Chen hàng vaccine

(ĐTTCO) - “Ở Anh có chen hàng chích vaccine không Tuấn?” - đó là đại ý của hơn 70 tin nhắn qua Facebook, Linkedin hay Skype mà tôi nhận được khi thức dậy sáng nay. Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra.
Chen hàng vaccine
Bấm vào link đến một tờ báo do bạn gửi, tôi mới biết là ra có một cô gái khoe được tiêm vaccine Pfizer ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô “nhờ ông ngoại”. 
Chuyện này vợ chồng tôi đã đoán được trước sau gì cũng xảy ra từ những thực tế chúng tôi biết ở Anh, cũng như qua các câu chuyện trên báo đài. Chuyện “chen hàng” chích vaccine xảy ra ở nhiều nước, với nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp từ thị trưởng ở Ý, quan chức hội đồng thành phố ở Anh, tướng lĩnh của Tây Ban Nha, rồi đến chính trị gia ở vài nước châu Phi. 
Điểm chung của họ là gì? Họ đều là những người có ảnh hưởng, có nhiều quan hệ, có “ông ngoại”, “chú em”, “ông anh” nhiều ảnh hưởng. Họ sử dụng những mối quan hệ đó đã quen trong nhiều hoạt động thường ngày, cho nên nay họ cũng làm vậy với vaccine. Đây là điều có thể dự đoán trước và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, thực tế nhiều nước đã cho thấy như vậy.
Nhưng nếu Việt Nam thật sự không phải ngoại lệ như những nước khác, thì cũng nên làm giống như ở các nước văn minh khác. Ai bị phát hiện “chen hàng” như vậy phải trả giá tương ứng. Thị trưởng ở thành phố Corleone, thuộc vùng Sicily của Ý phải rời ghế. Tướng quân Miguel Angel Villaroya, một thành viên chủ chốt của Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, cũng phải từ chức sau sức ép từ Bộ trưởng Quốc phòng. 
Ở Anh, bà Jamila Azad, thành viên hội đồng thành phố Oxford và đảng viên đảng Lao động, đã bị khai trừ đảng hồi tháng 3 năm nay sau khi bị buộc từ chức vì đã “khoe” trên Facebook là được tiêm vaccine mà không cần phải đợi theo danh sách chờ của NHS - dịch vụ y tế công ở Anh. Bà này còn viết trên mạng xã hội rằng “con gái tôi bảo là ở Birmingham có vaccine Pfizer để chích”. 
Khi điều tra chuyện này, tờ Guardian nhấn mạnh bà ấy ở Oxford và về nguyên tắc sẽ được tiêm trong khu vực xung quanh Oxford. Birmingham là ở miền Trung nước Anh, không thật sự gần Oxford, và là một khu vực hành chính khác.
Những câu chuyện đó cho thấy việc chen hàng chích vaccine bởi người nổi tiếng, chính trị gia, những người có nhiều quan hệ là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng nó không nên được xem là chuyện đương nhiên, chấp nhận cho qua trong bối cảnh hàng chờ tiêm vaccine còn dài như giai đoạn tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay ở Anh. 
Ở thời điểm đó, một danh sách ưu tiên tiêm vaccine là một phần quan trọng của bảo vệ sinh mệnh con người và giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng. Ai vi phạm những điều đó nên được xem là lỗi nghiêm trọng và phải bị chế tài nặng. Trừ một vài quốc gia nổi tiếng tham nhũng ở châu Phi, còn lại những trường hợp bị điều tra và phát hiện bằng chứng vi phạm ở các nước văn minh đều bị xử lý chặt, mà từ chức là mức tối thiểu.
Câu chuyện chen hàng vaccine xuất phát từ một thực tế mỗi đợt tiêm vaccine đều sẽ có tình trạng dư lẻ vaccine. Theo thực tế chúng tôi biết qua câu chuyện với những người chịu trách nhiệm ở chỗ mình đi tiêm tại Anh, và qua bạn tôi là một chuyên gia nghiên cứu vaccine, một lọ vaccine sẽ được sử dụng tiêm cho một số lượng người nhất định, mà trên thực tế khi đến ngày tiêm vì lý do thể trạng, sức khỏe, sẽ có thể có người được chỉ định tiêm lại không thể tiêm. Thế là sẽ dư ra phần các liều vaccine “lẻ”. 
Những vấn đề khuất tất có thể xuất phát từ việc ai muốn can thiệp được “chen hàng” đều sẽ bảo là mình may mắn được tiêm liều lẻ (mặc dù xác suất may mắn đó có khi còn thấp hơn trúng số độc đắc, vì họ còn đòi tiêm những loại vaccine “xịn”). Ngẫu nhiên dư ra vaccine xịn và lẻ thì đúng là một xác suất rất thấp. Nhưng khi người ta có những ông ngoại, ông anh, chú em, người nhà quyền lực, thì dường như ai cũng có thể trúng số.
Đây là một lỗ hổng dễ bị lợi dụng và một số thành phố ở Anh có tính toán đến điều này. Ví dụ ở nơi tôi sống là thành phố Bristol, trước mỗi ngày tiêm vaccine, đơn vị chịu trách nhiệm tiêm sẽ lên kế hoạch cụ thể cho một danh sách chính thức cũng như dự bị theo thứ tự ưu tiên của chính phủ định ra. Hiểu nôm na là trước mỗi ngày tiêm vaccine phải có một danh sách dự bị được dự kiến song song với danh sách chính thức. 
Người nằm trong danh sách dự bị đó cũng phải được thông báo là mình ở trạng thái chờ, vì có thể trong ngày tiêm vaccine, người đáng lẽ được tiêm không đến hoặc vì lý do nào đó không thể tiêm, người dự bị sẵn sàng đến thay thế. Như vậy không dễ dàng gì đưa “người của mình” vào danh sách dự bị nếu ai cũng làm nghiêm túc.
Tất nhiên vẫn có những cách để “lách” hệ thống này, bởi vì làm sao đảm bảo danh sách chính thức hay dự bị là theo đúng thứ tự ưu tiên mà nhà nước lập ra. Chẳng hạn như cô gái được cho là “chen hàng” tiêm vaccine ở bệnh viện được cho là được hẹn trước một ngày và người ta “biết trước” là có 2 liều vaccine Pfizer lẻ. 
Không bàn đến năng lực dự báo chính xác của bệnh viện, liệu một phóng viên không biết là có tác nghiệp tuyến đầu chống dịch hay không có thật sự là đáng được ưu tiên hơn rất nhiều người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi có rủi ro cao và những nhân viên y tế tuyến đầu? Lẽ nào bệnh viện không tìm ra được bất kỳ người cao tuổi, người bệnh mãn tính hay nhân viên y tế nào để tiếp nhận 2 liều vaccine lẻ đó?
Trong bối cảnh số người tử vong lên đến hàng trăm bệnh nhân bị nặng ở TPHCM, những trường hợp như thế này rất dễ dẫn đến rủi ro mất niềm tin ở người dân vào chính sách của chính quyền. Khi người dân đã hy sinh để gánh chịu khó khăn do giãn cách xã hội chặt chẽ gây ra, và khi nhiều người đóng góp tiền vào quỹ vaccine, họ mong muốn nhìn thấy một tiến trình phân phối vaccine hợp lý và công bằng. 
Chen hàng tiêm vaccine không những vô đạo đức và ích kỷ, mà nó còn gây tổn hại đến niềm tin vào chính sách quý giá Nhà nước rất đang cần. Cách để hạn chế tình trạng này là phải răn đe thật nặng những trường hợp vi phạm.

Các tin khác