Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống tài chính

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa quyết định bơm tiền vào hệ thống tài chính lần đầu tiên trong gần nửa năm, nhằm ngăn chặn lặp lại cuộc khủng hoảng tiền mặt đã làm tổn hại nền kinh tế trong tháng 6.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa quyết định bơm tiền vào hệ thống tài chính lần đầu tiên trong gần nửa năm, nhằm ngăn chặn lặp lại cuộc khủng hoảng tiền mặt đã làm tổn hại nền kinh tế trong tháng 6.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 17 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ dưới hình thức các thỏa thuận mua lại trái phiếu kỳ hạn 7 ngày. Đây là lần đầu tiên PBOC thực hiện bơm thanh khoản theo hình thức này kể từ ngày 7-2.

Số tiền tuy tương đối nhỏ, nhưng có tác động ngay lập tức lên thị trường tài chính vì động thái này thể hiện rõ ràng quyết tâm của PBOC trong việc ngăn chặn lãi suất tiền mặt lên quá cao. Lãi suất mua lại trái phiếu 7 ngày, một thước đo chủ yếu đối với thanh khoản ngắn hạn ở Trung Quốc, được kéo giảm 14 điểm cơ bản xuống 4,98%.

TTCK Trung Quốc cũng vọt mạnh, với chỉ số Shanghai Composite tăng gần 0,7%. Cổ phiếu ngành ngân hàng phản ứng rất tích cực, China Merchants Bank tăng 2%, Pudong Development Bank và China Minsheng Banking tăng hơn 1%. Vấn đề đặt ra là sau đợt bơm vốn này, liệu PBOC có tiếp tục bơm thêm nữa trong tháng 8.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt tháng 6 xảy ra do chính sách thắt chặt tiền tệ PBOC theo đuổi. PBOC giải thích tại thời điểm đó đã sử dụng biện pháp thắt chặt để cảnh cáo các nhà cho vay phải quản lý thanh khoản tốt hơn và để kiềm chế tăng trưởng “nóng” tín dụng.

PBOC từ chối bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính ngay cả khi lãi suất tiền tệ đã bắt đầu tăng lên, cuối cùng dẫn tới việc các ngân hàng lo lắng ngưng cho vay lẫn nhau, châm ngòi cho một sự nhảy vọt lãi suất thị trường tiền tệ lên đến mức chưa từng có: trên 20%. Khi thị trường liên ngân hàng chấn động, PBOC buộc phải cung cấp thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng thiếu tiền mặt.

Trung Quốc bơm vốn cứu thanh khoản.

Trung Quốc bơm vốn cứu thanh khoản.

Những ngày gần đây, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng rằng có thể PBOC đang lái thị trường hướng tới một sự lặp lại thắt chặt cho vay hồi tháng 6. Lãi suất cho vay liên ngân hàng đã leo thang cao hơn do các ngân hàng chịu áp lực hoàn quỹ vào cuối mỗi tháng.

Cho đến ngày 30-7, PBOC vẫn kiên quyết từ chối thực hiện bất kỳ đợt bơm thanh khoản nào vào thị trường, mặc dù tiếp tục cho phép hoàn tất các hóa đơn và thỏa thuận mua lại trước đó, cung cấp cho các ngân hàng một số tiền mặt bổ sung.

Động thái bơm vốn của PBOC nhằm ổn định thanh khoản giữa lúc có thống kê cho thấy lượng ngoại hối các khách hàng doanh nghiệp gởi ra nước ngoài lớn hơn so với lượng ngoại hối nhận vào. Thậm chí trong khi tiến hành bơm vốn hôm 30-7, PBOC cũng nói rõ rằng chi phí vốn đã tăng lên ở Trung Quốc. PBOC thiết lập lãi suất repo 7 ngày là 4,4%, cao hơn mức 3,35% khi đấu giá hồi tháng 2.

Trong một lưu ý gởi các khách hàng, nhà kinh tế Wee-Khoon Chong của Société Générale nhận định đó là “một tín hiệu cho thấy thời đại của tiền tệ siêu lỏng lẻo và dễ dàng đã chấm dứt”. Tại cuộc họp của Bộ chính trị đảng Cộng sản ngày 30-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng chính phủ cần tiếp tục phòng ngừa những rủi ro tài chính, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ổn định của nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.

Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình có nội dung tương tự các tuyên bố chính thức đã được giới chức có thẩm quyền của Trung Quốc đưa ra trong vài tháng qua. Theo chuyên gia kinh tế Zhang Zhiwei của Nomura, những diễn biến trên là dấu hiệu cho thấy chính phủ đã không quá lo lắng khi nền kinh tế chậm lại.

“Chúng tôi nghĩ rằng thông điệp tổng thể từ các thông cáo báo chí hôm nay không thể hiện sự cấp bách. Do đó chúng tôi tiếp tục tin rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm” - chuyên gia Zhang dự báo. 

Các tin khác