Cuộc đua sản xuất bộ kit test nhanh nCoV

(ĐTTCO) - Sau thành công trong nuôi cấy và phân lập virus Corona chủng mới đã gây ra dịch viêm đường hô cấp (Covid-19) của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tuần trước, các nhà khoa học Việt Nam đã đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chế tạo bộ kit test nhanh nCoV (virus Corona chủng mới). 

Đến nay đã có những tín hiệu khả quan, dự kiến cuối tuần này, Việt Nam sẽ có công bố việc chế tạo thành công bộ kit test nhanh nCoV.

Bộ KH-CN gấp rút chỉ đạo, giao đề tài
Đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt danh mục 3 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất phòng chống Covid-19. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus Corona” được giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện, yêu cầu chế tạo ít nhất 10.000 bộ test mỗi loại đạt tiêu chuẩn cơ sở, sau một tháng có sản phẩm để sử dụng phòng chống dịch.
Do đã chủ động nghiên cứu ngay từ thời điểm xuất hiện dịch, 2 đơn vị nói trên cam kết trong thời gian một tháng có thể sản xuất hàng loạt phục vụ công tác phòng chống dịch. Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR, có thể sản xuất sau 2 tuần nếu được tạo điều kiện thông quan nhanh hóa chất, nguyên liệu nhập khẩu và được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TPHCM cung cấp chứng dương nCoV-2019 (mẫu dương tính). 
Cuộc đua sản xuất bộ kit test nhanh nCoV ảnh 1 TS Lê Quang Hòa và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.
Theo các chuyên gia y tế, ưu tiên hàng đầu hiện nay là khẩn trương nghiên cứu, chế tạo bộ kit test nhanh để chủ động ứng phó dịch bệnh do nCoV gây ra. Liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cũng như tài chính thực hiện nhiệm vụ này, Bộ KH-CN khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học bởi đây là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng. Được biết, Học viện Quân y và Công ty Việt Á đã có báo cáo nhanh về quá trình thực hiện đề tài với những kết quả khả quan. Dự kiến, cuối tuần này, sẽ có kết quả chính thức về việc nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm RT-PCR này.
Cùng với đề tài trên, Bộ KH-CN đã giao đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus Corona” cho Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì, phối hợp với Viện Pasteur TPHCM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN thuộc Sở KH-CN Cần Thơ thực hiện, và đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona tại Việt Nam” giao cho Viện Pasteur TPHCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.  
Hướng đi của các nhà khoa học độc lập
Ngày 8-2, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa và TS Nguyễn Lê Thu Hà, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) công bố chế tạo thành công trong phòng thí nghiệm sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh nCoV. Bộ kit sử dụng kỹ thuật RT-LAMP (khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic) chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh.
Đặc biệt thời gian phân tích ngắn (70 phút bao gồm cả giai đoạn tách chiết RNA), còn quy trình chẩn đoán tiêu chuẩn kỹ thuật phân tử (RT-PCR) hiện nay cần ít nhất 240 phút. Nhóm nghiên cứu cho biết, giá thành sản xuất mỗi test là 350.000 đồng, còn giá sản xuất bộ test RT-PCR là 1 triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR). 
Thử nghiệm phản ứng, RT-LAMP phát hiện RNA của nCoV là 5 phiên bản mỗi phản ứng, tương đương với phương pháp nhạy nhất hiện nay dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR. Đặc biệt, phản ứng RT-LAMP này không cho kết quả dương tính giả với các loại virus Corona khác như SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.
Tuy nhiên, để đảm bảo độ chính xác của phép thử, bước tiếp theo cần so sánh các đặc tính của bộ sinh phẩm với phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR (khuyến cáo bởi WHO) trên các mẫu RNA virus được thu nhận từ mẫu bệnh phẩm thực. Vì vậy, thời điểm đó, nhóm nghiên cứu mong muốn có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng nCoV để nội kiểm và cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Khi có mẫu, sau 3 ngày nhóm sẽ có kết quả. 
Chiều 10-2, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa đã làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và thống nhất tiến hành thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thực từ ngày 11-2. Ngày 11-2, nhóm bắt đầu thử nghiệm kit thử nhanh nCoV trên các mẫu bệnh phẩm thực do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cung cấp. Các hoạt động thử nghiệm này sẽ được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Kết quả thực nghiệm dự kiến sẽ có vào cuối tuần này.
Theo GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, một sản phẩm y tế sử dụng trong xét nghiệm dù không trực tiếp điều trị nhưng liên quan đến việc ra quyết định chỉ định điều trị của bác sĩ, liên quan mật thiết đến sức khỏe của người được xét nghiệm, nên cần độ chính xác cao. Trong trường hợp nếu có dịch bệnh, kết quả xét nghiệm còn giúp cho việc cách ly, xử lý ổ dịch. Do đó, trước khi sử dụng chính thức, các kit, test nhanh cần được thử nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm, khẳng định về chất lượng và độ chính xác.

Các tin khác