Dịch vụ shipper lên ngôi

(ĐTTCO) - Nếu như việc mua sắm, ăn uống trực tiếp tại các trung tâm thương mại, các nhà hàng, quán ăn giảm mạnh trong 2 tuần qua vì dịch, thì các trang thương mại điện tử, các dịch vụ ship đồ ăn tận nhà lại đang làm không hết việc. Nó cũng trở thành “cứu tinh” cho nhiều quán ăn trong mùa dịch. 
Việc đặt đồ ăn, thức uống qua các app chuyên giao hàng như: Now, Grab hay GoViet đã trở thành quen thuộc với một bộ phận người tiêu dùng trong thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp gây tâm lý lo ngại như hiện nay, lượng người đặt hàng qua app lại càng tăng lên nhanh chóng.
Chia sẻ với ĐTTC, đại diện của Công ty TNHH Thương mại công nghệ GoViet (app GoViet) cho biết:  trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 17-1 đến ngày 2-2-2020 (tức từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 9 Tết Canh Tý), có tổng gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood. Số lượng người dùng GoFood thời điểm Tết năm nay cũng tăng gần 40% so với Tết năm ngoái.
Khoảng thời gian sau Tết, từ ngày 2 đến hết ngày 9-2-2020, lượng đơn hàng đặt đồ ăn qua GoFood đạt hơn 650.000 đơn hàng với lượng đơn hàng tăng mỗi ngày, tăng hơn 50% so với cùng khoảng thời gian sau Tết năm ngoái; GoBike cũng đạt hơn 1 triệu chuyến xe được hoàn tất. 
Dịch vụ shipper lên ngôi ảnh 1 Dịch vụ giao hàng qua app tăng mạnh thời gian qua.
Xu hướng tăng đơn hàng đặt đồ ăn sau Tết cũng dễ hiểu, do thời điểm này người dân quay trở lại nhịp sống bình thường. Cũng không loại trừ một số lý do như thói quen ăn uống sau Tết, thời tiết và lo ngại tình hình dịch virus corona trong thời gian qua, người tiêu dùng giảm nhu cầu đến ăn uống tại các nhà hàng.
Theo khảo sát nhanh từ GoViet, lượng khách đến ăn tại các nhà hàng giảm mạnh từ 30 - 50% trong thời gian 2 tuần gần đây, đặc biệt các nhà hàng quán ăn gần khu vực trường học. Không chỉ giải tỏa nỗi lo mùa dịch, các app như GoViet còn tranh thủ tăng nhanh lượng khách hàng thường xuyên bằng việc tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. 
Chưa ghi nhận những con số cụ thể như GoViet, nhưng khi nói đến gia tăng lượng khách đặt hàng trong dịp này, đại diện Grab cho biết: Grab vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả các dịch vụ tại Việt Nam kể từ sau khi Chính phủ công bố dịch viêm phổi cấp Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, để xác định chính xác sự tăng trưởng này do yếu tố nào mang lại, cần phải theo dõi một khoảng thời gian nữa cũng như đòi hỏi phương pháp phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện. 
Để đảm bảo an toàn cho những tài xế giao hàng và cho khách hàng, dịp này các app cũng triển khai nhiều biện pháp. Chia sẻ thêm về điều này phía Grab cho biết: thường xuyên truyền thông đến các hợp tác xã, đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, khách hàng về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như: khuyến cáo đeo khẩu trang đúng cách, hướng dẫn giữ vệ sinh, khử trùng phương tiện, rửa tay thường xuyên.
Đặc biệt, đối với đối tác nhà hàng, Grab còn khuyến cáo một số biện pháp bổ sung để bảo đảm an toàn khi chế biến và giao đồ ăn như: luôn mang găng tay; thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực chế biến thức ăn; rửa tay bằng dung dịch có cồn; tăng cường thêm một lớp bọc thực phẩm với tem khóa an toàn nhằm đảm bảo thức ăn được giao đến khách hàng một cách an toàn nhất. 
Thực ra không chỉ riêng đồ ăn được nhiều khách hàng chuộng đặt online dịp này, mà nhiều trang bán hàng qua mạng nhất là các sàn giao dịch điện tử lớn, cũng nhờ dịch mà có thêm một lượng khách hàng đáng kể. Việc cung cấp gần như đầy đủ các mặt hàng từ đồ gia dụng, mỹ phẩm, thời trang… đã giúp đáp ứng được đa dạng nhu cầu của khách, nhất là nhu cầu hạn chế đến nơi đông người. 
Chị Thảo, chủ một cửa hàng tạp hóa online chia sẻ việc mua hàng qua mạng không phải mới, nhưng từ lúc bùng phát dịch đơn hàng của chị đã gia tăng nhanh chóng. Có những ngày còn không đủ người đi giao hàng. Cửa hàng nhỏ lẻ đã tăng trưởng thì những sàn giao dịch lớn chắc chắn cũng tăng trưởng hơn từ đợt dịch này, dù không công bố những con số cụ thể. Nhiều chuỗi siêu thị cũng tăng cường bán hàng online phục vụ khách như chuỗi của Saigon Coop. Khách vừa có thể đặt hàng qua tổng đài, vừa có thể mua sắm trên web và hàng hóa sẽ được giao đến tận nơi. 
Một chú ý nữa cũng được người mua online truyền tai nhau đợt dịch này là chỉ cần mua những thứ cần thiết vì nhiều shop online đang tăng giá bán. Thực tế khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn chưa được kiểm soát tốt, thì thiếu hàng trong thời gian tới là nỗi lo chung của những người bán hàng, nhất là những shop online đang kinh doanh tốt trong thời điểm này. Song cũng có không ít người lợi dụng giai đoạn này để tăng giá và đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có thêm cơ hội tung hoành.  
Trong lúc dịch viêm phổi cấp mang đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhiều ngành hàng, nhiều dịch vụ thì cũng mang lại cơ hội cho những dịch vụ khác. Song cái gì cũng có hai mặt, thời điểm này nếu kinh doanh online theo dạng bán cho được, thì cái giá phải trả khi dịch viêm phổi cấp đi qua cũng không hề rẻ. 

Các tin khác