi phí từ 199.000 đồng/khóa. Riêng khóa nhập môn làm phim tài liệu thì miễn phí trên nền tảng Google Classroom, cung cấp lý thuyết làm phim tài liệu, phóng sự, du lịch. Anh Nguyễn Hoàng Phương, điều hành TPD, cho biết trung tâm triển khai học trực tuyến để phù hợp tình hình dịch bệnh. “Học trực tuyến là xu hướng tất yếu, khi mà cơ hội gặp gỡ trực tiếp không nhiều. Những bộ môn thiên về lý thuyết như phân tích phim, giám tuyển, biên kịch có thể đưa lên chương trình trực tuyến”, anh Phương nói. 

Xem, nghe online

Chưa biết khi nào dịch Covid-19 sẽ kết thúc, giới âm nhạc cũng nghĩ cách tiếp cận khán giả bằng hình thức trực tuyến. Không ít ca sĩ hát online phục vụ khán giả, ra mắt sản phẩm âm nhạc mới. 

Tạm ngưng biểu diễn, ảnh hưởng đến thu nhập nhưng trên trang cá nhân các ca sĩ vẫn rất lạc quan, kêu gọi cộng đồng cùng tuân thủ quy định phòng dịch. Ca sĩ Phương Thanh thông báo sẽ hát Giã từ Covid-19, viết lại lời trên nền ca khúc Giã từ dĩ vãng, dự định thể hiện cùng đàn guitar. “Chống dịch, chúng ta tự thân ý thức vì cộng đồng. Chống dịch, quên bao gian khó ta cầm tay nhau bước qua…”, lời ca khúc gửi gắm thông điệp trong mùa dịch đang được nữ ca sĩ thu âm phục vụ buổi phát trực tiếp cuối tuần này.

Các ca sĩ khác cũng giới thiệu sản phẩm âm nhạc, tương tác thường xuyên với người hâm mộ. Ca sĩ Tuấn Hưng giới thiệu ca khúc Nụ hôn biệt ly phiên bản remix trên kênh YouTube của mình, với lời chia sẻ: “Lại ra sản phẩm để mọi người có cái nghe và không quên ca sĩ già này”. Trước đó, cuối tháng 4, Tuấn Hưng ra mắt MV Nụ hôn biệt ly với nội dung MV về tình yêu trong mùa dịch bệnh, như lời tri ân lực lượng tuyến đầu đã mang lại cuộc sống bình an cho người dân. Ca sĩ Lam Trường cũng phát đoạn hát live một số ca khúc như Chia tay trong mưa, Tiễn em. Hà Anh Tuấn thường xuyên đăng tải nhiều bài hát phục vụ khán thính giả và audio Tháng mấy em nhớ anh? như một món quà cho những khán giả bỏ lỡ đêm nhạc The Veston đầu tháng 4 vừa qua của anh.

Một chương trình đã qua mùa thứ 3 là Music Home được phát sóng trên truyền hình FPT, mỗi tập 90 phút. Chương trình mang chân dung âm nhạc, sự chia sẻ của người trong cuộc… đến với khán giả. Thay vì nội dung xoay quanh ca sĩ như 2 mùa đầu, ở mùa 3, chương trình hướng tới các nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9… Hình thức thể hiện khá mới mẻ với sân khấu “phòng khách” ấm cúng, có nghệ sĩ biểu diễn, khách mời, cùng những thước phim tư liệu nhằm mang âm nhạc đến mọi nhà. 

Có thể thấy những nỗ lực của giới giải trí trong mùa dịch này để giữ sự kết nối với khán thính giả cũng như động viên người dân cả nước trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Dù nền tảng trực tuyến đôi khi có những hạn chế về kỹ thuật, sự tương tác, nhưng bù lại có biên độ đón nhận rộng lớn. Điều này là cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) phối hợp Varan Việt Nam - dự án làm phim và đào tạo nhà làm phim tài liệu, đã chuyển Tháng phim tài liệu Varan “Nước và đồng bằng sông Cửu Long” sang chiếu trực tuyến vào các tối thứ sáu từ 28-5 đến 25-6 trên kênh YouTube. Theo anh Nguyễn Hoàng Phương, điều hành trung tâm, tháng phim gồm 10 phim trong khóa học “Varan Mekong” năm ngoái, là câu chuyện về cảnh quan và cuộc sống người dân ĐBSCL.

Các tin khác