Xa dần thỏa thuận hạt nhân

(ĐTTCO) - Bất chấp sự níu kéo của châu Âu, xem ra thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 - JCPOA) ngày càng xa vời. 

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 27-11 đã nêu ra khả năng kích hoạt một cơ chế trong JCPOA  có thể dẫn đến việc áp dụng các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc (LHQ). Báo chí Pháp dẫn lời ông Le Drian phát biểu trước Ủy ban đối ngoại của Quốc hội nước này cho rằng, Iran ngày càng coi thường các yếu tố của thỏa thuận và căng thẳng tiếp tục leo thang ở vùng Vịnh. 

Xa dần thỏa thuận hạt nhân ảnh 1 Iran đang tiến tới từ bỏ các giới hạn đã thỏa thuận cho các hoạt động hạt nhân của mình.

Kể từ tháng 5, Tehran đã thực hiện một số động thái khiến phương Tây lo ngại, đang tiến tới từ bỏ các giới hạn đã thỏa thuận cho các hoạt động hạt nhân của mình. Ông Le Drian tỏ ra bi quan trước những nỗ lực của Pháp nhằm cứu vãn JCPOA. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng tổ chức một cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rohani, nhưng cho đến nay không thành công.

Thêm vào đó, vào tháng 6, Iran giam giữ 2 nhà nghiên cứu người Pháp là nhà nhân chủng học Fariba Adelkah và Roland Marchal, càng làm Paris thất vọng. Cũng từ tháng 5, căng thẳng ở vùng Vịnh đã leo thang sau một loạt các cuộc tấn công vào tàu chở dầu mà Mỹ và đồng minh đổ lỗi cho Tehran. Iran đã phủ nhận các cáo buộc này. Tuy nhiên, Iran thừa nhận đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6, với cáo buộc bay qua không phận nước này. Washington khẳng định máy bay đang ở trong không phận quốc tế.

Những nỗ lực của châu Âu nhằm bảo vệ Iran khỏi tác động các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách tìm cách tiếp tục buôn bán với nước cộng hòa Hồi giáo đã không mang lại kết quả nào. Liên minh châu Âu ngày càng lo ngại về quyết định của Tehran nhằm đẩy lùi các cam kết của mình, đặc biệt là bằng cách đẩy mạnh làm giàu uranium. Đầu tháng này, Đức cũng cảnh báo rằng cơ chế giải quyết mâu thuẫn trong JCPOA có thể được kích hoạt nếu Iran tiếp tục đi theo con đường này. Cơ chế này bao gồm các giai đoạn khác nhau có thể mất vài tháng trước khi Hội đồng Bảo an LHQ có thể quyết định áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Trong khi đó, tình hình Iran đang có nhiều bất ổn. Hàng ngàn người đã bị bắt giữ sau các cuộc bạo loạn chết người ở Iran. Chính phủ Iran tuyên bố một số người bị bắt đã được “CIA Mỹ đào tạo” dưới vỏ bọc nhà báo. Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng Mỹ đứng đằng sau các cuộc bạo loạn trong tháng này tại Iran. 

Sau khi rút khỏi JCPOA, Mỹ áp đặt lại lệnh cấm vận với Iran từ tháng 11-2018 với kỳ vọng kinh tế Iran sẽ sụp đổ trong vòng vài tháng. Lệnh trừng phạt thực sự đã làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Iran nhưng không có dấu hiệu sụp đổ. Thực sự, còn quá sớm để đo lường sự thành công trong biện pháp cấm vận của Washington. Chiến lược của Iran  đối phó với áp lực tối đa từ Mỹ là đưa ra sự kháng cự chủ động. Cho dù bất ổn, những cú sốc ban đầu đã được khắc phục và các chỉ số kinh tế cho thấy một triển vọng tích cực.

“Nền kinh tế Iran đã sống sót sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và đã có xu hướng ổn định sau một thời kỳ bất ổn”, Saeed Laylaz, nhà phân tích kinh tế chính trị của Iran nói.

“Chúng tôi đã vượt qua khủng hoảng”, Tổng thống Rouhani nói và cho rằng nền kinh tế Iran sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2020.

Các tin khác