SUMIDA - Dòng gốm phù điêu kể chuyện dân gian

(ĐTTCO) - Sumida (すみだ) là dòng gốm Nhật đắp nổi men những phù điêu  kể chuyện dân gian Nhật Bản và trở nên nổi tiếng thế giới từ khoảng năm 1895 đến 1920. Gốm Sumida-gawa yaki (隅田 焼) do nghệ nhân Inoue Ryōsai I (井上 良斎, sinh 1828) khởi xướng, và làm theo đơn đặt hàng cho riêng người Mỹ sưu tầm. 

SUMIDA - Dòng gốm phù điêu kể chuyện dân gian ảnh 1 Hình 1.
SUMIDA - Dòng gốm phù điêu kể chuyện dân gian ảnh 2 Hình 2.
SUMIDA - Dòng gốm phù điêu kể chuyện dân gian ảnh 3 Hình 3.
SUMIDA - Dòng gốm phù điêu kể chuyện dân gian ảnh 4 Hình 4.
SUMIDA - Dòng gốm phù điêu kể chuyện dân gian ảnh 5 Hình 5.
Sumida (すみだ) là dòng gốm Nhật đắp nổi men những phù điêu  kể chuyện dân gian Nhật Bản và trở nên nổi tiếng thế giới từ khoảng năm 1895 đến 1920. Gốm Sumida-gawa yaki (隅田 焼) do nghệ nhân Inoue Ryōsai I (井上 良斎, sinh 1828) khởi xướng, và làm theo đơn đặt hàng cho riêng người Mỹ sưu tầm. 
Đặc trưng của dòng gốm Phù điêu Sumida
Là một nghệ nhân chuyên dòng sứ vẽ men nổi cobalt xanh 3D cực khó trên các trân ngoạn phẩm Seto Celadon (瀬戸 青瓷) từ khoảng 1875 đến 1900 ở Tokyo, Inoue Ryōsai I sáng tạo phong cách vẽ riêng trên các hình gốm phủ men, rồi dán áp các mảnh này lên phần thân nung mộc. Dòng gốm 3D chính thức mang tên vùng sông Sumida chảy qua khu gốm Asakusa, ngoại vi Tokyo kể từ năm 1890.
Tác phẩm luôn được chia ước lệ thành ba phần: thân gốm nung thô hoặc sơn màu đen, xanh thẫm hay đỏ cam từ đáy đến giữa thân vật phẩm; phần tráng men tro hỏa biến với/trên hai màu kết rèm liền lạc hay chảy đóng giọt thạch nhũ như trôi từ miệng xuống; chính ở giữa là hình ảnh nội dung tác giả muốn thể hiện bằng phù điêu mảnh ghép phủ men sứ. 
Thông thường, Sumida được nghệ nhân tô điểm bằng hình nhân, tạo vật hay một mảng ghép phong cảnh tráng men với các mảnh hình chậu, hồ lô may mắn có chữ ký viết tay, mang triết lý hội nhập kỹ thuật men Tây - Tàu vào gốm thô Nhật, để kể chuyện dân gian hết sức bình dị: Mẹ chồng nàng dâu, cha và con trai, trẻ nhỏ học bài - thả diều, chị em gái chơi trốn tìm, khỉ hái đào, nam nữ trong lễ hội đua thuyền, con rồng thủy quái hay ngọn Fuji mênh mang tuyết phủ… nhưng thường không quá 5 nhân vật cùng các trang trí phong cảnh hay hoa điểu trên bề mặt gốm. 
Tuy Sumida ra đời từ 1895, đáng lẽ phải đóng dấu triện đáy Kanji là "Dai Nippon" (tuân theo Đạo luật McKindle năm 1890 yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa nước ngoài mang vào Mỹ) hoặc phải được đánh dấu bằng tiếng Anh "Made in Japan" cho thị trường Mỹ và nước ngoài kể từ năm 1921, thì ngày nay chúng ta thấy rất nhiều sản phẩm hoàn toàn không có dấu hoặc chỉ có dấu tên nghệ nhân sản xuất mà thôi.
Bí mật ở chỗ, các sản phẩm được dán tem nhãn giấy khi nhập khẩu hoặc đã bị rửa trôi, bóc xé đi hoặc theo thời gian đã không còn ghi lại thông tin bắt buộc như xuất xứ ban đầu. Đây là một điều thú vị để người sành điệu phân biệt được đồ Nhật thật với đồ tương tự có tên Shiwan-ware (灣窯焼) không được ký triện của vùng sứ Cảnh Đức Trấn (景德镇, Jingdezhen), Trung Quốc.
Thưởng ngoạn và phân biệt Sumida qua 3 nghệ nhân nổi tiếng nhất
Từ kỷ nguyên Meiji (明治,1868-1912) đến Taisho (大正, 1912-1926) và qua Pre-war Showa (昭和戦前, 1926-WWII), ngoài nhà phát minh Sumida là nghệ nhân Inoue Ryōsai (井上良斎) và hai truyền nhân làm ra hầu hết sản phẩm cung ứng thị trường sưu tập, còn có các sản phẩm độc đáo của Hara Gozan (原 娪山), Ishiguro Kōko (石黒 香香), Sakurai Fuji (桜井富士) và cuối cùng là Senzan (舩山). Họ đã đưa gốm Sumida xóa nhòa cái tên Banko.
 
1.Nghệ nhân truyền thừa dòng Inoue Ryōsai I (井上良斎 ):
Bộ trà của Inoue Ryōsai: motif vòi rồng cổ điển gồm ấm trà, tống rót, hũ đường hay trà và sáu set chén đĩa tách có quai cầm (bộ bị bể một sét trà và mất tống rót). Toát yếu màu tối xanh đen chủ đạo được bao phủ trong một lớp men chuyển đổi dày đến miệng và vai bộ trà, phủ kín nắp ấm, hai bên thân được đặt trong bức phù điêu ba vị tiên thưởng thú vui đánh cờ.  
Chữ ký và triện 良斎 thường khắc chìm vào thân sản phẩm phần gốm nung hoặc đôi khi viết lên miếng phù điêu hình oval; nếu đủ bốn ký tự thường dùng lối viết chữ triện trên phù điêu có hình chiếc bình hoa tròn có cổ 井上良斎 (Inoue Ryōsai, hình 1) 

2.Nghệ nhân Hara Gozan (原 娪山):
Bộ bình chế rót cà phê 4 tách của nghệ nhân Hara Gozan có màu cam, men tro xanh đen phủ từ miệng xuống đến nửa quai bình và tách như thác nước, phù hợp cảnh mô tả chị em nô đùa chiết nghịch nước (hình 2). Riêng bộ trà tuy chỉ còn có một set trà, mô tả cảnh “tam đại đồng đường”, ông bà ban cho cháu những quả đào tiên thật ấm cúng tình thân tộc (hình 3). 
Cùng một triện hình Hồ lô, ký tên 娪 山, qua hai thời kỳ khác nhau đã cho thấy phần gốm nung ở bộ trà có sắc đỏ nhiều hơn, tùy thuộc vào lượng sắt trong đất sét hoặc phủ sơn màu sậm. Màu cam và đỏ chính thức được thêm vào đồ gốm để Sumida mang nhiều màu sắc hơn khi dòng gốm này di chuyển đến Yokohama kể từ năm 1924.

3.Nghệ nhân Ishiguro Kōko (石黒 香香): 
Phù điêu cùng lúc sử dụng ba màu đen, xanh rêu và trắng, nghệ nhân Ishiguro Kōko mô tả câu chuyện bốn đứa trẻ đồng tuổi đùa chơi hay bị bỏ rơi đầy biểu cảm nơi chiếc Giỏ cắm hoa 30cm  (hình 4) cũng tương đồng hình ảnh chị dắt em lên bậc thềm cẩn thận, khuôn mặt đầy tín tâm đắp dày bên hông Bình rót có quai cao 40cm (hình 5). Thực sự nổi bật nhờ ở hài hòa sắc màu với thân nung ổn định màu đỏ, nghệ nhân Kōko góp phần định hình vững chắc phong cách gốm Sumida những năm đầu thế kỷ 20 trước khi lụi tàn theo đà sụp đổ của đế quốc.
Theo các nhà sưu tập tổng hợp, triện Ishiguro Kōko được viết theo ba cách trên hình trái bầu hồ lô là 香香, 香々 và phổ biến nhất là 香 二 . Thực chất tên 香香 (Kōko) được tác giả viết theo lối Trung Hoa cổ khi lặp lại một ký tự là: 香二 (tạm đọc Ko-ji hay Ban-ni, theo như hướng dẫn triện này tại trang web tham khảo Gotheborg phổ biến). 

Các tin khác