Chuyện văn & chuyện đời

(ĐTTCO) - Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ ngày 23 đến 25-11 tại Hà Nội, đã bầu Ban chấp hành mới gồm 11 thành viên và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở thành Chủ tịch Hội.
Hội Nhà văn Việt Nam đang quá già. Đó là điều ai cũng cảm nhận được khi nhìn qua nhìn lại đều thấy những mái đầu tóc bạc trắng và tóc muối tiêu ở kỳ đại hội này. Trong 1.116 hội viên, số người dưới 50 tuổi chiếm tỷ lệ chưa được 5%, còn số hội viên ở tuổi nghỉ hưu vẫn chiếm đa số. Trước ngày đại hội diễn ra, hội viên cao niên nhất là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã qua đời ở tuổi 101. Trong danh sách đại biểu, nhà văn Trần Bảng (sinh năm 1926) không tham dự, nên người cao nhất là nhà thơ Hoàng Minh Châu (sinh năm 1930). Ông cũng là người đang giữ kỷ lục tham dự cả 10 lần đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài nhà văn Lê Phương 87 tuổi đến tham dự đại hội trên chiếc xe lăn, nhà thơ Y Phương 72 tuổi phát hiện thêm: “Có 3 đại biểu chống gậy đến hội trường là nhà phê bình Phương Lựu, nhà thơ Ngọc Bái và tôi”.
Chuyện văn & chuyện đời ảnh 1 Nhà văn Lê Phương đến đại hội với chiếc xe lăn.
Hội Nhà văn Việt Nam suốt 20 năm qua do nhà thơ Hữu Thỉnh, nay cũng đã 78 tuổi, làm Chủ tịch. Không chỉ là thi sĩ trong sáng tác, nhà thơ Hữu Thỉnh còn dùng phẩm chất thi sĩ vào việc điều hành Hội Nhà văn Việt Nam một cách hồ hởi. Phương pháp lãnh đạo của nhà thơ Hữu Thỉnh đã cống hiến không ít thành tựu mà cũng mang lại sự trì trệ cho tổ chức văn chương này.
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đại hội lần này với mục tiêu duy nhất là bầu được Ban chấp hành mới. Ban tổ chức lên kế hoạch đại hội 2 ngày 24 và 25-11 để đề phòng chuyện bầu bán không suôn sẻ. Thế nhưng, chỉ trong ngày 24 đã bầu ra 11 người vào Ban chấp hành, nên ngày 25 chỉ có vài phát biểu chào mừng và nhanh chóng bế mạc. Không có câu chuyện văn chương nào được nói đến trên diễn đàn, không có tham luận nào được trình bày và cũng không có bất kỳ tranh luận học thuật nào xuất hiện như mong đợi. Tất cả chỉ ưu tiên cho đề cử, ứng cử và bỏ phiếu.
Chuyện văn & chuyện đời ảnh 2 Đại biểu cao niên nhất, nhà thơ Hoàng Minh Châu (sinh năm 1930).
Vì sao một đại hội giới nhà văn lại không ai bàn đến văn chương? Có 2 nguyên nhân cụ thể và sâu xa. Thứ nhất, Hội Nhà văn Việt Nam qua 4 nhiệm kỳ do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch, đã để lại di chứng mệt mỏi và trì trệ cho đời sống văn chương, nên các nhà văn nôn nóng nhanh chóng cảm ơn và tạm biệt người lãnh đạo đã tại vị quá lâu. Thứ hai, chất lượng kết nạp hội viên đang ở mức đáng nghi ngại, nhiều người vào Hội chỉ muốn kiếm danh xưng nhà văn, nên những cá tính sáng tạo bị cô lập, bị lu mờ, bị thưa vắng. 
Bởi 2 nguyên nhân trên, những người tâm huyết không muốn lên tiếng nữa, còn người bon chen thì mãn nguyện với những giá trị hư ảo. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đến tham dự với tư cách hội viên, đã không ít lần lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến những bất cập của công tác tổ chức đại hội. Ở tuổi 77, từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 1995-2000, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ: “Văn chương hiện nay không phải thiếu tài năng mà đang thiếu sĩ khí. Nhà văn không có sĩ khí thì tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Khi sĩ khí không còn ở những người cầm bút, lý tưởng sống giới trẻ sẽ chênh chao và họ chỉ biết chạy theo vật chất, đua đòi hưởng thụ”.
Chính vì đặt mục tiêu chủ yếu về việc bầu Ban chấp hành khóa mới, ban tổ chức đại hội kỳ này không hề gửi thư mời viết tham luận hay gợi ý chủ đề trao đổi cho tất cả đại biểu. Đại hội nhà văn im ắng chuyện văn chương, chỉ rộn ràng chụp ảnh lưu niệm. Cũng may, có điểm sáng đáng hy vọng ở đại hội là sự tín nhiệm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội khóa mới. Năm nay 62 tuổi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có 2 nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Hội, và là một tác giả uy tín trong cộng đồng. Mặt khác, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng là nhân vật tiên phong giao lưu văn học quốc tế. Với vai trò lãnh đạo của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn và công chúng đang hồi hộp cho những chuyển động mới từ nền văn chương Việt.
Trở lại vấn đề tuổi của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với tuổi trung bình hiện nay khoảng 65 tuổi. Có nghĩa hội này càng ngày càng già nua. Lấy lý do người viết phải tích lũy bao năm mới đủ tầm vóc thành nhà văn quốc gia ư? Mới nghe qua có vẻ xuôi tai, nhưng nghĩ lại thấy bất ổn. Bởi lẽ, phần đông tác giả đang chiếm lĩnh thị trường sách lại trên dưới 40 tuổi và đều chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác giả ấy thừa tài năng và bản lĩnh để được vinh danh nhà văn quốc gia, nhưng họ không hứng thú với các hoạt động đơn điệu và tẻ nhạt của Hội Nhà văn Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên, Ban Bí thư ngày 12-9-2019 ban hành kết luận về độ tuổi tham gia công tác Hội. Đến ngày 13-4-2020, Ban Tổ chức Trung ương lại ban hành hướng dẫn thực hiện kết luận của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác Hội. Điều khoản quan trọng nhất là tuổi lần đầu hoặc tái cử tham gia làm lãnh đạo Hội không quá 65, trường hợp đặc biệt không quá 70. Quyết định của Ban Bí thư hoàn toàn đúng đắn và thực sự cần thiết để tăng sinh khí cho các hoạt động Hội.  
Trẻ hóa văn chương để bắt kịp đời sống hội nhập, phải bắt đầu từ việc trẻ hóa lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Khi và chỉ khi tác giả trẻ không còn cảm giác lạc lõng trong không khí sinh hoạt của hội nghề nghiệp, sức sống của văn chương sẽ được bồi đắp và lan tỏa. Ở nhiệm kỳ 2020-2025, những nhà văn trên 70 tuổi đã không còn tham gia ban chấp hành, nghĩa là một sinh khí chống lão hóa đang được thực hiện ở Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người lãnh đạo mới cũng đầy thử thách. Đó là lấy lại vị trí của nhà văn vốn đã tụt dốc nhiều năm qua. Đã đến lúc Hội Nhà văn Việt Nam cần phát huy vai trò tập hợp những tài năng văn chương đích thực, để đóng góp vào quá trình vận động đi lên của dân tộc.
Hội Nhà văn Việt Nam khóa tới nên thay đổi phương thức hoạt động, tránh xa tâm lý cào bằng “hoa thơm mỗi người ngửi một ít” trong việc đầu tư sáng tác. Chú trọng đặt hàng thật thiện chí cả vật chất lẫn tinh thần, để các tác giả đang sung sức và tác giả trẻ có được những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống mới, can đảm lý giải những bất cập đang đe dọa cộng đồng và mạnh dạn đề xuất những ý tưởng nhân văn. Mảng lý luận phê bình cũng cần song hành với sáng tác bằng những hoạt động bổ ích. Cần có những hội thảo chuyên đề cụ thể, bám sát hiện thực cuộc sống. Chẳng hạn: "Nhà văn có thể viết về tệ nạn tham nhũng ra sao?". Giới phê bình cũng cần được đặt hàng như giới sáng tác, thậm chí đặt hàng thường xuyên.   

Các tin khác