Báu vật của người lính

Có ai đó đã nói rằng, những người lính sau chiến tranh sống bằng ký ức. Đó là những ký ức hào hùng, thấm bao xương máu. Những kỷ vật của đồng đội, của thời chiến đấu kiên trung là báu vật của người lính. Với ký ức đó, họ chưa bao giờ sống cho mình mà luôn khắc khoải hướng về đồng đội. Đó là những báu vật cần phải giữ mãi cho thế hệ mai sau.

Có ai đó đã nói rằng, những người lính sau chiến tranh sống bằng ký ức. Đó là những ký ức hào hùng, thấm bao xương máu. Những kỷ vật của đồng đội, của thời chiến đấu kiên trung là báu vật của người lính. Với ký ức đó, họ chưa bao giờ sống cho mình mà luôn khắc khoải hướng về đồng đội. Đó là những báu vật cần phải giữ mãi cho thế hệ mai sau.

Những hy sinh thầm lặng

Như trong mỗi giấc ngủ của người lính, với cựu tù Phú Quốc Lâm Văn Bảng (Phú Xuyên, Hà Nội) hình ảnh những đồng đội luôn đứng quanh và mỉm cười. Ông nhớ lại, năm 1965, chàng thanh niên Lâm Văn Bảng mới 22 tuổi. Như bao thanh niên thời đó, ông đã viết tâm thư bằng máu xin được đi bộ đội. Sau nhiều lần gửi ông mới nhận được tin mừng. Sau 1 năm huấn luyện, ông được cử vào tăng cường cho Trung đoàn Bình Giã anh hùng tại chiến trường Đông Nam bộ ác liệt. Năm 1968, trong đợt tấn công thứ 2 chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân, ông bị thương nặng, đồng đội không kịp đưa thoát khỏi chiến trường. Ông bị địch bắt và biệt giam ở khám Chí Hòa.

“Lúc đó, tôi và các đồng đội bị thương nằm trên cáng, ai cũng quấn bông băng đầy người, hầu hết không thể di chuyển được. Vài hôm thì hệ thống cống các buồng giam bị tắc. Nước dềnh lên. Tiếp đó cơ man là chuột. Lúc đầu chuột cắn chân, tay, sau đến tai mũi. Đến giờ, mỗi lúc trái gió trở trời, tôi lại như nghe thấy tiếng kêu đau đớn của đồng đội...” - người lính già chậm rãi nói, mắt rưng rưng. Đó là kỷ niệm chắc chắn sẽ ám ảnh ông đến tận cuối đời.

4 năm, 8 tháng, 7 ngày ở trại tù Phú Quốc khét tiếng tàn bạo là những ký ức không thể nào quên với ông Lâm Văn Bảng. Đó là hình ảnh về những người đồng chí, đồng đội kiên cường bị địch tra tấn dã man trước khi nhắm mắt vẫn nhắn nhủ: “Hãy báo cáo với Đảng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí cố gắng đoàn kết đấu tranh đến cùng”. Vết thương ở chân vẫn còn nặng vì không được chữa trị, ông Bảng hàng ngày vẫn phải chống nạng đi điểm danh. Trong những lần như thế, ông phát hiện ra sơ hở của địch khi hàng ngày có 2 thùng phi củi được chuyển ra ngoài trại mà không bị kiểm tra. Ông báo cáo tổ chức, lên kế hoạch và cùng anh em trong trại giam thực hiện vượt ngục thành công. Lính Ngụy và chuyên gia Mỹ dù lùng sục thế nào cũng không phát hiện được dấu vết gì. Ông Bảng nhớ lại: “Lúc đó, tên thượng sĩ Nhất Nhu ác ôn (chuyên nhổ răng, đóng đinh vào chân, tra tấn anh em) bị kỷ luật, đình chỉ công tác 3 tháng. Anh em rất vui và thêm nhiều nghị lực đấu tranh. Là người lính, người Đảng viên, tôi luôn xác định một điều luôn phải trung kiên với Đảng”.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Sau chiến tranh ông Bảng về quê, làm việc trong ngành giao thông. Những vết thương chiến tranh làm ông phải đi viện cả năm trời. 7 lần bên bàn mổ với 15 vết thương lớn và phải cắt 1 quả thận. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ là điều xa xỉ với người thương binh chân đi khập khiễng. Thế nhưng, hạnh phúc cũng đến với ông cùng cô giáo làng (là em gái một bạn tù Phú Quốc). “Lúc đó, những cựu tù Phú Quốc rất khó lấy vợ vì ai cũng lo chúng tôi không còn sức khỏe vì sự độc ác của kẻ thù. Cũng may vợ tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi còn sống và hạnh phúc là nhờ đồng đội. Tôi nợ đồng chí, đồng đội rất nhiều, đó là những thứ không thể trả được...” - ông Bảng xúc động nhớ lại. Cũng từ tâm tư đó, năm 1985 đến 1994, ông Bảng cùng đồng đội đi khắp miền Tổ quốc để tìm kiếm và sưu tập hiện vật cho Nhà truyền thống lưu giữ hiện vật về những chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày do ông và đồng đội mở trên mảnh đất quê hương. Những chuyến đi ấy cũng khắc trong tim ông những kỷ niệm xúc động.

 Ông Lâm Văn Bảng bên những báu vật của người lính.

Ông Lâm Văn Bảng bên những báu vật của người lính. 

Năm 1997, ông Bảng tìm đến người đồng đội Nguyễn Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) - người lưu giữ hiện vật lá cờ Đảng trong trại tù Phú Quốc. Lá cờ nhỏ xíu chỉ bằng bao thuốc lá này đã chứng kiến bao lời thề son sắt, đã được những người tù chuyền tay nhau suốt nhiều năm, và cuối cùng được đồng chí Nguyễn Hồng Dương giữ. Mỗi lần địch lục soát, ông Dương lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi nilon, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Lúc an toàn lá cờ lại được kéo ra treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục. Ông Bảng thuyết phục nhiều lần để ông Dương đưa lá cờ Đảng vào trưng bày tại bảo tàng của mình nhưng không được. Bởi là báu vật quý giá nhất của ông Dương và gia đình. Ông Bảng kiên trì, cứ mỗi dịp cuối tuần lại đạp xe đến nhà ông Dương thuyết phục. Cuối cùng, cảm động trước tấm lòng của ông, ông Dương đã trao báu vật cả đời. Lúc trao lá cờ, ông Dương đã khóc, vợ con ông cũng khóc, ông Bảng cũng khóc...

Hay như trường hợp khác, năm 2006, ông Bảng và đồng đội tìm đến nhà ông Phong ở bản Nò Than, Yên Thế, Bắc Giang. Sau mấy tiếng trèo đèo, lội suối, cả đoàn vào đến nhà ông Phong đúng giờ cơm trưa. Ai cũng lặng đi vì không tưởng tượng được cuộc sống của đồng đội mình lại khổ đến thế. “Đó là ngôi nhà đặc biệt, ngồi trong nhà cũng có thể nhìn thẳng lên trời, nhìn ngang ra rừng. Và tài sản lớn nhất trong nhà là những lát gỗ xẻ vội vừa làm chỗ ngồi vừa làm giường” - ông Bảng nhớ như in. Người lính ấy có một người con nhiễm chất độc da cam, khi nhìn thấy đông người hoảng sợ bỏ chạy vào rừng. Những người lính năm nào cùng ăn bữa cơm với rau rừng chấm muối. Không ai bảo ai từng người dốc hết những gì mình có đến cả chiếc áo khoác cũng để lại cho đồng đội mình. Rời nhà ông Phong, cả đoàn đến làm việc với lãnh đạo huyện. Những người lính già chỉ mặc áo may ô vào làm việc với lãnh đạo huyện. Chỉ sau đó ít hôm, huyện Yên Thế đã tổ chức xây nhà tình nghĩa cho ông Phong. “Đồng đội tôi được ở trong ngôi nhà ấm cúng được 4 năm thì mất. Điều đó giúp chúng tôi vơi đi phần nào áy náy, khắc khoải vì chưa thể tri ân được những người đồng đội đáng kính, chưa bao giời đòi hỏi gì cho mình. Chúng tôi luôn muốn làm thêm nhiều việc nữa nữa để tri ân, tưởng nhớ đồng đội”.

Hiện Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt do cựu chiến binh Lâm Văn Bảng xây dựng trên khuôn viên gia đình rộng hơn 2.000m2, với hơn 3.000 hiện vật, hình ảnh ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đây là nơi lưu giữ những bằng chứng “sống” tố cáo tội ác chiến tranh cũng như ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của các cựu tù Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam. “Tôi mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư cho các bảo tàng tư nhân, vì còn nhiều hiện vật quý đang được Nhân dân lưu giữ. Chúng ta cần trân trọng để các kỷ vật sống lại và kể câu chuyện anh hùng để ghi mãi cho các thế hệ hôm nay và mai sau” - ông Bảng tâm sự.

Các tin khác