ĐBSCL: Lũ nhỏ, lo hạn mặn

(ĐTTCO) - Cuối tháng 9-2020, mùa mưa lũ đã bắt đầu ở ĐBSCL, nhưng dấu hiệu lũ nhỏ làm nỗi lo hạn hán hiện ra. Ngày 11-9, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL. 

Ngay sau đó, ngày 23-9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các tỉnh ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn mặn xâm nhập trong mùa khô. 

Người dân tỉnh Bến Tre dùng túi ni lông trữ nước ngọt

Người dân tỉnh Bến Tre dùng túi ni lông trữ nước ngọt

Không để thiếu nước ngọt sinh hoạt

Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, hàng trăm ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hàng trăm ngàn người dân vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Trong đó, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất của đợt hạn mặn. Ngay sau đó, tỉnh Bến Tre đã xây dựng hồ chứa nước ngọt Ba Tri với tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, có sức chứa hơn 800.000m³ nước, đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong 6 tháng mùa khô cho khoảng 200.000 người dân, hơn 13.000ha đất nông nghiệp tại huyện Ba Tri. Đợt hạn mặn 2019-2020 vừa qua kéo dài đến 6 tháng, nên hồ bị cạn, nhiễm mặn nhẹ. Hiện đơn vị quản lý hồ đang thi công quyết liệt để nạo vét lớp bùn bên dưới nhằm giảm lượng muối tích tụ. Đồng thời, tháo xả nước liên tục để tháo chua rửa mặn. Đây là những công đoạn cần thiết, để hồ sẵn sàng tích nước mưa càng nhiều càng tốt. 

Ngay sau cuộc họp tại Tiền Giang, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với lãnh đạo vùng ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn mặn, các tỉnh trong vùng khẩn trương triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó với mùa khô hạn sắp tới. Tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các địa phương và người dân phải tranh thủ tối đa các biện pháp tích nước ngọt vào ao lu, mương vườn…

Tại Hậu Giang, nơi chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập từ hai hướng biển Đông và biển Tây cũng đang khẩn trương hoàn thành các công trình trọng điểm để ứng phó với hạn mặn. Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đang đốc thúc đơn vị thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt có quy mô 50ha (sức chứa 1,2 triệu m3) tại huyện Vị Thủy; hoàn thành tuyến đê ngăn mặn giai đoạn 2 (tổng chiều dài tuyến đê 65km, giai đoạn 1 đã hoàn thành 30km) vào cuối năm 2020. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường thêm các thiết bị kỹ thuật cho các huyện thị để giám sát đo độ mặn, kịp thời cảnh báo cho người dân.

Cần tầm nhìn dài hạn

Các dự báo về thời tiết đều cho rằng, ĐBSCL có thể sẽ đối mặt với mùa khô khốc liệt 2020-2021. Cụ thể, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy trên sông Mê Công ở mức rất thấp. Còn biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia - nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện chỉ trữ được gần 9 tỷ m3 nước, trong khi trung bình nhiều năm cùng thời kỳ vào khoảng 23 tỷ m³. 

Trong khi đó, một số quốc gia thượng nguồn như Thái Lan đang gia tăng nhu cầu sử dụng nước từ sông Mê Công nên tổng lượng dòng chảy về ĐBSCL trong các tháng mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20 - 35% so với trung bình nhiều năm. Tỉnh Bến Tre đang tính toán xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (huyện Ba Tri) có quy mô khoảng 121ha, với tổng mức đầu tư trên 352 tỷ đồng. Xung quanh dự án này cũng có nhiều ý kiến phản biện về tính khả thi của dự án. Song, việc chủ động cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân trong thời gian tới là rất cấp bách. Các nhà khoa học cho rằng, bên cạnh xây dựng các hồ chứa nước ngọt ở mức vừa phải, chính quyền các địa phương cần sớm đấu nối hệ thống đường dẫn cung cấp nước ngọt giữa các tỉnh. Đây là giải pháp căn cơ để cung cấp nước sạch cho người dân.

Hiện tại, một số nơi ở ĐBSCL làm lúa vụ 3 trong đê bao khép kín (không mở cống lấy nước tích trữ). Điều này đồng nghĩa với việc “niềm vui của người trồng lúa là nỗi buồn của người trồng cây ăn trái và người dân vùng ven biển”. Trong cuộc họp tại Tiền Giang mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phải có quy hoạch tổng thể ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm”. Các nhà khoa học cho rằng, Bộ NN-PTNT và các tỉnh đầu nguồn nên nghiên cứu kiên quyết bỏ hoặc hạn chế sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lấy hai nơi đây làm nơi tích nước ngọt trong mùa mưa lũ để chủ động cung cấp lại trong mùa khô hạn. Đó sẽ là một giải pháp chiến lược, lâu dài cho ĐBSCL.

Ngày 29-9, ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, đơn vị tiếp tục gia cố cống Trùm Thuật Nam (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), nhằm tránh để nước mặn bên ngoài tràn vào vùng ngọt hóa. Trước đó, trưa 27-9, do ảnh hưởng mưa lớn, kèm theo triều cường dâng cao làm nước bên ngoài sông Ông Đốc tràn qua đập cống Trùm Thuật Nam. Trước tình hình trên, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau, kết hợp với chính quyền địa phương huy động lực lượng khắc phục nhanh bằng cách vô bao đất, đắp ngăn chặn nước từ ngoài sông tràn vào. Ngoài ra, nước mặn cũng tràn qua đập Lò Đường (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời). Lúc nước tràn qua đập, độ mặn đo được là 3,8‰. Nước dâng cao cũng làm tràn bờ bao các ấp 12A, 12B và ấp 2B(xã Khánh Bình Đông).

TẤN THÁI

CAO PHONG

Các tin khác