Thời cơ kinh tế số

(ĐTTCO) - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc vào ngày 10-2, Zhao Chen vẫn chưa trở lại văn phòng. Không phải nhà đầu tư mạo hiểm này đang trốn việc. Giống như nhiều người khác trên khắp Trung Quốc, anh làm việc từ xa để phòng tránh dịch Covid-19.
Quá tải
Đề cập đến công cụ hợp tác và giao tiếp nhóm của Tencent Holdings, Zhao Chen nói: "Chúng tôi đang dành nửa thời gian cho ứng dụng WeChat Work. Thay vì có những cuộc gặp mặt trực tiếp, chúng tôi nói chuyện với khách hàng và đồng nghiệp trên WeChat Work; xem xét các đề xuất kinh doanh của đồng nghiệp bằng chức năng chỉnh sửa tài liệu của ứng dụng và thực hiện các bài thuyết trình thông qua việc phát trực tiếp. Trước đây tôi đã sử dụng ứng dụng này cho các tác vụ đơn giản như chia sẻ các tệp tin, giờ đây dịch bệnh đã buộc chúng tôi phải tận dụng toàn bộ khả năng của nó".
Zhao không phải là trường hợp riêng lẻ. Ở quốc gia nơi truyền thống tương tác trực diện được coi là cách tốt nhất để tạo dựng niềm tin và tiến hành kinh doanh, ngày càng nhiều công ty đang thử nghiệm WeChat Work và các giải pháp khác, khi họ cố gắng đối phó với sự gián đoạn gây ra bởi sự bùng phát của Covid-19.
Thời cơ kinh tế số ảnh 1 Nhiều văn phòng ở Trung Quốc vẫn đóng cửa do dịch Covid-19.
DingTalk, một nền tảng làm việc thông minh được phát triển bởi đối thủ của Tencent Holdings là Tập đoàn Alibaba, hiện là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên Apple Store. Trong khi đó, Huawei Technologies cho biết phần mềm viễn thông WeLink của họ đã đạt được trung bình 1 triệu người dùng mới mỗi ngày trong dịp Tết Nguyên đán.
Trên thực tế, số lượng công ty sử dụng phần mềm làm việc từ xa đã tăng nhanh đến mức các nhà cung cấp phần mềm Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu. Khi hơn 10 triệu khách hàng doanh nghiệp đăng nhập DingTalk cho các cuộc gọi hội nghị video ngày 3-2, hệ thống đã quá tải dẫn đến ứng dụng bị treo. Tencent đã báo cáo các lỗi kỹ thuật tương tự trên WeChat Work vào ngày hôm đó, khi một lượng lớn người dùng đổ xô vào ứng dụng. Điều tương tự cũng xảy ra với nền tảng làm việc từ xa WeLink của Huawei và Slack của ByteDance.
Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp từ xa của Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt nhờ dịch bệnh. "Mọi cuộc khủng hoảng đều đi kèm với các cơ hội của nó. Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc triển khai phần mềm làm việc từ xa ở Trung Quốc. Thị trường làm việc từ xa của Trung Quốc đang cất cánh" - các nhà phân tích tại China Merchants Securities viết trong một nghiên cứu vào ngày 2-2. Các nhà phân tích từ Nomura cũng lạc quan tương tự, báo cáo của họ vào ngày 5-2 viết: "Chúng tôi nghĩ rằng Covid-19 thu hút sự chú ý nhiều hơn vào thị trường giải pháp công việc từ xa, thị trường này có thể tận hưởng sự tăng trưởng bền vững lâu dài".
Vậy cách làm việc hiện đại trên có được tiếp tục chấp nhận rộng rãi sau khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh qua đi? Zhao nói với Nikkei Asian Review rằng ông và khoảng 100 đồng nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng phần mềm làm việc từ xa ngay cả sau khi văn phòng của họ mở cửa trở lại. "Nhờ sử dụng triệt để WeChat Work trong những tuần gần đây, chúng tôi đã trở nên khá quen thuộc với phần mềm làm việc từ xa. Theo một cách nào đó, thói quen làm việc của chúng tôi đã được định hình lại" - Zhao nói.
Những lời của Zhao gợi mở một tương lai sáng sủa cho các công ty internet Trung Quốc. Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp khác có thay đổi thói quen làm việc truyền thống của họ sau dịch bệnh vẫn là điều khó nói. Trung Quốc hiện thua xa thế giới phát triển trong việc cho phép làm việc từ xa. Gần một nửa người Mỹ đã thực hiện làm việc từ xa ở một số mức độ, trong khi hơn 5% (8 triệu người) làm việc toàn thời gian tại nhà vào năm 2017. Hơn một nửa công ty Nhật Bản cung cấp các hình thức làm việc từ xa. 
Tăng gấp 10
Khi kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng, tâm lý người tiêu dùng đi xuống, Tencent và Alibaba đang tranh giành để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Thị trường giải pháp làm việc từ xa của Trung Quốc dự kiến đạt 477 triệu USD vào năm 2024, tăng so với 169 triệu USD năm 2019, theo Viện Nghiên cứu công nghiệp Qianzhan có trụ sở tại Bắc Kinh.
Ngoài thúc đẩy nhu cầu làm việc từ xa, dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến khác. Công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ PingAn được niêm yết ở Hồng Kông, cho biết nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến của họ (lớn nhất Trung Quốc theo số lượng người dùng đã đăng ký) ghi nhận số lượng người dùng mới tăng gấp 10 lần mỗi ngày từ ngày 22-1 đến 6-2, so với 21 ngày đầu tiên của tháng 1.
CEO Wang Tao cho biết: “Với hơn 110 triệu người truy cập trang web PingAn để được tư vấn y tế và các mẹo chăm sóc sức khỏe trong suốt đợt dịch Covid-19, cho thấy ngày càng nhiều người dân Trung Quốc chấp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Điều này sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của PingAn trong dài hạn”.
Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến nhỏ hơn cũng được hưởng lợi. Công ty khởi nghiệp điện tử Lonely Reader có trụ sở tại Bắc Kinh, đã trở nên bớt cô đơn hơn nhờ sự bùng phát của Covid-19. Khi nhiều người Trung Quốc bị mắc kẹt tại nhà, CEO Ge Xu cho biết công ty của ông đã nhận được hơn 6.000 câu hỏi về các khóa học trực tuyến vào ngày 15-2, so với 500 câu hỏi hàng ngày tại thời điểm trước khi dịch bùng phát. "Liệu những khách hàng đó có ở lại sau khi hết dịch bệnh vẫn chưa biết, nhưng hiện tại chúng tôi có cơ hội thể hiện công việc của mình" - Ge nói. 
 Mọi cuộc khủng hoảng đều đi kèm với các cơ hội của nó. Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc triển khai phần mềm làm việc từ xa ở Trung Quốc. Thị trường làm việc từ xa của Trung Quốc đang cất cánh.
Các nhà phân tích tại China Merchants Securities

Các tin khác