Bất cập quản lý cơ sở thẩm mỹ

(ĐTTCO) - Ngày 8-11, Sở Y tế TPHCM khẩn trương xác minh thêm trường hợp nữ bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở sau phẫu thuật khi thẩm mỹ tại phòng khám chuyên khoa. 
Các bác sĩ tại một ca phẫu thuật thẩm mỹ.
Các bác sĩ tại một ca phẫu thuật thẩm mỹ.
Đây là vụ tai biến sau thẩm mỹ mới nhất, sau 2 vụ tương tự vừa xảy tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam và Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, gây hoang mang dư luận. Nhiều chuyên gia lo ngại, công tác quản lý lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, bất cập hay đã có sự lơ là, bao che, trong khi thực tế nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng nhiều.
Bác sĩ thẩm mỹ chạy theo… kinh tế
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết chiều 8-11, Phòng Y tế quận 2, Công an quận 2 và Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiến hành điều tra làm rõ vụ nữ bệnh nhân N.T.D. (28 tuổi, ngụ TPHCM) bị ngưng tim, ngưng thở sau khi làm đẹp tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn phường Thảo Điền. Được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Quận 2, bệnh nhân D. được chẩn đoán sốc phản vệ kháng sinh chưa rõ loại, được tích cực điều trị nhưng tình trạng vẫn nguy kịch, khó lường nên tiếp tục được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để xảy ra tai biến không đáng là lỗi không chỉ của cá nhân bác sĩ mà còn là lỗi quy trình của cơ sở thẩm mỹ. “Thực tế có nhiều bác sĩ trong lĩnh vực thẩm mỹ chưa coi trọng bệnh nhân, chưa hết lòng với bệnh nhân như các bác sĩ điều trị khác.
Thậm chí, thời gian theo dõi bệnh nhân trước và sau phẫu thuật cũng bị lơ là, bỏ qua, khiến tai biến thẩm mỹ không đáng có dễ xảy ra. Ngoài chuyên môn y khoa thì lĩnh vực thẩm mỹ bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế”, bác sĩ Lê Hành nhìn nhận.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TPHCM), có nhiều nguyên nhân gây ra các tai biến trong thẩm mỹ như: không khai thác tiền sử, bệnh sử của người bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Thậm chí nhiều cơ sở khi thực hiện thẩm mỹ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã bỏ qua việc khai thác kỳ kinh cuối của khách hàng, không kiểm tra tình trạng mang thai, dẫn đến việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho cả phụ nữ đang mang thai như trường hợp hút mỡ bụng cho thai phụ mới xảy ra gần đây. “Khi xảy ra các tình huống nguy cấp, nhiều cơ sở không kích hoạt báo động đỏ lên tuyến trên mà tự xử lý, đến khi chuyển người bệnh lên tuyến trên thì đã quá muộn, không thể cứu được”, bà Thoa cho hay.
Có buông lỏng quản lý?
Bác sĩ Lê Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TPHCM), cho biết trên địa bàn thành phố  hiện có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và gần 1.400 cơ sở chăm sóc da, spa. Các cơ sở chăm sóc da, spa thường quảng cáo tràn lan trên nhiều phương tiện khiến khách hàng dễ dàng tìm đến làm thẩm mỹ.
“Khi cấp phép hoạt động cho các đơn vị, chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, Sở Y tế sẽ thực hiện hậu kiểm. Tuy nhiên, cái khó trong công tác thanh tra là theo Luật Doanh nghiệp, trước khi đi thanh tra phải thông báo bằng văn bản cho các cơ sở. Trừ khi phát hiện có hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh, tố cáo, lập đoàn thanh tra đột xuất thì mới vào được đơn vị. Việc phát hiện các phòng khám thực hiện kỹ thuật ngoài danh mục được cấp phép là không dễ dàng”, ông Hùng phân tích. 
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng phòng Y tế quận 10, hiện trên địa bàn quận có hàng trăm cơ sở spa, thẩm mỹ. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động các cơ sở này là đơn vị trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động của ngành y tế địa phương đang tồn tại nhiều bất cập khi lực lượng chuyên trách quá mỏng, việc thanh tra, kiểm tra gặp khá nhiều khó khăn.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Phòng Y tế quận mới chỉ kiểm tra 4 cơ sở, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 8 cơ sở, xử phạt 14 cơ sở, với số tiền trên 400 triệu đồng. Lý giải về việc gặp khó trong vấn đề quản lý và xử lý vi phạm, bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên cho rằng hiện phòng chỉ có một bác sĩ, một dược sĩ, trong khi số lượng cơ sở ngày càng phát triển nhanh, nên để tiến hành kiểm tra thường xuyên là không thể. 
Thực tế cho thấy, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp thường gắn với dịch vụ thủ thuật tạo hình, nên thường liên kết với bác sĩ từ các cơ sở y tế bên ngoài thực hiện phẫu thuật chui. Tuy nhiên, do công tác quản lý của ngành y tế hiện còn quá nhiều lỗ hổng, bất cập nên e rằng sẽ còn không ít trường hợp tai biến đáng tiếc xảy ra do làm đẹp!
 Tại Hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM năm 2019 do Sở Y tế TPHCM tổ chức, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng để xảy ra tai biến thẩm mỹ là do sự chủ quan của các cơ sở thẩm mỹ. Đây cũng chính là thách thức cho các nhà quản lý, từ phòng y tế quận huyện đến Sở Y tế TPHCM. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, thậm chí lực lượng Thanh tra Sở Y tế sẽ “đóng giả” người dân để tiếp cận các cơ sở thẩm mỹ vi phạm quy định pháp luật.
Sở Y tế TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra đột xuất các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ không phép trên toàn địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, tuyên truyền hướng dẫn người hoạt động về lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ… thực hiện đúng quy định của pháp luật. Dự kiến, cuộc kiểm tra kéo dài từ nay đến hết ngày 4-12.

Các tin khác