Đêm tháng Giêng

(ĐTTCO) - Ngày anh cưới chị, tôi còn nhỏ. Gần bảy thập niên trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in, ngôi nhà lợp rạ, vách đất của chúng tôi có khách là một người lính. Anh bận bộ quân phục màu cỏ úa với chiếc mũ mềm có ngôi sao lấp lánh. 
Ngày chị đi lấy chồng, tôi tiễn chị ra cánh đồng, cuối bờ tre gai thường ngày ríu rít tiếng chim. Cầm tay tôi, chị khóc. Em ở nhà nhé. Nếu rảnh chị sẽ về chơi với em. Mắt nhòa, tôi cố giữ không để lệ rơi.
Anh ở với chị được vài ngày rồi về đơn vị. Chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Hàng ngày từng tốp máy bay Mỹ ầm ầm như xé nát bầu trời. Đôi khi ném không hết, chúng trút bom xuống cánh đồng làng tôi trước khi hạ cánh nơi hạm đội đậu ngoài biển Đông.
Chiến trường khốc liệt, năm 1967 đơn vị anh hành quân vượt Trường Sơn vào Nam bộ. Một buổi chiều đi học về, tôi thấy mắt chị đỏ hoe, đang ngồi nói chuyện với mẹ. Chị bảo, mới đi thăm anh về. Tối qua, anh cùng đơn vị hành quân lên tàu vào Vinh rồi từ đó đi bộ qua Hà Tĩnh, Quảng Bình... Tôi chưa đặt chân đến những vùng đất ấy. Nhưng hàng ngày nghe đài, tôi biết đó là vùng đất lửa. Nơi ấy, sự sống và cái chết chen lấn nhau. Sống đấy mà không biết chết lúc nào. Lo cho anh rể, tôi càng thương chị gái. Lấy chồng gần 2 năm, nhưng chưa thấm hơi chồng đã phải biền biệt xa. Mẹ tôi bảo, chị lên thăm anh mấy ngày đêm, chẳng biết có “tin vui” gì không?

Tháng 4-1970, chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3, tôi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện cấp tốc, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường. Đầu năm 1971, chúng tôi đến căn cứ huấn luyện bổ sung cho chiến sĩ mới thuộc Công trường (Sư đoàn) 5 trú quân ở Suối Dù sát biên giới Việt Nam và Campuchia. Nghe thủ trưởng nói, từ đây về núi Bà Đen, Tây Ninh không xa. 
Đêm tháng Giêng ảnh 1 Ảnh minh họa.
Vào chiến trường, lạ nước lạ gió, lính trẻ ai cũng “dính” sốt rét. Tôi bị sốt cao nhiều ngày. Bỏ ăn. Uống nhiều thuốc ký ninh, người như kẻ mộng du. Có ngày nổi điên, tôi đeo ba lô lang thang dọc bờ suối. Tóc bắt đầu rụng và da xanh như màu lá. Một đêm nọ tôi sốt cao, lên cơn ác tính, đồng đội phải khẩn cấp khiêng vào bệnh xá mang tên K30 đóng quân gần đó. Mấy ngày đêm mê man, tỉnh dậy, Nùng, một bạn cùng quê nằm viện trước tôi báo tin: “Mày có biết ai là Nguyễn Kim Chung, dân xã Hải Long không?”. Tôi giật mình. Không lẽ đây là anh rể? Dù đi lại chưa vững, Nùng đã dìu tôi xuống hầm của hành chính bệnh viện. Tôi nhận ra anh rể. Hai anh em ôm nhau, không cầm được nước mắt. Tôi nghe anh rể nói, anh đang làm quản lý hậu cần của bệnh viện. Có lẽ thế, những ngày điều trị tại đây, tôi không chỉ được sưởi ấm bằng tình cảm gia đình mà còn được bồi dưỡng sức khỏe bởi thuốc men, thực phẩm hiếm hoi không phải ai lúc đó cũng có được. 
Đầu năm 1972, ta mở chiến dịch mới, từ Tiểu đoàn 31 tôi được lệnh điều xuống đơn vị chiến đấu - Trung đoàn 174 (Công trường 5) tham gia giải phóng Lộc Ninh rồi tiến về đồng bằng sông Cửu Long. Tôi xin phép đơn vị đến chia tay anh rể. Là người từng trải chiến trường, đêm chia tay, anh đã nói với tôi nhiều chuyện. Tôi nhớ nhất là những kinh nghiệm của anh khi ở mặt trận. Và, hình như anh biết, chia tay khó có ngày gặp lại, nên bịn rịn, không muốn dứt.

Kết thúc chiến tranh, đầu năm 1976, tôi về phép thăm nhà. Ấy cũng là lúc anh Chung đã xuất ngũ về làm việc tại một công ty xây dựng công trình thủy nông của huyện. Sau hơn 10 năm về nhà chồng, chị tôi sinh con đầu lòng. Tôi còn nhớ giáp Tết Nguyên đán năm ấy, tôi ra trạm xá “cáng” chị tôi và cậu bé sơ sinh trên chiếc võng dù, về nhà. Đứa con đầu lòng của anh chị nay đã trưởng thành. Kế tục con đường của cha, cháu vào bộ đội và hiện đang làm bác sĩ tại một bệnh viện trung ương quân đội mà thời thành phố giải phóng (30-4-1975), cha cậu đã tiếp quản. Cũng như bao người lính sau chiến tranh, anh rể tôi bươn chải, mưu sinh. Có biết bao câu chuyện về anh mà bài viết ngắn vĩnh biệt người đi xa này không kể siết. Chỉ biết anh đa đoan, đào hoa, luôn khát khao cái mới. Và như chúng ta đã biết, có bao nhiêu thế hệ đến với cái mới, họ đã phải trả giá như thế nào?
Điều quan trọng là cái mới ấy thuộc về ai, có đi quá xa quan niệm của người đang sống?! Do di chứng chiến tranh, anh ngã bệnh đã hơn 3 năm nay. Chừng ấy thời gian, mỗi lần về quê tôi đều đến thăm và chia sẻ cùng anh - người Anh - người đồng đội một thời. Anh nằm mê man trên giường, tỉnh dậy, tôi hay đùa: “Đồng chí Nguyễn Kim Chung!”. Anh cố gượng trả lời: “Có tôi đây”. “Đồng chí đã sẵn sàng trở lại chiến trường miền Đông Nam bộ chưa?”. Anh rể tôi cố lấy giọng: “Báo cáo, tôi đã sẵn sàng!”. Sau Tết Canh Tý vừa rồi, đến chào anh để vào TPHCM, em trai tôi, Đại tá Trần Văn Toản cũng hỏi thế, anh cố lấy hơi trả lời: “Tôi… tôi đã… sẵn sàng!”.
Và bây giờ, quả thực anh không những đã sẵn sàng mà còn bay cao, bay xa đến tận những cánh rừng “Miền Đông - gian lao mà anh dũng”. Anh nằm đó trên chiếc giường còn thơm mùi gỗ mà các con anh mới mua, trong tiếng kinh niệm Phật dịu êm phát ra từ chiếc radio đặt đầu giường. Chị gái tôi như tàu lá héo ngồi bên anh, cạnh bát cơm lồng, trái trứng luộc và khói hương nghi ngút.
Tôi mở tấm khăn che mặt, nhìn anh lần cuối. Tôi vẫn như thấy anh mỉm cười và giõng dạc nói: “Có tôi đây. Đã sẵn sàng...”. Tôi vẫn như thấy anh nơi chiến trường miền Đông Nam bộ năm nào - nơi tôi và đồng đội đã trải qua những tháng ngày cam go giữa sống và chết, trong đó có nhiều người như Nùng, như Thiềng, như Thạc… đã mãi mãi đi xa.
Nhân vô thập toàn. Các cụ xưa dạy thế. Anh rể tôi nằm xuống, cũng như mọi người, mang theo cả tiếng bấc, tiếng chì. Không sao! Mỗi người có cách tiếp cận của riêng mình. Nhìn đồng đội, bạn bè, bà con như dòng sông không ngừng chảy đến tiễn biệt anh, tôi tin nơi chín suối, anh cũng thanh thản yên nghỉ trong vòng tay của tổ tiên, anh em và đồng đội.
Đêm 14-2-2020 (Nhằm 21 tháng Giêng Canh Tý)

Các tin khác