Truy quét thuốc giả châu Á

(ĐTTCO) - Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol vừa bắt giữ được một khối lượng thuốc giả khổng lồ, trị giá khoảng 7 triệu USD, trong một chiến dịch nhắm vào 13 quốc gia châu Á.

(ĐTTCO) - Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol vừa bắt giữ được một khối lượng thuốc giả khổng lồ, trị giá khoảng 7 triệu USD, trong một chiến dịch nhắm vào 13 quốc gia châu Á.

Theo Straits Times, 87 người bị bắt giữ trong chiến dịch mang tên Storm VI, do Interpol tiến hành, phối hợp với cảnh sát quốc gia sở tại. Chiến dịch diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Malaysia... Hơn 500 cửa hàng dược phẩm và khoảng 100 địa chỉ trên mạng đã bị cảnh sát điều tra. Thuốc kháng sinh, chống tăng huyết áp, thuốc chữa rối loạn sinh lý nam giới, thuốc giảm cân nằm trong số các dược phẩm giả phổ biến nhất.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), quy mô của nạn buôn bán dược phẩm giả mạo rất khó xác định. Dược phẩm giả lộng hành tại một số nước châu Á, Mỹ Latin và đặc biệt châu Phi, những khu vực hệ thống quy định kiểm soát dược phẩm và việc thực thi yếu nhất. WHO đưa ra con số khoảng 10% dược phẩm được lưu hành trên thế giới là hàng giả. Thuốc giả là thủ phạm trực tiếp hoặc gián tiếp khiến khoảng 800.000 người tử vong hàng năm. Tỷ lệ thuốc giả tại các nước đang phát triển ước tính 30%, trong khi tại các nước mới nổi khoảng 15%, còn ở các nước phát triển 1%. Riêng tại châu Phi, tỷ lệ này có thể từ 30-70%. Đáng chú ý, có đến 50% dược phẩm bán qua mạng là hàng giả.

Đầu năm 2014, Interpol từng triển khai một chiến dịch lớn tại 110 quốc gia, bắt giữ 30 triệu USD thuốc giả. Hơn 10.000 trang web bán thuốc qua mạng bị buộc phải đóng cửa, 237 người bị bắt giữ. Mua thuốc qua mạng quá dễ dàng, khách hàng chỉ cần lên mạng, chọn thuốc mình cần, trả tiền qua mạng. Bên bán gửi thuốc cho khách hàng qua đường bưu điện. Theo một thống kế của Interpol, trong vòng 1 tuần, cảnh sát kiểm tra ngẫu nhiên 540.000 bưu phẩm và thu giữ trong số đó 20.000 hộp chứa dược phẩm giả. Thuốc chữa bệnh giả đã trở thành mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất qua đường bưu điện công khai. Bọn tội phạm rất nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường. Năm 2010, chúng làm giả cả vaccine phòng chống cúm gà, trong thời điểm nhiều quốc gia có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn loại vaccine này. Một số loại thuốc đắt tiền như điều trị ung thư cũng thường bị làm giả. Bọn tội phạm nhập lậu dược phẩm qua đường hàng không và đường biển.

Dược phẩm giả lộng hành tại rất nhiều quốc gia.

Dược phẩm giả lộng hành tại rất nhiều quốc gia.

Châu Âu là một trong những nơi có mức sống cao trên thế giới và hệ thống an sinh xã hội đủ đảm bảo cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Vậy nhưng nhiều người thích mua thuốc trôi nổi và đó chính là mảnh đất màu mỡ của các loại thuốc giả. Loại thuốc giả nhiều nhất gồm các loại thuốc Viagra, thuốc giảm béo và thuốc chống trầm cảm, căng thẳng thần kinh. Hồi tháng 2-2014, cảnh sát Pháp cũng phát hiện lô hàng 13 tấn dược phẩm giả sản xuất tại Trung Quốc đang trên đường tới Bỉ. Gần 2,5 triệu viên thuốc giả, phần lớn là Viagra giả, được đóng trong các thùng carton dán nhãn “Trà Trung Quốc”. Theo một thống kê của hãng dược Pfizer, 50% dược phẩm bán trên mạng internet là thuốc giả và trong đó có cả các thành phần vô cùng độc hại như thuốc chuột và axit boric. Thị trường dược trên mạng internet đang là một vấn đề nhức nhối đến mức gần đây, Pháp gấp rút soạn thảo một đạo luật liên quan đến quản lý việc bán thuốc trên internet.

Những cuộc truy bắt dược phẩm giả dường như không thấm vào đâu so với doanh thu 200 tỷ USD của thị trường ngầm khổng lồ này, theo Fondation Chirac. Dược phẩm giả có thể mang lại lợi nhuận gấp 20-45 lần so với buôn bán ma túy.

(Tổng hợp)

Các tin khác