Dấu ấn nông thôn mới

(ĐTTCO) - Là tỉnh đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long, An Giang có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia gần 100km, nhiều năm qua sản xuất nông nghiệp đóng vai trò nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, An Giang cũng gặp những khó khăn bởi xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp An Giang đạt những kết quả tích cực. 

Quyết liệt vào cuộc
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ngay từ ban đầu Đảng bộ An Giang xác định rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; do đó trong chỉ đạo, điều hành luôn phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, nhiệt huyết, năng nổ nhằm khích lệ cho cả hệ thống chính trị vào cuộc.
 Quan điểm trong xây dựng nông thôn mới là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, tỉnh sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 2011-2020, nhằm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tốt hơn nữa. 
Ông Nguyễn Thanh Bình,
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Trong điều hành xây dựng nông thôn mới, tỉnh chọn các bước đi, giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện xuất phát từng địa phương. Chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra những địa phương khác.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng công nghệ cao nhằm tăng thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, tỉnh cũng vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn nhằm thực hiện nhanh cơ sở hạ tầng nông thôn… 
Dấu ấn nông thôn mới ảnh 1 Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, trao bằng công nhận xã Thới Sơn đạt chuẩn nông thôn mới…
Lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới cho biết, từ những giải pháp tích cực và phù hợp, các ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng các mô hình chuyển dịch kinh tế thành công.
Điển hình như các xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân… đã chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hình thành vùng chuyên canh xoài tập trung hơn 4.200ha, mang lại thu nhập cao gấp 2-4 lần so trồng lúa. Hiện nay diện tích cây ăn trái của huyện khoảng 6.665ha, đạt giá trị 322 triệu đồng/ha/năm; rau màu có hơn 4.100ha, đạt giá trị 392 triệu đồng/ha/năm… Bình quân, giá trị sản xuất nông nghiệp của Chợ Mới hiện tại đạt hơn 316 triệu đồng/ha, tăng 193 triệu đồng/ha so thời điểm 2008.  
Ông Phạm Minh Tâm, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, bộc bạch: “Trong 8 năm qua huyện Thoại Sơn đã vận dụng, sáng tạo nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: mô hình “Mượn vốn nuôi bò vỗ béo”, “Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái”, “Mỗi tháng một hoàn cảnh nghèo được giúp đỡ”, “Đội từ thiện xây cầu nông thôn”…
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nông thôn Thoại Sơn chuyển biến tích cực, đổi mới rõ rệt và tạo dấu ấn trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô về trung tâm, các đường liên ấp và liên xã đều được bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người từ 15,6 triệu đồng năm 2010 tăng lên 47,5 triệu đồng vào năm 2018. Đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Thoại Sơn cũng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, sớm hơn 2 năm so kế hoạch”. 

Hướng tới mục tiêu bền vững
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, nhận định: “Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 61 xã, 1 huyện đạt chuẩn và 2 thành phố hoàn thành nông thôn mới. Có thể nói, chương trình đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2019 khoảng 6%/năm; riêng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp khoảng 2%/năm.
Dấu ấn nông thôn mới ảnh 2 An Giang chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công, giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.  
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực và phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm có hơn 15 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 85 triệu đồng/ha vào năm 2010, lên hơn 183 triệu đồng/ha năm 2019. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với nhiều doanh nghiệp tham gia”. 
Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang đánh giá cao các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh đã lựa chọn những tiêu chí phù hợp từng địa phương để vận động và phát huy người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Giai đoạn 2016- 2018, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 5.443 mô hình như vậy trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… 
Tuy nhiên, An Giang vẫn còn những khó khăn khi một số chỉ tiêu đạt chưa cao, thiếu bền vững như về bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, hộ nghèo; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các địa phương; vẫn còn một số người dân chưa thông hiểu chủ trương và còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước…
Từ những hạn chế trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới sâu rộng hơn, khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu trong năm 2020 có 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có thêm 28 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người ở xã nông thôn mới đạt 65 triệu đồng/người/năm…

Các tin khác