Tôi yêu quê hương tôi

Mẹ cô còn một người em gái 82 tuổi hiện sống ở đảo Shikoku, nơi mới đây cơn bão Nangka đi qua. 2 người em bạn dì của cô, người con trai làm giảng viên trường cao đẳng ở Tokyo, còn người con gái yên phận làm nội trợ ở Saitama, một vùng ngoại ô Tokyo. Sumiko cho rằng nếu là người Nhật chắc cô cũng sẽ giống nhiều phụ nữ truyền thống xứ hoa anh đào lấy chồng rồi, sinh con đẻ cái và lo việc nhà.
 

Trong một bài viết nhân kỷ niệm 50 năm quốc khánh Singapore (9-8-1965 – 9-8-2015), nữ biên tập viên Sumiko Tan của nhật báo The Straits Times có mẹ là người Nhật đặt dấu hỏi số phận mình sẽ ra sao nếu bà không gặp cha cô là một người đàn ông Singapore gốc Hoa.

Mẹ cô còn một người em gái 82 tuổi hiện sống ở đảo Shikoku, nơi mới đây cơn bão Nangka đi qua. 2 người em bạn dì của cô, người con trai làm giảng viên trường cao đẳng ở Tokyo, còn người con gái yên phận làm nội trợ ở Saitama, một vùng ngoại ô Tokyo. Sumiko cho rằng nếu là người Nhật chắc cô cũng sẽ giống nhiều phụ nữ truyền thống xứ hoa anh đào lấy chồng rồi, sinh con đẻ cái và lo việc nhà.

Trong khi đó, bà con bên nội của Sumiko đang sống ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Cô tự hỏi nếu hồi xưa ông cha cô không vượt biển xuống đảo Sư tử lập nghiệp cha cô cũng không trở thành người Singapore. Hồi năm ngoái, gia đình cô có về thăm bà con ở Triều Châu và tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả của người thân ở nông thôn Trung Quốc, trong nhà không có toilet, phải dùng chung hố xí công cộng của làng.

Một người anh bà con mượn tiền xây nhà và mua sắm tiện nghi tối thiểu và anh có may mắn khi đứa con gái đang học đại học và biết chút tiếng Anh. Sumiko cho rằng nếu cô sinh ra ở Trung Quốc biết đâu bây giờ cô sẽ là công nhân nhà máy như vợ của anh này.

Sumiko cho rằng xét về giáo dục và sự thoải mái vật chất, người thân của cô ở Singapore hơn hẳn bà con bên Trung Quốc. Hầu như tất cả đều vào đại học, có nghề nghiệp chuyên môn, công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao. Cuộc sống không khó khăn như ở Trung Quốc và tương lai tươi sáng cho con cái. Như vậy phải chăng Singapore là nhân tố giúp người thân của cô thành công so với bà con ở Trung Quốc. Liệu bà con người Trung Quốc của cô sinh ra và lớn lên ở Singapore, cuộc sống và tương lai của họ sẽ tốt hơn? Liệu cô sinh ra ở Nhật cuộc sống của cô sẽ tốt hơn?

Sumiko thú thật chưa bao giờ mong muốn sống ở một nơi nào khác ngoài Singapore và cũng chưa có tâm lý đứng núi này trông núi nọ, dù đã đến nhiều nước trên thế giới. Dĩ nhiên Singapore không phải là một quốc gia hoàn hảo, khí hậu nóng ẩm quanh năm và không thể so với Trung Quốc và Nhật Bản về thời tiết 4 mùa, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và truyền thống.

Singapore đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như khoảng cách giàu nghèo càng lớn, không gian tranh luận về chính trị hạn chế so với nhiều quốc gia phát triển, hay tình trạng giao thông công cộng quá tải trong giờ cao điểm. Nhưng dù sao đây cũng là một quốc đảo an toàn, hệ thống giáo dục tốt và tạo điều kiện cho con người vươn lên và trọng dụng người làm được việc.

Những chia sẻ của Sumiko về tình cảm của cô với đất nước và con người Singapore nơi tôi đã sinh sống và làm việc từ mười mấy năm nay khiến lòng trĩu nặng khi nghĩ về quê hương Việt Nam. Tôi đã được hưởng nhiều phúc lợi từ đảo quốc Singapore với chỗ ở ổn định và điều kiện thuận lợi cho con cái học hành. Dĩ nhiên, tôi vẫn còn tiếp tục vất vả với doanh nghiệp bé nhỏ của mình nơi đất khách quê người và nghĩ đến chuyện kiếm tiền mỗi buổi sáng khi mở mắt dậy.

Ý nghĩa cuộc sống hiện tại của tôi là gia đình, nhưng sâu thẳm chứa chan tự đáy lòng vẫn mãi mãi 2 tiếng Việt Nam. Căn hộ của tôi ở tầng 17 và có thể nhìn xuống những cảnh quan xanh tươi và văn minh của một đô thị bậc nhất Đông Nam Á, nhưng Singapore chỉ có ý nghĩa khi ở đây tôi có thể làm được một điều gì đó cho Tổ quốc, cho quê hương Việt Nam.

Số phận đưa đẩy tôi đến với Singapore và tôi tự hỏi nếu không ra nước ngoài lập nghiệp liệu cuộc sống của tôi có sướng hơn không? Bạn bè cùng lứa của tôi giờ đây nhiều người là đại gia, thành đạt, chu du khắp nơi trên thế giới, con cái du học nước ngoài mà đâu nhất thiết phải vất vả nơi đất khách quê người. Nhưng sự so sánh nào cũng dẫn đến chỗ khập khiễng, và con người sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu không có mục tiêu cá nhân và tình yêu với quê hương đất nước.

Bạn yêu Tổ quốc, quê hương mình không phải vì nơi đó văn minh hay giàu có, thịnh vượng hay nghèo hèn, sạch sẽ hay ô nhiễm, chính phủ trong sạch hay tham nhũng, kinh tế tăng trưởng cao hay thấp. Bạn yêu Việt Nam chỉ đơn giản vì bạn sinh ra và lớn lên ở đó, được hấp thu những giá trị tinh hoa mà bạn chưa bao giờ cảm nhận. Và rồi bạn sẽ biết trân trọng những gì mình có và cố gắng phát huy để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, xứng đáng là một người con đất Việt dù phải đến bất cứ nơi nào trên thế giới.

Singapore, tháng 8-2015

Các tin khác