Food Stylist thu hút giới trẻ

(ĐTTCO) - Để thu hút thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhiều nhà hàng không ngại đầu tư kỹ những hình ảnh giới thiệu trong thực đơn, trên tạp chí hay trong quảng cáo trên truyền hình. Từ đó, Food Stylist (trang điểm, tạo kiểu dáng món ăn) ra đời như một xu hướng tất yếu, tạo trào lưu về một nghề mới đầy thú vị cho giới trẻ.

(ĐTTCO) - Để thu hút thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhiều nhà hàng không ngại đầu tư kỹ những hình ảnh giới thiệu trong thực đơn, trên tạp chí hay trong quảng cáo trên truyền hình. Từ đó, Food Stylist (trang điểm, tạo kiểu dáng món ăn) ra đời như một xu hướng tất yếu, tạo trào lưu về một nghề mới đầy thú vị cho giới trẻ.

Sức hấp dẫn

Food Stylist bắt đầu có mặt ở Mỹ từ những năm 1950 của thế kỷ trước và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, Food Stylist có mặt tại TPHCM từ những năm 2000 khi phong trào chụp hình đồ ăn trở nên phổ biến và nhanh chóng thu hút người trẻ theo đuổi nghề này.

Thời gian đầu, một số người coi đây là nghề tay trái, vì vậy họ chưa thực sự tập trung rèn luyện nên khó gặt hái thành công. Đến thời điểm này, nhận thấy sự thú vị, mới mẻ, chủ động về thời gian, được thỏa sức sáng tạo và đem đến một khoản thu nhập tương đối cao nên nhiều bạn trẻ lứa cuối 8X, đầu 9X đã coi Food Stylist là một nghề triển vọng và đã đầu tư về thời gian, tiền bạc khá công phu.

Thiên Hương, 26 tuổi (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) kể về cái duyên đưa đẩy cô đến với Food Stylist rất tình cờ. Đó là ngày cô theo người dì đến một khách sạn lớn làm phóng sự truyền thông về ẩm thực. Hương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chứng kiến những thao tác để tạo nên một đĩa thức ăn vô cùng bắt mắt. “Nó có sức hút kỳ lạ, tôi cứ ngẩn người ra ngắm từng động tác khéo léo, tỉ mỉ khi họ sắp xếp từng chiếc lá rau, từng muỗng nước sốt… cứ như một nghệ sĩ đang sáng tác, thế rồi mê luôn và theo cho đến nay”, Hương chia sẻ.

Nếu như mãi đến khi trưởng thành, Thiên Hương mới biết và theo đuổi Food Stylist thì Phạm Hà Thanh, 19 tuổi (ngụ quận 1, TPHCM) lại bén duyên với nghề này ngay từ khi còn rất nhỏ. Thanh kể: “Hồi nhỏ em hay ngắm những đĩa đồ ăn trong các cuốn tạp chí nước ngoài rồi nói với mẹ sau này sẽ tự tay trang trí đồ ăn sao cho thật đẹp giống trong hình để mẹ ăn ngon miệng hơn. Đến khi lớn, khi em thích mày mò học người ta cách tỉa hoa để trang trí món ăn thì tình cờ phát hiện ra nghề này. Vì vậy em thuyết phục ba mẹ cho em học Food Stylist thay cho thi đại học. Là người sống hiện đại, tôn trọng sở thích của con cái nên ba mẹ em đồng ý”. 

Sáng tạo và đem đến nguồn thu nhập cao nhưng nghề Food Stylist cũng chịu nhiều áp lực.
Sáng tạo và đem đến nguồn thu nhập cao nhưng nghề Food Stylist cũng chịu nhiều áp lực.

Còn lý do khiến Đình Khang, 31 tuổi (cựu sinh viên ĐH Mỹ thuật TPHCM) quyết định rẽ hướng sang Food Stylist là ấn tượng về “sự tỉ mỉ đến từng milimet kết hợp với chất “ngông” trong sáng tạo trang điểm món ăn” hay “sự vương vãi trong dĩa thức ăn cũng là sự vương vãi có chủ đích”, điều mà rất giống với ngành mỹ thuật Khang theo học. Chính cái “ngông” làm nên chuyện của nghề trang điểm món ăn đã thu hút Khang tìm hiểu rồi không thể dứt ra. Để có được thành công như hiện tại, Khang cho biết đó là cả một chặng đường dài và cần có một ê kíp quay phim, chụp hình ăn ý. Đặc biệt, Food Stylist không nhất thiết phải là người nấu ăn giỏi nhưng cần có trình độ nhất định về ẩm thực và nghệ thuật sắp đặt. “Các bạn trẻ theo Food Stylist thì nên xác định đó là sự rèn luyện vô cùng vất vả, áp lực và tốn kém khi phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Vì vậy, những người đủ kiên nhẫn để theo tới cùng và không ngừng học hỏi thì luôn nhận được những thành quả xứng đáng”, Khang chia sẻ.

Nhiều đất sống

Là một trong những người trẻ đầu tiên tại TPHCM theo đuổi Food Stylist, Đình Khang khẳng định hiện cậu phải từ chối bớt việc, nhất là vào dịp cuối năm. Hay như ông Nguyễn Duy Hưng, quản lý một nhà hàng món ăn 3 Miền tại quận 1 cho biết, mỗi năm nhà hàng của ông phải cộng tác với Food Stylist hàng chục lần để vừa quảng cáo món ăn mới, vừa “thay áo” cho những món ăn cũ đã có trong thực đơn. Vì vậy chuyện xếp hàng để đăng ký stylist ưng ý là bình thường.

Đình Khang cho biết, hiện nay nhu cầu quảng cáo liên quan đến đồ ăn, thức uống rất nhiều, đó chưa kể các chương trình  thay đổi hình ảnh cho các sản phẩm cũ, do đó đòi hỏi stylist phải liên tục sáng tạo. Thực tế, khi các sản phẩm cạnh tranh không ngừng, họ tung ra nhiều chương trình quảng cáo, từ in ấn trên thực đơn, bao bì, tạp chí hay xuất hiện trong các clip quảng cáo trên mạng xã hội, trên truyền hình đều cần phải có Food Stylist để trang điểm cho món ăn. Không chỉ có quảng cáo món ăn mới cần phải trang điểm cho món ăn mà quảng cáo các gia vị thì món ăn đi kèm cũng phải thật bắt mắt. Do đó, Food Stylist hiện đang là một nghề được săn đón.

Theo các chuyên gia ẩm thực, ở Việt Nam hiện có khá nhiều Food Stylist là người nước ngoài, tuy nhiên thị trường của họ chủ yếu là những nhà hàng chuyên về ẩm thực phương Tây. Trong khi đó, nhiều nhà hàng lựa chọn Food Stylist là người trẻ Việt bởi họ thích những phong cách trẻ trung, sáng tạo của tuổi trẻ nhưng hơn hết vẫn giữ được cái hồn của ẩm thực Việt. Vì vậy, với một Food Stylist lành nghề, việc kiếm vài chục triệu đồng một tháng là điều không khó.

Chính từ sức hút của Food Stylist, một số trường ở Việt Nam đã mở ngành đào tạo chuyên sâu về nghề này như Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, Trường Trung cấp nghề ẩm thực Netspace. Ngoài ra không ít bạn sẵn sàng ra nước ngoài theo học hoặc tự mày mò theo các clip hướng dẫn của nước ngoài để trang điểm cho những món ăn đa màu sắc và bắt mắt thực khách.

Các tin khác