Chậm phản hồi các giao dịch đáng ngờ

Ngày 8-2, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 5 và 6-2012. Đa số các đại biểu đã thống nhất với tên của luật và có nhiều ý kiến góp ý những nội dung cụ thể.

Đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy, cần có luật nhưng phải phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, về cá nhân có ảnh hưởng chính trị nên quy định thêm cá nhân trong nước có ảnh hưởng chính trị trong nước vào luật.

Về cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền nên đặt đơn vị này thuộc NHNN, bởi thực tế qua 5 năm hoạt động, cơ quan phòng chống rửa tiền đã hoạt động tốt và về lý thuyết thường  thông qua NH để rửa tiền.

Đại diện một NHTM đề nghị đối với giao dịch đáng ngờ có sự đột biến trong giao dịch cần quy định sự lặp lại của hiện tượng này mới được đưa vào danh sách đáng ngờ để tránh sự ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Đại diện Sacombank thắc mắc về đối tượng áp dụng.

Theo đó, Sacombank có các công ty con thì có bị điều chỉnh và có cùng xây dựng  báo cáo để báo cáo cho công ty mẹ? Quy định trong 48 giờ kể từ khi phát sinh giao dịch đáng ngờ nên theo giờ làm việc. Với quyền trì hoãn giao dịch khi nào được áp dụng và xác định đối tượng nghi vấn mới thực hiện hay nghi ngờ là trì hoãn ngay…

Ngoài ra, với danh sách đen và danh sách cảnh báo rửa tiền do Bộ Công an và Cục Phòng chống rửa tiền lập và khuyến nghị, nhưng hiện các danh sách này chỉ quy định vài năm trước nhưng chưa bao giờ cập nhật hay loại bỏ. Vì vậy, nên bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc cập nhật bổ sung danh sách này.

Một vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị là cần ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong cơ quan, nhất là NHNN, NHTM và Cục Phòng chống rửa tiền.

Đại diện DongABank cho biết nhiều khi NH phát hiện giao dịch đáng ngờ đã báo cáo ngay nhưng vẫn không nhận được phản hồi nhanh chóng để có thể làm tiếp.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện BIDV cho rằng khi chưa luật hóa, thành lập Cục Phòng chống rửa tiền trực thuộc NHNN nhưng khi luật hóa thì nên lập một cơ quan riêng. Bởi thực tế NH đã cung cấp các thông tin giao dịch đáng ngờ cho NHNN rồi nhưng cũng còn phải trả lời những vấn đề tương tự được yêu cầu từ công an, nếu 2 cơ quan này không có sự phối hợp tốt sẽ rất khó cho NHTM.

Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét giao nhiệm vụ phòng chống rửa tiền về Bộ Công an chứ không nên trực thuộc NHNN bởi như vậy mọi việc sẽ trở nên chậm trễ, phản hồi không nhanh chóng.

Mặc dù cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền hiện nay trực thuộc NHNN đã thể hiện được vai trò, nhưng khi có luật, hoạt động này rộng hơn rất nhiều, không chỉ trong NH mà nhiều lĩnh vực khác như đối ngoại, quốc tế, cơ quan tình báo và tài chính nước ngoài…

Vì vậy, cần tính toán lại, nên thành lập một cơ quan trực thuộc Chính phủ hoặc thuộc Bộ Công an để bao quát được các vấn đề. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng sẽ có kiến nghị nâng tầm Cục Phòng chống rửa tiền lên thành cơ quan Chính phủ hoặc Bộ Công an.

Chức năng nhiệm vụ của cơ quan này phải làm sao cho tương xứng với tình hình mới. đồng thời Quốc hội sẽ đề nghị cơ quan Cục Phòng chống rửa tiền báo cáo hoạt động lâu nay như thế nào để có nên tiếp tục hay không.

Các tin khác