Trăn trở nghề shipper trong mùa dịch Covid-19

(ĐTTCO) -Vì gánh nặng mưu sinh, nhiều tài xế, shipper công nghệ vẫn phải lao ra đường hằng ngày để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Tài xế chở khách lưu thông trên đường ở Jakarta trong mùa dịch Covid-19.
Tài xế chở khách lưu thông trên đường ở Jakarta trong mùa dịch Covid-19.

Tất bật, luồn lách ngược xuôi trên những con phố đông nghẹt vốn là công việc quen thuộc của Imam Riady, một tài xế công nghệ ở thủ đô Jakarta, Indonesia.

Vất vả, nhưng ông bố 48 tuổi cảm thấy hài lòng, bởi số tiền kiếm được đủ giúp anh trang trải cuộc sống gia đình với cậu con trai vừa mới lên 3. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hơn hai tuần qua, hầu hết văn phòng ở Jakarta đều yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Các cửa hàng cũng quyết định tạm đóng cửa bởi hàng hóa ế ẩm hoặc kinh doanh kém. Không còn cảnh "ùn tắc kinh niên", nhưng cũng đồng nghĩa với các cuộc gọi đặt xe và đơn hàng giao hàng liên tục sụt giảm. 

Riady cho biết, thu nhập trước đây của anh là 300.000 rupiah (hơn 400.000 đồng) mỗi ngày, giờ chỉ còn một nửa, thậm chí giảm tới 70%: “Có những ngày số tiền tôi kiếm được chỉ đủ để đổ xăng”.

Tài xế công nghệ từng được xem là "nghề kiếm được" ở Jakarta. Họ thường ra đường lúc 6 giờ sáng. Đến 10 giờ, ai may mắn có thể kiếm được 4 cuốc xe chở khách đến văn phòng, trung bình 30.000 rupiah (gần 43.000 đồng) mỗi chuyến. Tới khoảng 3 giờ chiều, một số người đã ‘rủng rỉnh tiền’ và yên tâm trở về nhà.

Tuy nhiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Riady và các đồng nghiệp thường phải chầu chực hàng giờ trước các nhà hàng với hy vọng nhận được vài xuất giao đồ ăn. Khoảng cách di chuyển lại ngắn, nên họ chỉ kiếm được 10.000 rupiah thậm chí 5.000 rupiah (khoảng 7.000 đồng) mỗi chuyến giao hàng.

Riady cho biết, thời gian này anh thường không về nhà trước nửa đêm bởi hy vọng sẽ có một hoặc hai khách gọi đồ ăn khuya.

Không chỉ sụt giảm doanh thu, các tài xế cố bám trụ với nghề còn đối mặt nguy cơ lây nhiễm cao do phải tiếp xúc nhiều người, thậm chí không ít khách hàng thuộc diện đang phải cách ly. Ý thức công việc của mình trong giai đoạn bùng phát dịch là nguy hiểm, Riady chia sẻ anh luôn đeo khẩu trang và chuẩn bị sẵn nước rửa tay sát khuẩn, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn là rất lớn.

Ông Igun Wicaksono, Chủ tịch hiệp hội tài xế công nghệ cho biết thêm: “Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề sức khỏe. Công việc này tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lây nhiễm do phải tiếp xúc với nhiều người. Nhưng chúng tôi đâu còn lựa chọn nào”.

Nói về mong muốn ở thời điểm hiện tại, ông Wicaksono cho biết, chỉ hy vọng chính phủ và các hãng xe công nghệ sẽ hỗ trợ tài xế bằng những hành động thiết thực như cấp miễn phí cho họ khẩu trang và nước rửa tay. Bên cạnh đó, thiết lập một số trạm khử trùng phương tiện hoặc ưu tiên cho tài xế được xét nghiệm nhanh Covid-19. 

Trong một tuyên bố, đại diện hãng ứng dụng gọi xe Go-Jek và Grab tại Indonesia cho biết đang thực hiện một số biện pháp để đảm bảo an toàn cho tài xế. Hiện Go-Jek đã thành lập một số quỹ để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng thu nhập do dịch Covid-19 gây ra. Trong khi đó, Grab cam kết sẽ hỗ trợ từ 1,5 tới 3 triệu rupiah (tương đương 2,1 tới 4,3 triệu đồng) nếu tài xế xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, tuy nhiên cuộc sống không vì thế mà dừng lại. Thời điểm này, nhiều shipper, xe ôm công nghệ vẫn đang phải chạy hết công suất để mong kinh tế gia đình không bị xáo trộn. 

Bên cạnh việc mạo hiểm sức khỏe, đôi khi họ còn không có hợp đồng lao động hay bất cứ loại bảo hiểm tai nạn nào. Anh Thanh Bình, một tài xế công nghệ chia sẻ: “Tình hình dịch thế này khó khăn lắm. Bình thường nếu chạy chăm thì một ngày cũng được khoảng 400.000 -500.000 đồng. Giờ có khi chỉ được 200.000 đồng. Nhiều lúc sợ Covid-19 cũng định bỏ nghề, nhưng chẳng biết làm gì nên cố bám trụ thôi”.

Trong lúc dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi trong ‘một sớm một chiều’, các tài xế, shipper công nghệ vẫn phải xoay sở với nghề để mưu sinh. Nhiều người cho biết, mong muốn của họ lúc này chỉ là dịch bệnh sớm được khống chế để mọi hoạt động có thể trở lại bình thường.

Các tin khác