Thực phẩm Hoa Kỳ trong tay Trung Quốc

Sự kiện Công ty Shuanghui International Trung Quốc chi 4,7 tỷ USD mua đại gia Smithfield Foods của Hoa Kỳ, đã dấy lên mối lo ngại sâu sắc Trung Quốc rắp tâm thò tay vào ngành công nghiệp thực phẩm có uy tín Hoa Kỳ.

Sự kiện Công ty Shuanghui International Trung Quốc chi 4,7 tỷ USD mua đại gia Smithfield Foods của Hoa Kỳ, đã dấy lên mối lo ngại sâu sắc Trung Quốc rắp tâm thò tay vào ngành công nghiệp thực phẩm có uy tín Hoa Kỳ.

Shuanghui đã đồng ý chi trả bằng tiền mặt cho Smithfield Foods. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ được ghi nhận như là vụ thôn tính lớn nhất của một công ty Trung Quốc với đối thủ Hoa Kỳ, làm nổi bật sức mạnh ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, cũng như nỗi khát khao thâu tóm các nguồn lực toàn cầu.

Sở hữu những thương hiệu nổi tiếng như Farmland, Armour và Healthy Ones, Công ty Smithfield dự kiến thương vụ này sẽ giúp mở rộng doanh số sản phẩm ở nước ngoài.

CEO Smithfield Larry Pope phát biểu: “Đây là một vụ giao dịch tốt cho tất cả cổ đông Smithfield cũng như cho nền nông nghiệp và nông dân Hoa Kỳ. Smithfield sẽ tiếp tục kinh doanh bình thường nếu không muốn nói là tốt hơn”.

CEO Pope cũng đề cập đến niềm tin về những cơ hội toàn cầu và cam kết những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Smithfield đã chấp nhận mức giá đề nghị của Shuanghui 34USD/cổ phiếu, cao hơn 1/3 so với giá đóng cửa ngày 28-5. Thỏa thuận dự kiến được hoàn tất vào nửa cuối năm 2013.

Công ty Trung Quốc Shuanghui từng dính bê bối thịt heo nhiễm độc.

Công ty Trung Quốc Shuanghui từng dính bê bối thịt heo nhiễm độc.

Tuy nhiên, kế hoạch thâu tóm của Shuanghui chưa chắc đã thuận buồm xuôi gió, bởi Smithfield có 30 ngày để đàm phán với các bên quan tâm khác và Công ty Charoen Pokphand Foods - của một trong những người giàu nhất Thái Lan - đã bày tỏ ý định tham gia cuộc tranh giành mua Smithfield.

Bên cạnh đó, nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ phải xem xét thương vụ này một cách gắt gao, sau hàng loạt những vụ bê bối thực phẩm Trung Quốc độc hại, mà mức độ độc ác vô lương tâm của những kẻ tham gia đang khiến cả thế giới kinh hoảng.

Một trong những vụ tai tiếng nhất là bê bối sữa nhiễm độc hóa chất công nghiệp melamine xảy ra vào năm 2008 đã giết chết 6 trẻ em, làm khoảng 300.000 trẻ em khác lâm bệnh. Bản thân Công ty Shuanghui cũng có lý lịch không mấy tốt đẹp. Năm 2011, Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV đã tố cáo các sản phẩm thịt heo của Shuanghui chứa hóa chất độc hại bị cấm clenbuterol nhằm làm tăng độ nạc.

Nhà nghiên cứu Shaun Rein - người sáng lập China Market Research - cho rằng Shuanghui đang thực hiện một phi vụ rất hời để gột rửa thương hiệu đã bị hoen ố vì vụ bê bối clenbuterol. “Sở hữu được thương hiệu Hoa Kỳ đó sẽ giúp tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Từ năm 2010-2011, lượng thịt heo nhập khẩu đã tăng đột biến 500%, cho thấy dù kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả nhiều tiền cho thực phẩm an toàn” - ông Rein nhận xét. Bị bủa vây bởi những thứ thực phẩm kém an toàn, ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đặt niềm tin vào các thương hiệu thực phẩm nước ngoài vốn được xem như là sự lựa chọn thay thế an toàn hơn so với các sản phẩm nội địa.

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập ngành nghề cung cấp đồ ăn, thức uống ở những quốc gia có uy tín trong lĩnh vực này. Tương tự, việc các doanh nhân Trung Quốc lùng mua các trang trại trồng nho, sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp, sự kiện Shuanghui cố gắng mua Smithfield là những thí dụ nữa cho thấy ý tưởng “mượn đầu heo nấu cháo” mà một số công ty Trung Quốc đang thực hiện, hậu quả của nó không khỏi khiến người ta phải lo ngại.

Các tin khác