Tan tác “dòng sông thủy điện”

Chỉ riêng sông Kôn (tỉnh Bình Định) đang có đến hơn 10 dự án thủy điện lớn nhỏ, thế nên đây được gọi là “dòng sông thủy điện”. Nhưng cùng với quá trình xây dựng thủy điện, nước sông ở thượng nguồn ô nhiễm, rừng đầu nguồn bị tàn phá, hàng trăm hộ dân khốn khổ vì mất đất sản xuất.

Chỉ riêng sông Kôn (tỉnh Bình Định) đang có đến hơn 10 dự án thủy điện lớn nhỏ, thế nên đây được gọi là “dòng sông thủy điện”. Nhưng cùng với quá trình xây dựng thủy điện, nước sông ở thượng nguồn ô nhiễm, rừng đầu nguồn bị tàn phá, hàng trăm hộ dân khốn khổ vì mất đất sản xuất.

Bức tử sông Kôn

Những cánh rừng đầu nguồn từ thị trấn Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) đi ngược lên xã miền núi Vĩnh Sơn đều đã bị triệt hạ tan hoang để xây dựng các công trình thủy điện (CTTĐ), để lộ ra những đường đất đỏ ngoằn ngoèo, núi đồi bị cày nát. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, CTTĐ Trà Xom sẽ xóa sổ 633,7ha rừng phòng hộ trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh); CTTĐ Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 và CTTĐ Nước Lương sẽ xóa sổ 380ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) và xã Ân Sơn (Hoài Ân); 2 CTTĐ Vĩnh Sơn 2 và Vĩnh Sơn 3 sẽ xóa sổ 669ha rừng ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) và KBang (tỉnh Gia Lai).

Ông Lê Thanh Tâm, cán bộ Phòng TN-MT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết việc xây dựng các CTTĐ ở thượng nguồn sông Kôn đã gây ô nhiễm nguồn nước, bồi lấp dòng chảy… Tại khu vực suối Nước Mật (làng K6, xã Vĩnh Kim), nơi Công ty TNHH một thành viên Lũng Lô thi công đoạn đường hầm dài gần 1km của CTTĐ Vĩnh Sơn 5 (do CTCP Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư), hàng chục nghìn khối đất đá đã được đổ sát bờ sông Kôn, sẵn sàng đổ ập xuống dòng sông bất kỳ lúc nào. Trước khi Công ty Lũng Lô có mặt tại đây, đoạn sông Kôn này đã phải hứng chịu hàng chục nghìn khối đất đá thải khi Công ty Vinashin Licogi thi công kênh dẫn nước qua tuyến đập và Công ty Sông Đà 17 thi công tháp điều áp và hố móng nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5.

Từ đập của CTTĐ Vĩnh Sơn 5 ngược về phía đầu nguồn, trên con đường đất của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh mới làm để xây dựng CTTĐ Vĩnh Sơn 3, hầu như tất cả đất đá san ủi làm đường đều được các đơn vị thi công đổ bừa xuống mép sông, khiến dòng chảy bị bồi lấp, nhiều đoạn đã bị thu hẹp gần hết. Ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, lo lắng: “2 năm nay, đất đá thải từ việc xây dựng các CTTĐ tràn xuống sông Kôn, nằm đó, rồi đến mùa mưa lũ trôi xuống, gây bồi lắng hồ Định Bình. Hơn 5.000 hộ dân xã Vĩnh Hảo và thị trấn Định Bình cùng hàng ngàn hộ khác ở hạ lưu sông Kôn phải dùng nước sinh hoạt nhiễm bẩn”. Hồ chứa nước Định Bình có dung tích chứa hơn 220 triệu m3, làm nhiệm vụ cấp nước cho gần 16.000ha đất nông nghiệp (sẽ phát triển thành 36.000ha sau này), ngoài ra còn có chức năng điều hòa nguồn nước, chống lũ hạ lưu sông Kôn, cung cấp nước cho nghề nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.

Taluy đường vào thủy điện Vĩnh Sơn 3 đổ hàng ngàn khối đất đá xuống dòng sông Kôn. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Taluy đường vào thủy điện Vĩnh Sơn 3 đổ hàng ngàn khối đất đá xuống dòng sông Kôn.
Ảnh: HOÀNG TRỌNG

3 năm chưa có đất sản xuất

CTTĐ Trà Xom được khởi công từ đầu năm 2008, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2009. Tuy nhiên, đến nay CTCP Thủy điện Trà Xom vẫn chưa hoàn thành việc đền bù, tái định cư và định canh cho các hộ dân làng K8, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Để phục vụ xây dựng CTTĐ Trà Xom, hơn 362ha của 117 hộ dân ở làng K8 sẽ bị thu hồi, trong đó có 294ha đất nông nghiệp, gần 17ha đất phi nông nghiệp và 51ha đất chưa sử dụng. Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình này được đền bù thiệt hại theo Quyết định 253/QĐ-UBND ngày 2-5-2007 của UBND tỉnh Bình Định. Đến nay, CTCP Thủy điện Trà Xom đã hoàn thành khu tái định cư gần làng Suối Cát (cách nơi ở cũ 4km) và xây dựng 14  ngôi nhà tại khu tái định cư để cấp cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thành việc khai hoang san ủi mặt bằng để cấp lại đất cho 103 hộ dân bị mất đất sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tháng 5-2010 UBND huyện Vĩnh Thạnh đã phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án thủy điện Trà Xom với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 3-2011, CTCP Thủy điện Trà Xom còn nợ dân khoảng 8 tỷ đồng tiền đền bù. Công tác đền bù tái định canh chưa giải quyết kịp thời đã gây không ít khó khăn cho đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Một số hộ dân không có đất sản xuất nên đã lên rừng phát, đốt cây rừng làm nương rẫy trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Mới đây, 28 hộ dân làng K8 bị bỏ sót trong việc đền bù đã gửi đơn khiếu kiện lên UBND huyện Vĩnh Thạnh”.

Doanh nghiệp cũng gặp khó

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giám đốc CTCP Thủy điện Trà Xom, phân trần: “Tiến độ xây dựng CTTĐ Trà Xom chậm do công ty gặp khó khăn về vốn, hạng mục công trình nhỏ lẻ, nằm phân tán trên địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn. Công ty đang tập trung giải quyết những khó khăn trong việc đền bù tái định cư, định canh. Công ty cũng đang tiến hành khai hoang 15ha đất ở khu vực Gní (làng K8, xã Vĩnh Sơn) để cấp lại đất sản xuất cho các hộ tái định canh”.

Qua kiểm tra tình hình thực hiện các CTTĐ trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Sở TN-MT tỉnh Bình Định đã phát hiện nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về việc hạn chế tác động xấu đến môi trường. Tỉnh đã lập biên bản, xử phạt hành chính về lĩnh vực môi trường đối với CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư CTTĐ Vĩnh Sơn 3) và CTCP Đầu tư Vĩnh Sơn (chủ đầu tư CTTĐ Vĩnh Sơn 5) tổng cộng 32 triệu đồng và yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương khắc phục trong quá trình thi công các công trình.

Ông Võ Hồng Sơn, Chỉ huy công trường thuộc Công ty TNHH một thành viên Lũng Lô, thừa nhận: “Khi thi công đường hầm, chúng tôi đã thải ra bãi này khoảng 15.000m3 đất đá. Đây là điều bất đắc dĩ vì bên A (CTCP Đầu tư Vĩnh Sơn) chưa có bãi thải”. Ông Huỳnh Xuân Thủy, Phó Phòng Tổng hợp CTCP Đầu tư Vĩnh Sơn, cũng phân bua: “Đổ đất, đá tại khu vực suối Nước Mật chỉ là giải pháp tình thế khi công ty chưa tìm được bãi thải. Công ty đã xin xây dựng bãi đổ thải rộng 8ha tại làng Đắêk Tra (xã Vĩnh Kim) và đã được ngành chức năng chấp thuận”.

Tại văn bản 4253/UBND-CN ngày 6-12-2010, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiểm tra thực tế tại các CTTĐ Trà Xom, Vĩnh Sơn 5, Vĩnh Sơn 3. Chủ đầu tư nào không thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh, vẫn đổ bừa bãi các chất thải trong quá trình thi công làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nguồn nước sinh hoạt vùng hạ lưu và bồi lấp hồ Định Bình, thì lập biên bản, buộc chủ đầu tư phải hốt dọn và đem đi đổ tại các bãi thải theo quy định. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, phải báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép, đình chỉ thi công. Tuy nhiên, đến nay, bất chấp việc kiểm tra, nhắc nhởû của các cơ quan chức năng, việc thải đất đá xuống sông Kôn vẫn tiếp diễn.

Các tin khác