Chống dịch – Tránh gây phiền hà không đáng có cho người dân

(ĐTTCO) - Covid-19 bên cạnh các tác động tiêu cực và sự tàn phá nặng nề, thì nó lại là một bài kiểm tra khắc nghiệt cho công tác điều hành, quản lý của chính quyền địa phương. 
TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hoa Lâm Đồng. Và ngay trong lúc tỉnh này cách ly người về/đến từ TPHCM lại đồng thời yêu cầu TPHCM mở cửa chợ để tiêu thụ hoa Lâm Đồng. Ảnh: TN
TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hoa Lâm Đồng. Và ngay trong lúc tỉnh này cách ly người về/đến từ TPHCM lại đồng thời yêu cầu TPHCM mở cửa chợ để tiêu thụ hoa Lâm Đồng. Ảnh: TN

Chiều ngày 31-5, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Lâm Đồng đã phát hành công văn hỏa tốc (số 3547/UBND-VX3) về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, những người về từ vùng dịch, vùng thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đều phải áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày.

Điều này có nghĩa người đến Lâm Đồng từ TPHCM và nhiều địa phương khác phải chịu cách ly, bởi thời điểm này TPHCM đã bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố, Chỉ thị 16 với quận Gò Vấp và 1 phường của quận 12. Riêng vấn đề này cần phải hiểu thêm rằng một khu vực hay địa phương nào đó có các ca dương tính với covid thì không có nghĩa đó là vùng dịch nếu chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền công bố là vùng dịch.

Nhưng khi ra văn bản này, chắc chắn Lâm Đồng chưa lường trước hết mọi việc, trong đó có thời điểm thu hoạch hoa phục vụ cho Tết Đoan Ngọ của bà con nông dân đang đến gần. Hàng triệu cành hoa Đà Lạt sẽ chuyển về TPHCM tiêu thụ, và thông qua các chợ đầu mối, chợ bán sỉ tại thành phố đi cả nước.

Vài nơi cũng có vẻ như “quên” luôn chỉ đạo của Thủ tướng trước đó, là phải vừa đảm bảo chống dịch vừa ổn định sản xuất, các địa phương không được “ngăn sông, cấm chợ”, gây ách tắc lưu thông hàng hoá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Và 4 ngày sau, ngày 4-6, Sở Công thương Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Công thương TPHCM, với nội dung “xem xét tạo điều kiện cho mở cửa lại chợ hoa Đầm Sen từ ngày 7-6-2021” để tiêu thụ hoa của Lâm Đồng. Trong khi đó, chợ hoa Đầm Sen đang đóng cửa để thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM về đảm bảo các biện pháp chống dịch, vì hoa không phải là một hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Chống dịch – Tránh gây phiền hà không đáng có cho người dân ảnh 1 Những ngày TPHCM giãn cách chống dịch vẫn phải đảm bảo sản xuất kinh doanh để không đứt gãy chuỗi cung ứng, thực hiện mục tiêu kép. Ảnh: NLĐ
Trong cơ cấu GDP của tỉnh Lâm Đồng, dịch vụ mà phần lớn là du lịch lữ hành và lưu trú chiếm hơn 40%, và có xu hướng tăng liên tục trong các năm qua.
Năm 2019, Đà Lạt đón gần 8 triệu du khách, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con số này giảm xuống gần một nửa. Nhưng điều đáng nói là dù đông hay ít, thì số khách du lịch đến từ TPHCM luôn chiếm 2/3 lượng khách đến với thành phố ngàn hoa.
Điều này đủ để thấy rằng, đối với người dân TPHCM thì Đà Lạt luôn là một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng không khí, thiên nhiên, cảnh vật.
Trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội thì cần tránh máy móc cách ly tuyệt đối toàn bộ người đến từ một tỉnh nào, trừ các điểm phong tỏa cục bộ và được công bố là vùng dịch.
Chống dịch – Tránh gây phiền hà không đáng có cho người dân ảnh 2 Đồ họa: Thanh niên
Covid-19 bên cạnh các tác động tiêu cực và sự tàn phá nặng nề, thì nó lại là một bài kiểm tra khắc nghiệt cho công tác điều hành, quản lý của các chính quyền địa phương, sao cho tránh gây ra sự phiền toái, thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp. 
Có những văn bản vừa ban hành chưa hết một ngày đã vội vàng được thu hồi. Có những văn bản chiều ban hành thì ngay 0h có hiệu lực, khiến cho người dân đang vất vả mưu sinh trên đường không kịp cập nhật, không kịp chuẩn bị và có người phải ngủ luôn ngoài đường.

Các tin khác