Câu chuyện cuối năm

Từ khi cậu em chuyển nhà từ quận 7 sang quận Thủ Đức, bận nên chưa có dịp sang thăm, tới bữa ngày cùng tháng kiệt của năm 2015, mới có thời gian sang đó ngồi lai rai. Đi qua cầu Gò Dưa, rẽ vào đường Linh Đông có đoạn ngập triều cường, tiếp tục quẹo trái, đã thấy thấp thoáng cảnh làng quê, thấp thoáng mái chùa Từ Thuyền. Men hàng bông bụt hoa nở đỏ như thắp đèn, hóa ra cư ngụ ngay bên chùa Lành. Thì cũng đã qua cái tuổi “tứ thập bất hoặc” rồi, chẳng có gì phải ngạc nhiên. Nhưng cái vẫn đáng ngạc nhiên là khuôn viên ẩn dật của ông chủ đất cậu em mua ngay sát cạnh. Một cựu binh hồi Mậu Thân mà cậu em có lần kể sơ sơ nghe như một huyền thoại. Giờ ông ấy đang trước mặt, nở nụ cười chào đón. Và chỉ một loáng, cuộc nhậu cuối năm đã được gầy độ với các món nhâm nhi kiểu “Bắc kỳ” như nem tai, giả cầy, canh chua cá chép, lạc rang quắt vỏ lụa... Nhưng món nhậu ngon nhất của cuộc tất niên dương lịch này chính là câu chuyện của ông chủ đất và ca sĩ Tiến Dũng. Hóa ra họ đều là lính R xưa, lính sư 7

Từ khi cậu em chuyển nhà từ quận 7 sang quận Thủ Đức, bận nên chưa có dịp sang thăm, tới bữa ngày cùng tháng kiệt của năm 2015, mới có thời gian sang đó ngồi lai rai. Đi qua cầu Gò Dưa, rẽ vào đường Linh Đông có đoạn ngập triều cường, tiếp tục quẹo trái, đã thấy thấp thoáng cảnh làng quê, thấp thoáng mái chùa Từ Thuyền. Men hàng bông bụt hoa nở đỏ như thắp đèn, hóa ra cư ngụ ngay bên chùa Lành. Thì cũng đã qua cái tuổi “tứ thập bất hoặc” rồi, chẳng có gì phải ngạc nhiên. Nhưng cái vẫn đáng ngạc nhiên là khuôn viên ẩn dật của ông chủ đất cậu em mua ngay sát cạnh. Một cựu binh hồi Mậu Thân mà cậu em có lần kể sơ sơ nghe như một huyền thoại. Giờ ông ấy đang trước mặt, nở nụ cười chào đón. Và chỉ một loáng, cuộc nhậu cuối năm đã được gầy độ với các món nhâm nhi kiểu “Bắc kỳ” như nem tai, giả cầy, canh chua cá chép, lạc rang quắt vỏ lụa... Nhưng món nhậu ngon nhất của cuộc tất niên dương lịch này chính là câu chuyện của ông chủ đất và ca sĩ Tiến Dũng. Hóa ra họ đều là lính R xưa, lính sư 7 của tướng “hùm xám miền Đông” Lê Nam Phong. Chỉ có khác ông chủ đất là lính Mậu Thân 68, còn ca sĩ Tiến Dũng là lính Ất Mão 75.

Hóa ra ông chủ đất Trần Ngọc Vinh là dân Hà Nội gộc - dân Hàng Cân. Trên bức tường phòng nhậu có treo bốn bức ảnh: Chùa Một Cột, Hồ Gươm, Cầu Long Biên và chợ Đồng Xuân. Nhưng nếu chỉ có bốn bức ảnh thì ai yêu Hà Nội cũng có thể có. Bức ảnh bà mẹ mặc áo dài, tóc vấn đang bế con toát lên một vẻ đẹp thanh lịch của Hà Nội xưa, mà ông Vinh thở dài nói với tôi: “Đã hơn 60 năm rồi đấy anh ạ!” mới đủ chứng thực Trần Ngọc Vinh thực thụ là “trai đất Thánh”. Thêm nữa, cái dáng đi luôn gợi lên hình ảnh của một cậu bé sắp sửa trèo me, trèo sấu, nhảy tàu điện mà Vinh cứ đi về giữa bếp và phòng nhậu, khiến ta thấy trúng phóc một gã “cao bồi phố cổ”.

Trần Ngọc Vinh sinh năm Canh Dần 1950, tốt nghiệp phổ thông Chu Văn An là “lộn trái mình thành lính” ngày vào mùa thu 1967, thành lính ở tuổi 17 thì nói theo cách nói ngày ấy là Nhà nước “vay tuổi”. Huấn luyện 3 tháng ở Chi Nê, Hòa Bình xong là vượt Trường Sơn vào tuốt tận B2 (trung ương cục, là R) và trở thành lính sư 7. Ở B2, lính thường nói: “Ăn sư 9, nhịn sư 5, nằm sư 7”. Cái ngày 31-12-1967, cách ngày chúng tôi ngồi nhậu bữa tất niên này 48 năm, khi nhạc sĩ Hoàng Việt hy sinh ở kênh A Ráp trước khi vượt sông Tiền sang lộ 4 về làng Thuận Hữu quê mẹ, thì Trần Ngọc Vinh đang được cấp tốc huấn luyện trong đội hình sư 7 để chuẩn bị vào cuộc chơi “rung chuyển đường phố Sài Gòn” (lời trong bài hát “Sài Gòn quật khởi” của Hồ Bắc) hồi Tết Mậu Thân 1968.

Qua nhiều năm thanh bình, nhìn lại cuộc chiến, mới thấy với những người lính miền Bắc chúng tôi, nếu ai có thân nhân ở miền Nam, trước khi “đi B”, bố mẹ đều dặn dò, nhắn nhe nếu có điều kiện hãy tìm gặp. Đối đầu thì vẫn đối đầu, nhưng tình họ hàng, làng xóm vẫn là tình họ hàng làng xóm. Vì thế, trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968, đơn vị của Trần Ngọc Vinh đánh vào Bà Quẹo. Ngay sau đợt đầu, ông Vinh bị kẹt lại Sài Gòn. Theo thư chỉ dẫn của ông Sáu Phùng, ông Vinh đã tìm đến nhà con gái ông là chị Trần Thị Xuân - một thủ lĩnh Thiên Nga. Chị em gặp nhau mừng tủi. Cái tình đã giúp cho những người “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, vượt qua mọi trở ngại để che chở cho nhau trong mọi hoàn cảnh éo le nhất. Không chỉ riêng người thân, hồi ấy, nhiều người lính miền Bắc bị kẹt lại Sài Gòn đã được bà con Sài Gòn che chở và tìm cách đưa trả lại R.

Ông Vinh và ca sĩ Tiến Dũng (ôm đàn). 

Ông Vinh và ca sĩ Tiến Dũng (ôm đàn).

Nhờ có bà Xuân bảo lãnh ông Vinh sống yên ổn tại Sài Gòn. Cuối 1969, ông Vinh tìm ra R theo đường Tây Ninh. Do chấn thương từ hồi Mậu Thân, ông được đưa ra Bắc dưỡng bệnh mấy tháng, sau đó lại trở về sư 7 làm trợ lý chính trị. Sau ngày thống nhất, năm 1976 ông Vinh phục viên, chuyển sang kinh doanh. Vốn là người nhanh nhạy, tháo vát, ông Vinh đã tìm cách đưa cá miền Tây ra bán cho chợ Bắc Qua, Hà Nội. Kinh doanh được, năm 1977, ông đưa bố mẹ vào Sài Gòn hưởng tuổi già. Ông mua đất ở Thủ Đức từ rất sớm nên rất rẻ. Đến nay, ông đã bán hết cho mọi người trong đó có cậu em ruột. Ông chỉ giữ lại một khoảng cho mình đủ ẩn dật.

Câu chuyện của ca sĩ Tiến Dũng, cũng là một cựu binh sư 7 - lại là một câu chuyện khác và cũng rất lạ lùng. Tiến Dũng là người Quảng Yên, sinh năm 1957 (kém ông Vinh 7 tuổi). Năm 1974, cũng như ông Vinh, anh đi bộ đội ở diện “Nhà nước vay tuổi”. Nhờ có giọng hát do học thầy Dương Phú ở Bungaria về, khi vượt Trường Sơn vào sư 7, anh được điều về văn công sư đoàn. Sau ngày 30-4-1975, anh ở lại Sài Gòn tự học thêm guitare và được thầy Trần Văn Phú chỉ dẫn. Có thời kỳ, anh học thêm thanh nhạc ở Nhạc viện TPHCM, sau đó được ca sĩ Tường Vi đưa về Đoàn ca múa Quân đội mấy năm. Anh lấy vợ cũng là một cán bộ quân đội người miền Bắc. Hai vợ chồng sinh được hai con trai, nhưng do không có được sự đồng cảm về nghệ thuật của người vợ chuyên kinh doanh rượu ở phố Hải Triều, hai người chia tay nhau. Anh tham gia Đoàn ca múa Cựu chiến binh TPHCM do NSƯT Thanh Đính phụ trách. Đang vất vưởng sống nhờ bạn bè, anh được Tổng giám đốc Công ty Sơn Joton đưa về làm kênh truyền hình SNTV của công ty. Ở SNTV, anh thầm yêu một nhân viên kế toán và họ nhanh chóng kết hôn năm 2009. Năm 2010 người vợ mới đẻ cho anh một cậu con trai. Khi SNTV được kênh Today TV mua lại cả hai vợ chồng anh tiếp tục làm việc cho Today TV. Vợ trước của anh là con cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn vợ hiện tại là con một đại úy Việt Nam Cộng hòa, sau mấy năm học tập sang định cư ở Australia. Ông nhạc anh có một người bạn rất thân cùng đơn vị, nhưng người bạn ấy chính là tình báo quân đội ta được cài vào. Sau giải phóng, ông nhạc anh mới biết điều đó song họ vẫn chơi thân với nhau cho đến tận bây giờ. Họ cũng là những người tham gia Mậu Thân 1968 như ông Vinh.

Chuyện trò qua lại về sư 7, về những người chỉ huy và những người đồng đội giữa hai cựu lính sư 7 càng lúc càng nồng bởi những ly cognac thơm lựng mùi nho. Rồi chúng tôi cùng nhau hát lại những bài hát thời thanh niên sôi nổi. Ông Vinh không phải là ca sĩ nhưng có cái tai thẩm âm rất tinh tế. Ông say sưa hát “Khúc hát nắng Sôn Vây” của nhạc sỹ Grich (Nauy), rồi hát “Cây thùy dương” của Nga trên phần đệm guitare của Tiến Dũng và thêm tiếng vĩ cầm của nhạc sĩ trẻ Phạm Minh Tuấn. Còn Tiến Dũng sau khi hát “Tình ca” để tưởng nhớ 48 năm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Việt thì hát luôn một sáng tác của anh mang tên “Thềm xưa” - bài hát được anh viết sau khi rời bỏ người vợ đầu, lang thang trên đường phố Sài Gòn, chợt nhớ về cái thềm nhà mình ở Quảng Yên mà mãi mãi không bao giờ trở về được: “Biết bao giờ mới trở lại thềm xưa/ Nghe lại thấy tiếng cây tre già xõa tóc bên thềm…”. Ông Vinh nghe giai điệu, mắt rơm rớm. Ông nói chính vì để đỡ nhớ đồng bằng Bắc bộ mà ông chọn Thủ Đức làm nơi ẩn dật để được ngửi mùi phân bò hoang hoải trong gió chiều, để được nghe tiếng tàu chạy, tiếng máy bay mà ngỡ mình đang phiêu du về Hà Nội. Rồi ông cùng Tiến Dũng hát say sưa bài “Sư 7 ca”: “Vinh quang thay sư đoàn chiến thắng - đang xông lên dưới cờ quyết thắng…” khiến buổi tụ quần tất niên dương lịch trước khi bước sang năm Bính Thân 2016 càng lúc càng nồng đượm, càng lúc càng không dứt.

Các tin khác