Cán bộ giàu nhanh có vi phạm đạo đức?

(ĐTTCO) - Khi công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh, hàng trăm cán bộ bị xử lý nghiêm khắc, trong đó có những người còn đương chức và những người đã nghỉ hưu. Vì sao những người được xã hội trọng vọng lại nói một đằng làm một nẻo? 
Qua các đại án được phanh phui, mới thấy rằng không ít kẻ giữ chức vụ chủ chốt chỉ tính toán cho quyền lợi và bổng lộc của cá nhân và gia đình, mà bỏ mặc danh dự và liêm sỉ.
Khi một vị trí lãnh đạo chỉ mới quan tâm điều kiện cần là tiêu chuẩn cán bộ, chưa cân nhắc điều kiện đủ là đạo đức quan trường, lập tức tạo ra vùng đệm khuất tất cho các loại chạy: chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu… Tệ nạn ấy, tuy bước đầu đã được nhận diện và ngăn chặn, nhưng vẫn còn hoành hành với những biến tướng phức tạp. Và một khái niệm mới mẻ được hình thành là “tham nhũng trong công tác cán bộ”.
Cán bộ giàu nhanh có vi phạm đạo đức? ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Văn Giang, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích: “Nếu tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, còn tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại tham nhũng quyền lực, tham nhũng quan hệ, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, đơn cử như những chuyện cả họ làm quan, cả nhà làm quan, nâng đỡ không trong sáng…”. 
Thực ra cái lợi người ta nhận được ở đây suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất, nhưng biểu hiện ra lại là lợi ích phi vật chất. Tuy nhiên, về bản chất những hành vi, hiện tượng đó vẫn là tham nhũng, vì đều là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, vi phạm kỷ luật của Đảng, gây hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn. 
Thực tế cho thấy tham nhũng trong công tác cán bộ diễn ra ở nhiều khâu của công tác cán bộ với rất nhiều cách thức từ đơn giản, trắng trợn đến tinh vi; từ dễ nhận thấy đến mập mờ tốt xấu, đúng sai không dễ nhận ra. Để mỗi cái ghế không chông chênh giữa tiêu chuẩn cán bộ và đạo đức quan trường, phải trông cậy vào hai yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình, với vai trò chịu trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu mỗi cơ quan, mỗi đơn vị. Thứ hai, phát huy khả năng giám sát xã hội, với tai mắt tinh tường của quần chúng và ý chí đấu tranh đẩy lùi tiêu cực của nhân dân. 
Đối tượng đáng e ngại nhất trong công tác cán bộ, chính là những người có biểu hiện giàu nhanh. Dường như càng ngày càng thưa vắng những tấm gương cán bộ có lối sống giản dị và thanh đạm. Thậm chí, nhiều cán bộ không hề che giấu lối sống phô trương với biệt thự lộng lẫy, biệt phủ xa hoa. Cán bộ không trực tiếp sản xuất hàng hóa, không trực tiếp giao dịch thương mại, cách nào có được gia sản kếch xù như vậy? Có không ít lời giải thích về nguồn gốc tài chính nghe rất buồn cười như “buôn chổi đót” hoặc “chạy xe ôm” và cả sự biện minh ê chề “làm thối móng tay”.
Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, Bộ Chính trị quy định không để người có mối quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan, như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp… Quy định 205-QĐ/TW được xem là cơ sở để gìn giữ đạo đức quan trường. 
Bất cứ thời đại nào cũng cần quan chức trong sạch để nuôi dưỡng sự lương thiện và sự tử tế cho cộng đồng. Bức tranh thịnh vượng của nền kinh tế phải dựa trên thu nhập của đại đa số người lao động, không phải căn cứ vào cán bộ có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều xe. Sự giàu có luôn đáng khuyến khích, nhưng sự giàu có do lạm dụng quyền lực để vơ vét và đục khoét không thể chấp nhận. Nghịch lý hơn, khi ở địa phương nghèo khó cán bộ lại giàu có một cách bất minh.

Các tin khác