Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình

(ĐTTCO)-Mới đây, vụ một phụ nữ ở tỉnh Tây Ninh bị chồng đánh đập dã man, phải cầu cứu đến Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh đã khiến dư luận phẫn nộ, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. 
Một phiên tòa giả định tại quận 3 tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình
Một phiên tòa giả định tại quận 3 tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình

Thực tế trong đời sống hôn nhân có vô vàn tình huống dẫn đến mâu thuẫn, tranh cãi, nhưng bạo lực gia đình là điều không thể chấp nhận. Khi rơi vào tình huống này, nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ) rất cần được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng để được bảo vệ.

“Tôi đã cố nhịn nhục”

Chiều 10-2, sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh sự việc người phụ nữ 27 tuổi ở Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) bị chồng đánh đập, Bộ LĐTB-XH đã có công văn yêu cầu Sở LĐTB-XH tỉnh Tây Ninh chỉ đạo kiểm tra, xác minh sự việc.

Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm, đồng bộ các giải pháp đối với đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật; thông tin công khai trước dư luận. Bộ cũng yêu cầu phối hợp với các đơn vị có liên quan thăm hỏi, giúp đỡ; cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân (dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, y tế…).

Những hình ảnh người phụ nữ thâm tím khắp người, cùng lời kể của chị về việc bị chồng dùng thắt lưng quật dã man trước sự chứng kiến và can ngăn của cha mẹ vợ khiến dư luận dậy sóng. Nhưng có một thực tế là ngoài những vụ bạo hành được dư luận biết đến và lên án rộng rãi, thì vẫn có những vụ bạo lực mà người trong cuộc đã âm thầm chịu đựng.

Ngày ra tới tòa xin ly hôn, chị Kim H. (32 tuổi, ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nói như trần tình về lý do kéo dài cuộc hôn nhân nhuốm đầy nước mắt: “Tôi đã cố nhịn nhục nhưng cuộc sống gia đình ngày càng tệ hơn, không còn hạnh phúc”. Lấy nhau về được mấy năm, chồng chị H. sa vào cờ bạc, bỏ bê công việc làm ăn, cứ về nhà là chửi bới, đánh đập, xúc phạm vợ. Gia đình hai bên động viên đoàn tụ, chị cũng cố gắng hàn gắn nhưng không thể. 

Cũng như chị H., chị Đinh Thị L. (ngụ huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cũng cố gắng nhẫn nhịn khi bị bạo hành. Người chồng do áp lực công việc nên nhiều lần chửi bới, đánh đập chị. Vì thương con và bố mẹ nên chị cố chịu đựng, cũng không dám báo chính quyền địa phương. Có lần, anh đi uống rượu về đánh chị phải nhập viện suốt một tuần. Ra viện, chị về nhà bố mẹ đẻ. Chồng và gia đình chồng lên tìm nhưng chị cương quyết không về. Chồng chị muốn đoàn tụ “để sửa sai và các con đỡ khổ”, nhưng tòa sau khi xem xét tình trạng mâu thuẫn gia đình đã chấp thuận cho chị L. ly hôn. 

Tìm đến hội phụ nữ

Theo thống kê, bạo lực gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ly hôn, mà nạn nhân hầu hết là phụ nữ. Thông thường, họ nhẫn nhịn chịu đựng trong một thời gian dài mới tìm đến giải pháp cuối cùng là ly hôn. Nhưng theo các luật sư có kinh nghiệm trong các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình, nhịn nhục không phải là cách tốt nhất để chấm dứt hành vi bạo lực trong gia đình. 

Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, chia sẻ bản thân bà đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng về hậu quả dai dẳng của bạo lực gia đình. Một bà mẹ đã khóc ngất khi đứa con 16 tuổi đâm hàng chục nhát dao gây thương tích cho người khác, bởi “nó đâm người ta y như ngày xưa cha nó đâm tui”. Hoặc một cậu bé đã thản nhiên đấm đá một bạn gái khác ngay ở sân trường, khi được hỏi đã hồn nhiên trả lời: “Ở nhà cha đánh vầy hoài, cha nói con trai thì được quyền đánh con gái”. 

Theo luật sư Trần Ngọc Nữ, bạo lực gia đình không chỉ gây ra vết thương trên thân thể, mà với những đứa con chứng kiến bạo lực hàng ngày, qua thời gian sẽ trở thành tâm bệnh với những vết thương âm ỉ, kéo dài đến suốt cuộc đời.

“Bởi vậy quan niệm cắn răng chịu đựng vì con, cho con đỡ khổ là không đúng, thậm chí đó là ích kỷ với con cái. Phụ nữ khi bị bạo hành không nên cam chịu”, luật sư Nữ nói. Bà cho rằng khi bị bạo hành, nơi đầu tiên chị em phụ nữ nên liên hệ là hội phụ nữ địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bạo lực gia đình, các đoàn thể, địa phương cũng cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, để những người có xu hướng bạo lực hiểu rằng không phải là chồng, là cha thì có thể dùng bạo lực với vợ con. Họ cần biết rằng nếu dùng bạo lực, tùy mức độ nặng nhẹ, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 49 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình, theo đó người vi phạm có thể bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả.

Các tin khác