Bình thường mới và những biểu hiện không bình thường

(ĐTTCO) - Với những biện pháp đúng đắn và mạnh mẽ của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã được khống chế hiệu quả tại nước ta. Bây giờ, cộng đồng tràn đầy lạc quan bước vào trạng thái bình thường mới để ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất. 

Thế nhưng, trớ trêu thay, sinh hoạt của người dân lại phải đối mặt với nhiều biểu hiện không bình thường.

Vừa hết cách ly, ai cũng háo hức quay về môi trường học tập và lao động một cách tích cực. Và cũng rất nhanh chóng, lực lượng cảnh sát giao thông triển khai tổng kiểm soát phương tiện giao thông trên toàn quốc, tạo ra cơn sốt mới trên thị trường bảo hiểm xe máy. Để tránh bị xử phạt hành chính, người dân đành phải hối hả tìm mua sản phẩm mà họ chưa hoàn toàn hài lòng về giá trị đích thực của nó.
Dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng chỉ trong nửa cuối tháng 5-2020, đã có hàng triệu giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy bắt buộc được bán ra. Các công ty bảo hiểm thu được khoản lợi nhuận lớn, mà không ai nghĩ ngợi xem chiếc xe máy vừa được mua bảo hiểm bắt buộc ấy bao nhiêu năm qua có mua bảo hiểm không? Nghĩa là một sản phẩm lâu nay có hay không cũng chẳng mấy người để ý, bỗng dưng được trang bị như một nhu yếu phẩm khi ra đường.  
Bình thường mới và những biểu hiện không bình thường ảnh 1
Chính ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thừa nhận thủ tục làm bồi thường đối với bảo hiểm xe máy bất cập và cần sửa đổi. Nghe mà ngậm ngùi! Một sản phẩm lỗi vẫn được tung ra thị trường một cách hồn nhiên như vậy ư? Một sản phẩm lỗi mà lại có cả chuyên đề kiểm soát để xử phạt những người không mua ư? 
Năm 2019, doanh thu bảo hiểm xe máy là 765 tỷ đồng, nhưng bồi thường chỉ vỏn vẹn 45 tỷ đồng. Đó là một sự chênh lệch kỷ lục, mặc dù tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn rất cao suốt thời gian qua. Ai chịu trách nhiệm cho loại hình bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu thu vào mà ít chịu chi ra này? Người dân có ý thức trách nhiệm cao đã vì sự “bắt buộc” để mua bảo hiểm xe máy đã thiệt đơn thiệt kép, thì đơn vị nào bồi thường cho họ, hoặc trả lại cho họ một sự công bằng trong quan hệ kẻ bán người mua? 
Trước sự kêu ca của quần chúng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có thông báo hỏa tốc số 349/TB-BTC để yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP) trong tháng 5-2020 để Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Theo tiêu chí của Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra, thì dự thảo mới cần theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, tăng cường giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm. Đồng thời, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phải khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề, chú trọng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe môtô, xe gắn máy, thời kỳ 2018-2019 đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn.
Trường hợp các đoàn kiểm tra phát hiện hoặc qua công tác rà soát phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm hành chính, thì đề nghị lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Rõ ràng, giữa quyền lợi và trách nhiệm của sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc, đã không tương đồng. Thế nhưng, nhận ra lỗ hổng ấy mà vẫn tiếp tục thúc ép chủ phương tiện phải mua bảo hiểm xe máy thì oái oăm quá, nghịch lý quá. 
Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, đưa ra giải pháp: Chúng ta nên triển khai loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự điều khiển phương tiện giao thông, thay vì là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Theo đó, người dân tham gia bảo hiểm với các thông tin cá nhân chứ không phải là thông tin trên cà vẹt xe.
Vì nhiều trường hợp người gây tai nạn không phải là chủ xe. Từ đó, dựa vào lịch sử liên quan đến các sự kiện tai nạn giao thông của một người, công ty bảo hiểm sẽ đánh giá rủi ro và đưa ra mức phí phù hợp. Điều này cũng khắc phục được cả vấn đề xe không chính chủ cũng như sẽ quản lý được vấn đề định phí bảo hiểm theo rủi ro trách nhiệm cá nhân. Chúng ta cũng nên tạm ngừng chương trình kiểm tra bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy và xử phạt.
Thay vào đó nên tập trung cho công tác tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân hiểu tác dụng của bảo hiểm và cách thức bảo vệ quyền lợi của mình. Cần yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi hình thức triển khai loại hình bảo hiểm này bằng các trạm tư vấn và cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
Không để tình trạng người người, nhà nhà tràn ra đường bán bảo hiểm xe máy mà không hiểu gì hết về bảo hiểm như hiện nay. Đồng thời, nên lập trung tâm hỗ trợ và giám sát bồi thường bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới để đảm bảo người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự có được sự hỗ trợ cần thiết. Việc này là cực kỳ cần thiết để người tham gia bảo hiểm có nơi bấu víu vào khi xảy ra tai nạn.
Chưa hết hoang mang vì bảo hiểm xe máy bắt buộc, người dân lại một phen sửng sốt vì nhiều cây xăng găm hàng chờ… tăng giá. Sau nhiều đợt giảm giá xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua, giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trở lại. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã treo biển “hết hàng” hoặc bán ra nhỏ giọt, với lý do không mua đủ số lượng xăng theo nhu cầu từ các thương nhân đầu mối. Đây là một điều khó hiểu, bởi lẽ hai nhà máy lọc dầu và nhiều doanh nghiệp đầu mối kêu lỗ lớn vì tồn kho cao. 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tuyên bố cử các đoàn thanh tra làm việc với doanh nghiệp đầu mối, kiểm tra tại nguồn và hợp đồng giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối, đại lý, theo nguyên tắc đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối hàng hóa. 
Với tư cách Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam -PVOIL, ông Cao Hoài Dương, khẳng định vẫn đang cung cấp đủ số lượng cho các doanh nghiệp bán lẻ, và phân tích: “Các cây xăng thường nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau vì lợi nhuận. Khi không thể nhập được các nguồn khác, đại lý quay lại đơn vị đầu mối đã ký hợp đồng, khi đó nhu cầu tăng đột biến khiến doanh nghiệp khó để xoay xở”. 
Cũng may, trước hiện tượng trục lợi xăng dầu gây tâm lý bất ổn cho người dân, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Hợp tác xã Láng Hạ tại địa chỉ số 95 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và nhận thấy có dấu hiệu găm hàng, không bán.Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng kinh doanh có 3 cột bao gồm 6 vòi xăng E5 và xăng Ron 95.
Cửa hàng đang bán xăng E5 bình thường cho khách hàng, nhưng với xăng Ron 95 nhân viên bán hàng thông báo hết nên không bán. Tuy nhiên, đo bồn chứa thấy vẫn còn tới hơn 16 ngàn khối xăng Ron 95. Vậy là có một đơn vị bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng về hành vi “không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định”, cũng an ủi cho dư luận xôn xao.
Trạng thái bình thường mới của người dân đối diện với bảo hiểm xe máy bắt buộc và cơn khan hiếm xăng dầu ảo, cũng tạm nguôi ngoai để tiếp tục vượt qua những khó khăn từ hệ lụy Covid-19, thì lại dấy lên băn khoăn khác. Đó là dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ Giao thông-Vận tải vừa công bố, trong đó quy định môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải. Chưa bàn về hiệu quả môi trường của đề án này, chỉ thấy giữa ngổn ngang bao nhiêu nỗi lo sinh kế thời Covid-19, mà lại có quá nhiều biểu hiện không bình thường nhắm vào túi tiền eo hẹp của người dân hôm nay. 

Các tin khác