Làng đại học Đà Nẵng: 15 năm chưa thấy hình hài

Đà Nẵng được công nhận đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương năm 1997. Đây cũng là thời điểm dự án làng đại học Đà Nẵng được công bố quy hoạch với tham vọng đưa TP biển này thành trung tâm khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây nguyên. Tuy nhiên, 15 năm qua làng đại học này vẫn chẳng thấy đâu, trong khi nhiều ngôi nhà trái phép mọc lên trong vùng dự án để chờ… đền bù.

Đà Nẵng được công nhận đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương năm 1997. Đây cũng là thời điểm dự án làng đại học Đà Nẵng được công bố quy hoạch với tham vọng đưa TP biển này thành trung tâm khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây nguyên. Tuy nhiên, 15 năm qua làng đại học này vẫn chẳng thấy đâu, trong khi nhiều ngôi nhà trái phép mọc lên trong vùng dự án để chờ… đền bù.

“Treo” đến bao giờ?

Ông Huỳnh Đức Thanh, 64 tuổi, ở thôn Ngọc Vinh, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, người đang trồng đậu phộng trên phần đất đã quy hoạch 15 năm nay, ngán ngẩm nói: “Những năm đầu khi mới nghe làng đại học, dân còn thấp thỏm mong chờ. Miết không thấy, bây giờ chẳng còn ai quan tâm”.

Nhà ông Thanh trước ở thôn Câu Hà, có trên 2.700m2 đất, năm 2006 bị giải tỏa do dự án và được bố trí lại 2 lô đất và đền bù 210 triệu đồng. Số tiền ấy ông mua được căn nhà 60 triệu đồng, còn lại chia cho 6 người con mỗi người một ít. Ông Thanh cũng như nhiều người khác, thuê lại đất nông nghiệp của các hộ dân trong vùng quy hoạch để trồng trọt, khi nào Nhà nước thu hồi đất sẽ trả lại.

Nhà xây trái phép trong phần đất được quy hoạch xây dựng làng đại học. Ảnh: HÀ MINH

Nhà xây trái phép trong phần đất được quy hoạch xây dựng làng đại học. Ảnh: HÀ MINH

Xã Điện Ngọc có 3 thôn là Câu Hà, Tứ Hà và Ngọc Vinh với khoảng 1.000 hộ bị ảnh hưởng dự án. Điều người dân ở đây bức xúc suốt hơn 10 năm qua là không được chuyển nhượng, mua bán, xây mới nhà trong khi số nhân khẩu không ngừng tăng.

Ông Trần Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, cho biết để “chữa cháy” quy hoạch treo, huyện đồng ý cho xã cấp phép xây dựng tạm thời nhưng kèm theo điều kiện khi dự án triển khai người dân phải tự tháo dỡ và không được hỗ trợ. Chính vì vậy không ai xin cấp phép nhưng vẫn xây, sửa nhà. Bên cạnh đó, nhiều người không có nhu cầu chỗ ở thật sự vẫn xây dựng nhà.

Đã có 406 ngôi nhà trái phép mọc lên trong vùng dự án chờ đền bù giải tỏa. Thời gian qua, chính quyền xã chỉ cưỡng chế giải tỏa được 19 căn nhà và không thật sự quyết tâm trong việc này. Theo ông Nghĩa, lãnh đạo xã băn khoăn khi giải tỏa xong nhưng dự án chưa triển khai sẽ bị tái lấn chiếm.

“15 năm, thời gian không phải ngắn đối với nông dân sống trong vùng dự án. Khi được biết có ý tưởng triển khai dự án làng đại học, vợ chồng tui mường tượng cảnh 2 đứa con nhỏ của mình khi lên đại học sẽ không phải đi xa. Thế nhưng, bây giờ nó phải học đại học tận Hòa Khánh, cách nhà ngót nghét 30 cây số”- một người dân vùng dự án than thở.

Dự án “thế kỷ”

Ông Trần Duy Nghĩa cho biết mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với huyện Điện Bàn, xã Điện Ngọc thông báo về việc triển khai dự án làng đại học Đà Nẵng. Theo đó, dự án cần vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, nhưng mỗi năm vốn ngân sách trung ương rót về chỉ được 60 tỷ đồng. Nếu chỉ có nguồn vốn này, phải 150 năm nữa dự án mới hoàn thành” - ông Nghĩa nói.

Tuy ngoài nguồn vốn ngân sách còn có nhiều nguồn khác đầu tư vào dự án, song việc triển khai quá chậm. Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, dự án được quy hoạch từ năm 1997 và đến nay mới triển khai xây dựng Trường Đại học Công nghệ Thông tin-Truyền thông và Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt-Hàn trên diện tích 110ha. Còn xây dựng các trường Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm… vẫn phải chờ.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn cần được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án là việc quản lý phần đất quy hoạch 190ha trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất phức tạp. Trong 2.000 hộ dân cần giải tỏa đền bù và tái định cư có đến gần 400 trường hợp lấn chiếm và xây dựng trái phép.

Mới đây ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã phê bình UBND TP và các ngành liên quan trong việc quản lý quy hoạch, xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện quá chậm chạp. Theo ông Thanh, đây là dự án lớn cho cả khu vực miền Trung - Tây nguyên, nên cần có sự phối hợp từng địa phương, từng ngành trong việc triển khai xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án.

Trước mắt tập trung triển khai các dự án tại Đà Nẵng và phối hợp với tỉnh Quảng Nam tăng cường quản lý quy hoạch dự án. Có thể với nguồn vốn ODA và sự chỉ đạo quyết liệt đó, thời gian tới dự án làng đại học Đà Nẵng sẽ khả quan hơn.

Các tin khác