Đồng Nai chống dịch thành công bằng một tờ A4!?

(ĐTTCO) - Chiều 4-6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản hỏa tốc số 6180, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày với tất cả người từ TPHCM về/đến Đồng Nai tính từ ngày rời TPHCM. Văn bản có hiệu lực từ 0h ngày 5-6. Có nghĩa chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Đồng Nai đã tự biến thành một nút chặn, án ngữ ngay cửa ngõ phía Đông của TPHCM, nội bất xuất – ngoại bất nhập.
TPHCM cùng với Đồng Nai, Bình Dương và Long An hình thành một tứ giác công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ- vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Ảnh: Báo Giao thông
TPHCM cùng với Đồng Nai, Bình Dương và Long An hình thành một tứ giác công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ- vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Ảnh: Báo Giao thông

TPHCM cùng với Đồng Nai, Bình Dương và Long An hình thành một tứ giác công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, một trong những vùng kinh tế quan trọng, đóng góp lớn nhất vào ngân sách và tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Tư duy chủ đạo của các nhà hoạch định chính sách khi khảo sát, thiết kế các vùng kinh tế trọng điểm là dựa trên các yếu tố hình thành quan hệ liên kết vùng, trong đó yếu tố hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện giữa các khu công nghiệp, nhà máy với sân bay, bến cảng được xem là cốt lõi.

Cũng giống như cụm công nghiệp Bắc Giang – Bắc Ninh, các nhà máy ở TPHCM – Đồng Nai – Bình Dương có sự liên kết với nhau khá chặt chẽ, trong mối quan hệ của chuỗi cung ứng hàng hoá, linh kiện, vật tư và nguồn nhân lực.

"Quyết định đột ngột của tỉnh Đồng Nai như một cú 'đánh úp' làm cho sự lo lắng, hoang mang cùng với hoàn cảnh cảnh khó khăn của doanh nghiệp và người dân của cả vùng càng thêm gánh nặng". 

Hành động đột ngột và thiếu suy tính kỹ lưỡng, thấu đáo, chưa cân nhắc thiệt hơn của chính quyền Đông Nai, chắc chắn sẽ làm cho vùng kinh tế trọng điểm và chuỗi cung ứng vốn đang lao đao vì dịch bệnh như chịu thêm một cú đấm bồi, khả năng đứt gãy và tê liệt là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Bởi vì hiện tại đang có khoảng 6.000 công nhân, người lao động sinh sống ở Đồng Nai đang làm việc cho các nhà máy và khu công nghiệp ở TPHCM, như Linh Trung, Cát Lái, Bình Chiều và Lê Minh Xuân 3.

Ở chiều ngược lại, có hơn 10.000 công nhân và người lao động ở TPHCM đang làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ở Đồng Nai.

Đó là chưa kể hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của vùng cũng đang lưu chuyển qua Đồng Nai để xuất nhập khẩu qua Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Ngoài ra, hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng, sản suất, nhu yếu phẩm từ TPHCM đi các tỉnh và từ các tỉnh về TPHCM cũng phải xuyên qua Đồng Nai.

Đồng Nai chống dịch thành công bằng một tờ A4!? ảnh 1 6.000 lao động Đồng Nai đang làm việc tại các KCX, KCN TPHCM. Ở chiều ngược lại, hơn 10.000 công nhân, chuyên gia, kỹ sư của TPHCM đang ngày ngày đi về làm việc tại các KCN Đồng Nai.
Quyết định đột ngột này của tỉnh Đồng Nai như một cú “đánh úp” làm cho sự lo lắng, hoang mang cùng với hoàn cảnh cảnh khó khăn của doanh nghiệp và người dân của cả vùng càng thêm gánh nặng. Vậy thì thực hiện mục tiêu kép dựa trên cơ sở gì, hay chỉ bằng khẩu hiệu và niềm tin!?

Trong khi đó, Thủ tướng đã chỉ đạo rõ quan điểm nhất quán của Chính phủ là vừa đảm bảo chống dịch vừa ổn định sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hôm 30/5 đã nói rõ: “Các địa phương không “ngăn sông, cấm chợ”, gây ách tắc lưu thông hàng hoá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân”.

Ông Thái Bảo, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai, giải thích rằng tỉnh không "ngăn sông cấm chợ", rằng hàng hóa và nhu yếu phẩm hai nơi cứ lưu thông bình thường. Tôi thật sự không hiểu là ông đang nói hàng hoá lưu thông bình thường là cụ thể như thế nào, khi lái xe đã bị yêu cầu quay đầu tại các chốt kiểm dịch hoặc chấp nhận vào bỏ hàng xong là đi cách ly 21 ngày và tự trả tiền.

Hay ý ông là bỏ hàng hoá xuống chốt kiểm dịch, lái xe quay về còn hàng hoá tự “đi bộ” đến nơi nhận.

Còn ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y Tế Đồng Nai thì nói: "Sau thời điểm này, những người từ vùng dịch TPHCM đến Đồng Nai được chọn 1 trong 2 quyền. Một là ở Đồng Nai làm việc bình thường, hoặc là ở TPHCM làm việc online".

Tôi lại mơ hồ rằng ông đang nói 6.000 công nhân và người lao động đang đứng máy, ngồi may, lắp rắp linh kiện cho các nhà máy ở Đồng Nai bây giờ thao tác “on-line” tại nhà. Tôi thực sự hồ nghi rằng các quan chức đầu tỉnh đang thực sự không hình dung ra họ đang nói điều gì!

Đồng Nai chống dịch thành công bằng một tờ A4!? ảnh 2 Người đến Đồng Nai được kiểm tra y tế nghiêm ngặt. Ảnh: TT
Ngay trong đêm 4-6, UBND TPHCM đã có văn bản gửi sang “nhà hàng xóm”, để trần tình rằng chúng tôi đã giãn cách toàn Thành phố theo Chỉ thị 15, cách ly quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc Quận 12 theo Chỉ thị 16, đồng thời các biện pháp chống dịch khác cũng đã được quyết liệt triển khai. Thôi thì, mong anh tạo điều kiện cho con người và hàng hoá lưu thông có kiểm soát hợp lý để chúng ta cùng cả nước hoàn thành mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, vừa phòng chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đạt dự toán ngân sách năm 2021.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ có đúng 1 ca dương tính Covid, nên có thể chính quyền tỉnh cho rằng chỉ cần cô lập khỏi TPHCM thì sẽ tuyệt đối an toàn, chống dịch thành công. Nhưng sự thành công, nếu thực sự chắc chắn đó thì cũng đánh đổi bằng những phí tổn, thiệt hại to lớn mà không chỉ riêng người dân, doanh nghiệp của Đồng Nai và TPHCM gánh chịu, mà còn là các tác động lây lan, truyền dẫn ra cả một vùng kinh tế to lớn, bài học đã được rút ra từ những đợt phòng chống dịch trước.

Vì vậy, chống dịch thành công không chỉ là một sự cố gắng, quyết tâm và nỗ lực của cả một hệ thống, toàn thể cộng đồng, mà còn là nỗi lòng trắc ẩn, đau đáu lo toang cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống dịch, nhất là những người yếu thế, chứ không chỉ đơn giản bằng một mệnh hành chính, tệ hơn là bằng một tờ A4.

Các tin khác