Trung Quốc thả nổi lãi suất cho vay

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã có một bước đi quan trọng trong công cuộc tự do hóa hệ thống tài chính khi tuyên bố sẽ bỏ kiểm soát lãi suất cho vay của các ngân hàng. Một động thái được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ tác động đến cả khu vực và thế giới.

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã có một bước đi quan trọng trong công cuộc tự do hóa hệ thống tài chính khi tuyên bố sẽ bỏ kiểm soát lãi suất cho vay của các ngân hàng. Một động thái được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ tác động đến cả khu vực và thế giới.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết từ ngày 20-7 sẽ bỏ kiểm soát đối với lãi suất cho vay để các ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể tự định giá các khoản cho vay của họ. Trước đó, PBOC quy định lãi suất “sàn” cho vay ra không được thấp hơn 70% so với lãi suất cơ bản.

Tuy nhiên, lĩnh vực cho vay bất động sản vẫn không thay đổi, nhằm tránh tình trạng đầu cơ. Động thái này có thể giúp một số nhà cho vay ấn định lãi suất rẻ hơn trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có nguy cơ tăng trưởng chậm nhất 20 năm và các doanh nghiệp, chính quyền địa phương đang chật vật vì gánh nợ vay ngày càng tăng do lãi suất cao.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của thế hệ lãnh đạo mới Trung Quốc trong việc cải tổ hệ thống tài chính, một điều từ lâu được các nhà chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước kêu gọi như một biện pháp không thể thiếu để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng.

Kiểm đếm tiền tại một công ty ở Hải Khẩu, Trung Quốc.

Kiểm đếm tiền tại một công ty ở Hải Khẩu, Trung Quốc.

Dù vậy, động thái này có thể đe dọa tới lợi nhuận của các ngân hàng thương mại nhà nước đầy quyền lực. “Đây là một động thái đầy kịch tính và bất ngờ” - theo Zhang Ming, một nhà nghiên cứu cao cấp của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Chính phủ Trung Quốc.

“PBOC phải vượt qua kháng cự mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích để điều này được thông qua”. Nhiều nhà kinh tế nghi ngờ khả năng mang lại đòn bẩy lớn cho nền kinh tế ngay lập tức. Họ cũng tin rằng lãi suất rẻ hơn có thể khiến nền kinh tế gặp nguy hiểm hơn do tốc độ mang nợ nhanh hơn.

Một số khác lại cho rằng động thái này cần đi kèm với một biện pháp cải tổ là tự do hóa lãi suất huy động tiền gửi, được cho rằng sẽ giúp tăng thu nhập của hộ gia đình và nhờ đó đẩy mạnh tiêu dùng.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã áp đặt kiểm soát đối với lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng, quy định mức trần đối với lãi suất tiền gửi và mức sàn đối với lãi suất cho vay. Hệ thống này giúp đẩy mạnh tăng trưởng của Trung Quốc khi cung cấp tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp lớn, trong khi duy trì biên lợi nhuận rộng cho các ngân hàng.

Nhưng nó cũng tạo điều kiện cho phân bổ vốn không hiệu quả, góp phần gia tăng sự mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc, một vấn đề được cho tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu tư (thường dưới dạng những dự án lớn như xây dựng đường cao tốc hoặc sân bay) chiếm tới 48% GDP Trung Quốc trong năm ngoái.

Đây là một tỷ lệ cực cao nếu so với lịch sử của chính Trung Quốc và so với mặt bằng chung trên thế giới hiện nay. Điều này cũng tổn hại nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy những đòn bẩy tăng trưởng khác, chẳng hạn tiêu dùng.

Động thái của PBOC là một phần trong nỗ lực cải tổ nhằm giúp hệ thống tài chính hoạt động theo các nguyên tắc thị trường, hơn là theo nguyên tắc của chính phủ. Cho phép các ngân hàng tự định giá các khoản vay sẽ giúp tăng cường cạnh tranh cho cả bên cho vay và bên đi vay, giúp cải thiện việc phân bổ nguồn vốn trong xã hội.

PBOC cũng tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ ưu tiên việc linh hoạt hơn đối với tỷ giá hối đoái; cởi mở hơn đối với một hệ thống bảo hiểm tiền gửi (điều kiện tiên quyết để tự do hóa lãi suất huy động) và nới lỏng kiểm soát dòng tiền xuyên biên giới.

Các tin khác