Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma

(ĐTTCO) - Thiên hoàng Heisei (平成| Bình Thành, 1989-2019) là vị hoàng đế đầu tiên thoái vị khi đang tại thế trong vòng 200 năm qua, kể từ cuối thời kỳ Edo (1603-1867) do chính quyền Mạc phủ Tokugawa cai trị ở Nhật Bản. 

Ngày nay, dù vai trò Hoàng gia chỉ là biểu tượng, nhưng không quốc gia quân chủ lập hiến nào còn giữ được nguyên sự kính trọng Thiên hoàng như Nhật Bản. Sự kiện Thái thượng Thiên hoàng Heisei thoái vị nhường cho Thái tử Naruhito (徳仁| Đức Nhân) lên Ngôi Hoa Cúc, trở thành Thiên hoàng Reiwa (令和| Lệnh Hòa) tại Tokyo ngày 1-5-2019; được dâng “tam chủng thần khí” tuân thủ đủ lễ nghi truyền thống, cho thấy Chính phủ Nhật luôn thành kính và tín mộ Hoàng gia. 
Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma ảnh 1 Hình 4: Thái tử Thánh Đức. 
Có một điều thú vị mà ít người biết đến, đó là lịch sử Hoàng gia Nhật Bản đã được khắc họa trên gốm sứ Satsuma để lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Từ chiếc bình đèn phòng ngủ phong cách vẽ gốm Kyo-Satsuma, một huyền thoại lập quốc như hiện ra lung linh.
Một mặt, nghệ nhân vẽ toàn cảnh Cao thiên nguyên, Thái dương thần nữ đã bước ra khỏi Thiên Nham cung (hang trời), để soi vào chiếc gương đồng, sáng lên ánh hào quang Mặt trời rực rỡ. Nữ thần Amaterasu cử thần Gạo Inari Okami dưới hình dạng ông già và thiếu nữ, cùng hồ ly trắng kitsune xuống trần gian coi sóc lúa gạo, cây lương thực, trà, sake và dựng nên cửa nhà...
Thần Đất Sarutahiko-Okami hình thể to lớn, tay cầm thương giáo dài biểu trưng đất và sức mạnh thịnh vượng vững bền (hình 1). Mặt khác, mô tả Thái dương thần nữ cử thần Nigini-no-Mikoto mang các báu vật xuống trần gian bảo hộ con người và thiết lập nền cai trị (hình 2).
Dù Mạc Phủ cho mở cửa hạn chế từ năm 1854 dưới sức ép của Mỹ, nhưng người Nhật tranh thủ thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan (East India Company) xuất khẩu trà sang châu Âu, vào Mỹ. Thời Minh Trị, văn hóa trà ẩm với trà cụ bằng gốm sứ hoa mỹ chinh phục tuyệt đối bàn ăn, đáp ứng chuẩn thị hiếu mỹ thuật rất cao của phương Tây.
Một nước Nhật vùng viễn Đông châu Á xa xôi nhưng quốc hiệu Đại Nhật Bản (大日本) luôn trong “tầm tay, tầm mắt” người phương Tây, góp phần không nhỏ vào truyền bá văn hóa dân tộc và thúc đẩy kinh tế phát triển thịnh vượng (hình 3).
Ba đức tính “dũng cảm, sáng suốt và nhân từ” của Hoàng gia, có thể chứng nghiệm theo dòng chảy lịch sử, văn hóa Nhật Bản thông qua bức tượng gốm nung Satsuma độc bản là hóa thân khoan hòa, thịnh vượng của Thánh đức Thái tử trong tư thế ngồi kiết già với đầy đủ tướng tốt của Đức Phật Thích ca Mâu Ni (hình 4). 
Quyết định Thiên hoàng Minh Trị cùng đoàn tùy tùng rước lễ trọng thể vào Hoàng cung mới ở Edo ngày 26-11-1868 sau 265 năm bị giới quân sự cát cứ chiếm quyền, là bước ngoặt lớn khẳng định quyền lực tuyệt đối Thiên hoàng vừa thống nhất thời đó (hình 5). 
Từ việc chọn ngày Tokyo tròn chẵn 130 năm, thủ đô quyền lực này luôn là nơi Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản muốn gửi những thông điệp chính trị quan trọng khắp thế giới mang nhiều ẩn ý như sự kiện khai mở kỷ nguyên Lệnh Hòa vừa qua.
Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma ảnh 2 Hình 1: Thái dương Thần nữ thể hiện sức mạnh vững bền. 
Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma ảnh 3 Hình 2: Thái dương Thần nữ bảo hộ con người và thiết lập nền cai trị. 
Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma ảnh 4 Hình 3: Thống nhất quân đội. 
Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma ảnh 5 Hình 3: Bộ trà Tây. 
Lịch sử Hoàng gia Nhật Bản trên gốm sứ Satsuma ảnh 6 Hình 5: Dời đô vào Edo. 

Các tin khác