Đồng bộ giải pháp kéo giảm ô nhiễm không khí

(ĐTTCO) - Trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề môi trường nghiêm trọng đe dọa đến đời sống và sức khỏe người dân. Tại TPHCM, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9-2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO…
 Thậm chí có những thời điểm thành phố gần như chìm hoàn toàn trong bụi, người dân ra đường thấy cay mắt, rát da, khó thở, ho, sổ mũi. 
Thủ phạm chính - khí thải giao thông
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN-MT TPHCM), nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ 3 nguồn chính là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất, bởi TPHCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào).
Đồng bộ giải pháp kéo giảm ô nhiễm không khí ảnh 1 Khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí
Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng định kỳ, là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân.
Số liệu quan trắc tình trạng ô nhiễm tại 19 vị trí giao thông cho thấy, hơn 50% là bụi lơ lửng, gần 94% là mức ồn - vượt quy chuẩn cho phép. Trong 9 tháng đầu năm, nồng độ các chất ô nhiễm tại vị trí Cát Lái (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), Gò Vấp, An Sương thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vòng xoay Mỹ Thủy cao nhất. 
PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN-MT TPHCM, cũng khẳng định nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay trên địa bàn thành phố xuất phát từ các hoạt động giao thông vận tải. Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành, dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể do hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phát sinh chất khí độc hại và tiếng ồn. Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống của hầu hết người dân.
Liên quan đến lĩnh vực này, TS Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn Sức khỏe môi trường (Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM), cũng cho biết ô nhiễm không khí sẽ làm ảnh hưởng đến mắt, cơ quan hô hấp, da…; vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư. 
Cần sự quyết tâm của chính quyền
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, để có thể hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí, giải pháp đầu tiên, cũng là quan trọng nhất, đó là chính quyền phải thực sự quyết tâm và nỗ lực. Để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, thành phố cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí.
Tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn như các công trình xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên cây xanh; tăng cường phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng xanh, sạch... Cùng với đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng. Cần phải đồng bộ các giải pháp mới hy vọng kéo được giảm ô nhiễm không khí hiện nay. 
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung, thời gian qua, UBND TPHCM đã triển khai các giải pháp như đẩy mạnh việc thực hiện các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp; áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện di chuyển công cộng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống. Triển khai các biện pháp tổ chức giao thông khoa học nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến đường, trục chính đô thị, các nút giao thông, cầu, hầm vượt sông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
 Ông CAO TUNG SƠN 
Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường
Tăng cường giải pháp giám sát, siết chặt các nguồn thải

Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra.  
Để hạn chế tình trạng này, Sở TN-MT đã đưa ra một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Tăng cường mật độ đường, tỷ lệ đất dành cho giao thông. Tăng cường hoạt động vận tải hành khách công cộng, nâng số lượng xe buýt. Đồng thời thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải; các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở TN-MT để giám sát. Đặc biệt, thành phố đã và đang triển khai dự án xây dựng hệ thống hạ tầng quan trắc chất lượng môi trường với vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến thời gian bắt đầu triển khai sớm nhất là năm 2020. 

Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ 
Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM 
Mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí giao thông

Trong kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 -2020, TPHCM đã đặt mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí giao thông. Chỉ tiêu này gắn với kết quả thực hiện Chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông (Sở GTVT chủ trì thực hiện). 
Việc giảm 70% ô nhiễm không khí giao thông là giảm 70% tải lượng ô nhiễm không khí tăng thêm của các hoạt động giao thông vận tải. Để có cơ sở khoa học đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải, Sở TN-MT đã kiến nghị thành phố chấp thuận và bổ sung kinh phí để thực hiện “Đề án tính tải lượng phát thải các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”. Về phía Sở GTVT cũng đã nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông, thông qua việc thực hiện thay thế phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch là khí thiên nhiên nén CNG với tỷ lệ 4,24%; đầu tư thay thế 1.680 xe buýt giai đoạn 2014-2017 (Đề án 1680)…

Các tin khác