Được hưởng lợi khi tham gia TF

(ĐTTCO) - Đầu năm 2017, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (hiệp định TF) sẽ có hiệu lực. Đây được coi là động lực lớn để Việt Nam thực hiện cải cách trong lĩnh vực hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới. Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN TOÀN (ảnh), Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, cho rằng việc thực hiện các cam kết TF sẽ tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp (DN), giảm chi phí thời gian, nhân lực, tiền bạc, góp phần gia tăng lợi nhuận trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

(ĐTTCO) - Đầu năm 2017, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (hiệp định TF) sẽ có hiệu lực. Đây được coi là động lực lớn để Việt Nam thực hiện cải cách trong lĩnh vực hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới. Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN TOÀN (ảnh), Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, cho rằng việc thực hiện các cam kết TF sẽ tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp (DN), giảm chi phí thời gian, nhân lực, tiền bạc, góp phần gia tăng lợi nhuận trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

PHÓNG VIÊN: - Chỉ chưa đầy 1 tháng nữa TF sẽ có hiệu lực. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị những gì để thực hiện các cam kết TF? 

Ông NGUYỄN TOÀN: - Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động để triển khai thực hiện TF, căn cứ vào đó các bộ, ngành sẽ triển khai những phần việc liên quan đến mình. Theo kế hoạch hành động, trước khi TF có hiệu lực, các cơ quan chức năng liên quan phải thực hiện tuyên truyền, phổ biến hiệp định một cách rộng rãi để đảm bảo việc áp dụng TF nhất quán, theo đúng các cam kết trong WTO.

Ngoài ra cần sớm xây dựng sổ tay, văn bản hướng dẫn chi tiết về các quy định, nghĩa vụ trong TF để các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý biên giới nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện cam kết hiệp định; giúp DN tận dụng được các lợi ích có được từ việc thực hiện cam kết. Đồng thời tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ kỹ thuật để triển khai thực hiện TF từ các tổ chức quốc tế như WTO, WB, ADB...

 Kế hoạch của Chính phủ cũng nêu rõ nhiều nhóm việc các bộ, ngành liên quan phải thực hiện. Cụ thể, nhóm việc về minh bạch hóa, xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia nhằm cung cấp các thông tin liên quan đến chính sách thương mại, thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho DN và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Theo đó, về phí và thủ tục, triển khai thực hiện các cam kết, như hoàn thiện các văn bản pháp quy, nâng cao hiệu quả các thủ tục liên quan đến cơ chế một cửa, tự động hóa hải quan, cơ chế thông báo tăng cường kiểm soát, tạm quản, quyết định trước, thủ tục kiểm nghiệm, xử lý trước khi hàng đến, quản lý rủi ro, thiết lập và công bố thời gian giải phóng hàng trung bình... Nhóm việc về tự do quá cảnh, triển khai áp dụng các cam kết liên quan đến quá cảnh như không phân biệt đối xử, tạo điều kiện cho hàng hóa quá cảnh, áp dụng các quy định liên quan đến phí quá cảnh....  

Giảm bớt thủ tục hải quan 1 ngày sẽ giúp cắt giảm 2,8% chi phí thương mại với nước thu nhập trung bình khá, 2,2% với nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam đang đứng thứ 65/189 nước về thủ tục hải quan, với khoảng 500 văn bản, 5.000 điều kiện thực thi không rõ ràng khi thực hiện thông quan hàng hóa qua biên giới. Nếu giảm thời gian thông quan 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD.

Về hợp tác hải quan, chia sẻ và trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác hải quan với hải quan các nước và các tổ chức quốc tế. Thực hiện các yêu cầu về đối xử đặc biệt và khác biệt tại phần II của TF, như xây dựng lộ trình thực hiện các nhóm cam kết, theo dõi việc thực hiện, báo cáo theo định kỳ cho WTO...

Về thể chế duy trì hoạt động của Ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại hoặc cơ chế tương đương, điều phối các bên có liên quan trong nước và phối hợp với các đối tác nước ngoài. Mục đích của kế hoạch trên nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của TF, tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp đối với các đối tác của Việt Nam.

- Xin ông cho biết lộ trình cụ thể Việt Nam sẽ tham gia các cam kết TF?

- Tạo thuận lợi hóa thương mại là tổng hòa của rất nhiều nỗ lực, hoạt động cải cách của các bộ ngành liên quan đến thông quan hàng hóa qua biên giới. Trong WTO có một điều khoản gọi là điều khoản đặc biệt và khác biệt giữa các nước có thời gian chuẩn bị thực hiện cam kết TF, để có những đòi hỏi về hỗ trợ, yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật…

Cụ thể TF có 37 điều khoản, được phân định nhóm A, gồm các biện pháp các quốc gia thành viên sẽ thực hiện khi hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với các nước kém phát triển có thể được gia hạn thêm 1 năm. Nhóm B là các biện pháp các nước thành viên cần thời gian để thực hiện. Nhóm C là các biện pháp các nước thành viên không chỉ cần thời gian, mà còn cả các hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực để thực hiện cam kết. Việt Nam là thành viên nên phải tuân thủ các quy định này.

Việc thực hiện các cam kết nhóm B và C gồm khoảng 23 điều khoản và biện pháp như công bố thông tin, tạo thuận lợi thương mại cho DN ưu tiên, cảnh báo nhập khẩu, quy định về xử phạt, thanh toán điện tử, quản lý rủi ro, phối hợp của cơ quan quản lý biên giới, hợp tác hải quan…

Hiện nay Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, phân nhóm, đồng thời nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt nghị định thư để thông báo cho WTO về các cam kết thực hiện của Việt Nam.

- Thưa ông, việc thực hiện thuận lợi thương mại theo TF có ý nghĩa thế nào đối với DN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?

- Việc thực hiện các cam kết TF không chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước, hải quan thực hiện, mà rất cần sự chung tay của cộng đồng DN và toàn xã hội. Hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, từng quốc gia thành viên WTO tham gia TF đều có những chương trình hành động để phục vụ cho việc thuận lợi thương mại.

Như vậy các DN sẽ được hưởng lợi khi tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hóa khi các quốc gia tham gia TF. Tham gia TF cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc vừa đảm bảo thực hiện cam kết tạo thuận lợi hóa thương mại, vừa phải đảm bảo kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu chặt chẽ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gây tổn thất đến hoạt động sản xuất của DN trong nước.

Với Việt Nam tham gia TF trong điều kiện một nước đang phát triển, hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, số lượng DNNVV chiếm 97% tổng số DN trong nước, nên việc tiếp cận và vận dụng chính sách pháp luật còn hạn chế, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra. Vì thế, việc thực hiện các cam kết tạo thuận lợi thương mại của TF thực sự là một thách thức không nhỏ.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, giữa các bộ ngành, địa phương tham gia quản lý hoạt động xuất nhập khẩu chưa thật tốt cũng đang ảnh hưởng tới các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác