Bán bún bò Huế phải xin phép?

(ĐTTCO) - Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” nhiều người băn khoăn, thắc mắc phải chăng muốn bán bún bò Huế thì phải xin phép?

(ĐTTCO) - Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” nhiều người băn khoăn, thắc mắc phải chăng muốn bán bún bò Huế thì phải xin phép?

Ngày 13.7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế”.

Nhãn hiệu tập thể

Theo đó, nhãn hiệu “Bún bò Huế” được nêu ở trên là một nhãn hiệu tập thể do UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thiết kế và đăng ký bảo hộ. Mẫu của nhãn hiệu chứng nhận gồm chữ “Bún bò Huế” và hình được thể hiện bằng logo nhận diện riêng.

Nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” là nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, do UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế làm chủ sở hữu và giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế quản lý.

Theo quy chế, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” như logo nhãn hiệu trên, phải đăng ký với Hiệp hội Du lịch Huế để xin được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống muốn sử dụng nhãn hiệu này thì phải đáp ứng các điều kiện sau: có hoạt động chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế; được cơ quan có thẩm quyền xác nhận công bố tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở khung của sản phẩm bún bò Huế; được chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và cung cấp dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật; sản phẩm, dịch vụ bảo đảm các tiêu chí chứng nhận; cam kết thực hiện đúng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”, có trách nhiệm gìn giữ, nâng cao uy tín, giá trị của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”.

Sau khi được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu, các tổ chức và cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” dùng cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quy chế; được gắn nhãn hiệu chứng nhận trên biển hiệu, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo do mình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận.

Tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” có trách nhiệm: sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” đúng theo mẫu được quy định; chỉ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” cho sản phẩm bún bò Huế và hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống đối với sản phẩm bún bò Huế; nộp chi phí cho việc thực hiện các hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận.

Không ảnh hưởng đến người bán bún bò Huế

Về thắc mắc liệu sau khi quy chế này đi vào hoạt động, những người bán bún bò phải đăng ký mới được “buôn bán, kinh doanh”?

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên- Huế (đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế giao quản lý nhãn hiệu “Bún bò Huế) cho biết, việc sử dụng nhãn hiệu này mục đích xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong việc chế biến và cung cấp dịch vụ đối với sản phẩm bún bò Huế.

“Chỉ những ai muốn sử dụng logo của nhãn hiệu “Bún bò Huế” mới phải đăng ký và hoạt động theo tiêu chí của quy chế ban hành. Còn những người bán bún, kinh doanh bún bò Huế bình thường, nếu không có như cầu sử dụng logo nhãn hiệu tập thể của UBND tỉnh thì vẫn hoạt động bình thường không ảnh hưởng gì cả”- ông Thắng nói.

“Cũng giống như các quán cà phê, nếu ai bán cà phê Trung Nguyên thì phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của Trung Nguyên, hay tiệm phở nào sử dụng nhãn hiệu Phở 24 thì phải đảm bảo các yêu cầu của Phở 24… còn lại thì các quán cà phê, quán phở khác không sử dụng nhãn hiệu đó thì vẫn hoạt động bình thường”- ông Thắng khẳng định. 

Các tin khác