Trong mắt bạn bè quốc tế: Việt Nam tỏa sáng

70 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước ta chính thức giành độc lập. Trong chặng đường dài đó, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, đã hội nhập sâu rộng vào vũ đài quốc tế. Trong mắt các bạn bè 5 châu, Việt Nam hiện nay ra sao?

70 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước ta chính thức giành độc lập. Trong chặng đường dài đó, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, đã hội nhập sâu rộng vào vũ đài quốc tế. Trong mắt các bạn bè 5 châu, Việt Nam hiện nay ra sao?

Điển hình thành công

Trong “Tổng quan về Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Việt Nam là một câu chuyện điển hình về phát triển thành công. Công cuộc đổi mới kinh tế và chính trị bắt đầu từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100USD, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 25 năm với thu nhập đầu người trên 2.000USD năm 2014.

Ngày nay, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó hoàn thành vượt mức một số mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới”. Cụ thể, WB cho biết Việt Nam đã xuất sắc giảm tỷ lệ người nghèo từ 60% trong thập niên 1990 xuống chưa tới 3% hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kéo tỷ lệ lạm phát từ mức đỉnh 23% vào thời điểm tháng 8-2013 xuống còn 4,1% năm 2014.

Đây cũng là nhìn nhận của Liên hiệp quốc (LHQ). “Kể từ năm 1990, GDP của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ước đạt 7,5% và liên tục tăng lên cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phần trăm dân số sống dưới chuẩn nghèo đã giảm từ con số ước tính 58% năm 1993 xuống dưới 12% năm 2009. Các nguồn lực phát triển trong nước đã tăng lên, thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng mạnh mẽ” - LHQ nhận xét trong “Giới thiệu Việt Nam”.

Hầu hết các định chế quốc tế đều ấn tượng trước sự tăng trưởng thần tốc về kinh tế của Việt Nam. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990 và đạt thu nhập trung bình vào năm 2010. Theo EconomyWatch, kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng ở mức cao nhất 7 năm và đã trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư.

“Đất nước Đông Nam Á này đã chuyển mình từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang một hệ thống dựa trên dịch vụ và sản xuất. Nhiều công ty đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí lao động rẻ và nhiều nhà đầu tư xem Việt Nam là một thị trường mới nổi tối quan trọng” - EconomyWatch viết.

Trong thực tế, Việt Nam đã dẫn đầu chỉ số thu hút đầu tư trực tiếp ngoài (FDI) vào các dự án greenfield (dự án khởi công từ đất trống), theo Financial Times (FT). Nghiên cứu của FDI Intelligence (bộ phận nghiên cứu dữ liệu của FT) cho biết Việt Nam đứng đầu chỉ số thu hút FDI greenfield với 8,14 điểm, cao hơn nhiều so với các nước tiếp sau như Romania (3,91 điểm) và Hungary (3,8 điểm), cũng như các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Malaysia (3,55 điểm), Thái Lan (2,47 điểm) và Indonesia (1,08 điểm).

Đặc biệt, Trung Quốc chỉ đạt 0,56 điểm. “Việt Nam cũng đã tiến hành những bước cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% cũng như thành lập một cơ quan tín dụng mới để cải thiện hệ thống thông tin tín dụng” - FT viết.

Trong bài viết trên báo Philippine Star ngày 9-7, nhà phân tích Babe G. Romualdez cũng xác nhận Philippines đã bị Việt Nam qua mặt trong lĩnh vực thu hút FDI. “Việt Nam đã qua mặt chúng ta với mức tăng ổn định trong thu hút vốn FDI từ 7,6 tỷ USD năm 2009 lên 9,2 tỷ USD vào năm ngoái. Ngược lại, Philippines chỉ thu hút được 6,2 tỷ USD vốn FDI năm 2014” - bài báo viết.

Theo Romualdez, đây là một sự đảo ngược khó chấp nhận, vì trong thập niên 1990, Philippines luôn dẫn trước Việt Nam trong thu hút FDI với khoảng cách rất lớn. Chẳng hạn, năm 1990, FDI của Philippines là 3,6 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ 243 triệu USD.

Triển vọng tươi sáng

Với những thành tựu và nền tảng đạt được, giới quan sát tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng trong thời gian tới. Ngày 23-3, hãng tin kinh tế nổi tiếng thế giới Bloomberg đã có bài viết cho rằng châu Á sắp đón nhận chú hổ mới là Việt Nam. Tờ báo cho biết cùng với chính sách Đổi mới từ những năm 1980, kinh tế Việt Nam đã bứt phá với tốc độ tăng trưởng khoảng 7% trong những năm gần đây.

“Đất nước này có tiềm năng trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ 2014 tới năm 2050” - Bloomberg dẫn nguồn nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers LLP. Bloomberg cũng ghi nhận thực tế làn sóng di dời công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhờ chi phí rẻ và môi trường “dễ chịu đối với các công ty Nhật Bản”.

Việt Nam cũng cạnh tranh hơn vì có dân số trẻ: “Đến năm 2012, 13% dân số Trung Quốc đã bằng hoặc hơn 60 tuổi, so với 9% tại Việt Nam. Hơn 40% dân số Việt Nam trong năm 2013 ở trong độ tuổi lao động từ 15-49 tuổi”. Ngoài ra, một lợi thế khác của Việt Nam là đang tiến hành đàm phán tham dự vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều thỏa thuận tự do thương mại quan trọng khác.

Những nhận định tương tự cũng được đưa ra trong báo cáo “Thị trường chứng khoán Việt Nam từ góc nhìn của các nhà đầu tư Nhật Bản” của Công ty Chứng khoán Japan Securities Incorporated (JSI - Nhật Bản), công bố hồi đầu tháng 8.

Theo đó, JSI đánh giá Việt Nam là một “Trung Quốc mới” trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng ổn định nhất ở châu Á trong hơn 1 thập niên qua. Dù chậm lại ở mức 6% trong 3 năm qua do khủng hoảng toàn cầu, nhưng kinh tế Việt Nam đang hồi phục và dự báo tăng hơn 6,2% vào năm nay. JSI đánh giá nhu cầu nội địa của Việt Nam sẽ tăng nhanh nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh (dự kiến tăng 38% năm nay và 50% năm 2025).

Theo JSI, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất thấp so với quy mô nền kinh tế. Năm 2012, vốn hóa của Việt Nam mới đạt 21,1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 61,8% của Nhật Bản hay 104,7% của Thái Lan. Giá cổ phiếu của Việt Nam cũng đang ở mức hấp dẫn. “Tính đến ngày 3-6-2015, tỷ lệ PE trên thị trường Việt Nam đứng ở mức 12,9 lần, thấp hơn Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc” - JSI viết.

Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam được thể hiện rõ với động thái đầu tư vào ngành may mặc Việt Nam của tỷ phú Wilbur L. Ross, người giàu thứ 200 của Hoa Kỳ, thứ 600 trên toàn cầu, hiện sở hữu khối tài sản trên 3 tỷ USD. Wilbur L. Ross chia sẻ, khi đến Việt Nam lần đầu vào năm  2001, ông nhìn thấy các gia đình ở Việt Nam chủ yếu đi bằng xe đạp.

Nhưng trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông thấy một Việt Nam rất khác, với nhiều gia đình đã sở hữu ô tô, thậm chí sở hữu cả những khách sạn lớn, doanh nghiệp lớn. “Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu DNNN giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội hiếm có và thú vị cho những người biết nắm bắt nó” - Wilbur nói.

Trang Opendevelopmentmekong.net ngày 21-7 đã đăng một bài viết cho rằng Việt Nam là một điểm sáng toàn cầu trong năm 2015. Bài viết trích dẫn dự báo của WB, cho rằng kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt, với hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng, tăng lần lượt 9,9% và 6,6% trong nửa đầu năm. Doanh số bán lẻ cũng tăng ấn tượng ở mức 8,3%.

Trong khi đó, lạm phát thấp đã giúp NHNN Việt Nam duy trì một chính sách tiền tệ ổn định để kích thích tăng trưởng. BMI Research, một công ty thuộc Tập đoàn Fitch, cho rằng với những luật mới như Luật Đầu tư sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư của Việt Nam.

BMI đặc biệt đánh giá cao việc bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty cổ phần, vì điều này sẽ thu hút thêm nữa dòng vốn đổ vào Việt Nam. Công ty này cho biết dự báo Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,1% năm từ 2015-2019 của công ty đưa ra trước đây có “nguy cơ” bị sai do thực tế khả quan hơn.

Oliver Bell, Giám đốc quỹ T. Rowe Price, nói trên International Adviser rằng cùng với việc cho phép người nước ngoài sở hữu 100% cổ phần công ty đại chúng, cộng với niềm tin tiêu dùng tăng và thị trường bất động sản đang phục hồi, Việt Nam có thể sẽ sớm bứt phá khỏi nhóm thị trường cận biên (frontier market) để trở thành thị trường mới nổi (emerging market).

Theo Bell, trước đây thị trường chứng khoán của Việt Nam không được xếp vào diện mới nổi do thanh khoản chưa đủ lớn. Nay, việc mở giới hạn sở hữu sẽ giúp dòng tiền đổ thêm vào thị trường chứng khoán, giúp giải quyết vấn đề thanh khoản còn nhỏ.

Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty Nikkiso (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty Nikkiso (Nhật Bản)
trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Hóa giải thách thức

Tuy nhiên, WB cảnh báo những thách thức lớn vẫn còn tồn tại đối với Việt Nam. Về kinh tế, Việt Nam vẫn đối mặt với những vấn đề cấu trúc nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực DNNN và hệ thống ngân hàng - 2 lĩnh vực đang được cải tổ nhưng thực hiện quá chậm.

“Từ đầu năm đến nay, chỉ có 29 DNNN được cổ phần hóa, quá nhỏ so với mục tiêu 289 doanh nghiệp” - WB viết. WB cho rằng việc quản lý DNNN nói riêng và doanh nghiệp nói chung, cùng với việc gia tăng sở hữu tư trong các DNNN, cần được ưu tiên. Cùng lúc, việc cải tổ ngân hàng có một số tiến bộ với nhiều ngân hàng nhỏ được sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn, hoặc được NHNN mua lại, nhưng vẫn thiếu một khuôn khổ pháp lý thích hợp cho việc đẩy nhanh giải quyết nợ xấu.

Nhà kinh tế Sandeep Mahajan của WB lưu ý Công ty Quản lý vốn các TCTD Việt Nam (VAMC) ít vốn và khả năng hoạt động hạn chế đã làm chậm các nỗ lực giải quyết nợ xấu. Ngoài ra, vấn đề nợ công ở Việt Nam rất đáng lo. Chi phí nghĩa vụ nợ công đã tăng từ 20% thu ngân sách năm 2010 lên 26% năm 2014, trong đó riêng chi phí lãi suất đã ngốn hết 7,2% chi tiêu ngân sách. Đó là những con số rất đáng lo ngại.

Theo Channel News Asia (Singapore), việc gia nhập TPP cũng như các hiệp định tự do thương mại khác kỳ vọng sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam, nhưng cũng đem lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước do phải cạnh tranh với các đối thủ từ nước ngoài với tiềm lực tài chính và công nghệ cao. Còn theo Reuters, thị trường bất động sản phát triển quá nóng trước đây đã để lại nhiều di chứng cho Việt Nam.

Dù thị trường bất động sản hiện nay đã bước vào giai đoạn hồi phục, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, đặc biệt lượng tồn kho vẫn lớn. Reuters cũng lưu ý từ nay đến cuối năm Việt Nam phải đối mặt với sức ép về tỷ giá trong bối cảnh Trung Quốc đã phá giá đồng NDT và FED có thể nâng lãi suất USD trong tháng này. 

Về xã hội, WB cho rằng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã đi đôi với sự gia tăng mức độ bất bình đẳng, đặc biệt là khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn. Tỷ lệ đói nghèo còn cao, đặc biệt ở các dân tộc thiểu số vốn chiếm 14% dân số cả nước và sống chủ yếu tại các vùng cao xa xôi. Khoảng 90% người nghèo sống ở khu vực nông thôn.

Nghèo đói vẫn ảnh hưởng đến gần 15% dân số Việt Nam, trong đó có khoảng 50% người dân tộc thiểu số. WB cũng cho rằng dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tuy nhiên còn rất nhiều điều cần phải làm trong việc thực hiện các luật môi trường, các chiến lược và thỏa ước toàn cầu, nhằm đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ không dẫn đến sự xuống cấp môi trường, hay sự suy giảm nhanh chóng của hệ thống đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên khác.

Theo tờ Guardian (Anh), việc Việt Nam phục hồi và vươn lên sau chiến tranh được xem là một “phép lạ”, đặc biệt trong lĩnh vực giảm đói nghèo. 

Các tin khác