Thế khó cho lao động nước ngoài

(ĐTTCO) - Sau khi bị công ty cho nghỉ việc vào tháng trước, Tang Chen (33 tuổi) không thể ngủ được. Mấy ngày nay cô luôn trong trạng thái lo lắng và căng thẳng chỉ với câu hỏi: Có nên ở lại Mỹ hay không? 
Thế khó cho lao động nước ngoài

Tang từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đến Mỹ từ năm 2014. Visa làm việc H1-B của cô sẽ hết hạn vào cuối năm 2020. Công ty phần mềm ở Fort Washington, Pennsylvania, nơi Tang từng làm việc đã bắt đầu quá trình xin thẻ xanh cho phép cô sống và làm việc ở Mỹ. Tang đã mua một căn hộ và rất tự tin về việc xây dựng cuộc sống ở Mỹ. Nhưng khi bị cho nghỉ việc do Covid-19, Tang không những mất đi nguồn thu nhập mà còn bị vô hiệu hóa visa, cánh cửa trở thành thường trú nhân của cô cũng đóng lại.


Việc đóng cửa Văn phòng Dịch vụ Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) tại Washington càng khiến những người nước ngoài lao động ở Mỹ lao đao. Khi những người có visa H1-B như Tang mất việc, họ có 60 ngày để nộp đơn thay đổi tình trạng - chẳng hạn như trở thành khách du lịch hoặc sinh viên - hoặc tìm một công ty mới sẵn sàng lo visa làm việc cho họ. Nếu không, họ và người thân phải rời khỏi Mỹ.

Trong khi đó, theo CNN, tìm việc trong tình hình dịch bệnh hiện tại đã là khó khăn chứ đừng nói đến việc tìm nhà tuyển dụng sẵn sàng gánh vác thêm chi phí và giấy tờ cho việc bảo trợ visa. Chưa kể, giờ đây Tang muốn về Trung Quốc cũng không được vì không có chuyến bay nào.

Không có số liệu thống kê chính thức về số công dân Trung Quốc tại Mỹ bị mất việc do dịch Covid-19 nhưng dựa trên những trao đổi trên mạng xã hội WeChat, CNN ước tính con số ít nhất cũng lên đến hàng trăm người. Bà Ying Cao, luật sư di trú tại New York, có khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc, cho biết: “Tình hình lúc này còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”. 

H1-B là loại visa việc làm phổ biến nhất ở Mỹ, với khoảng 900.000 người được cấp trong 5 năm qua. Năm 2019, công dân Trung Quốc chiếm khoảng 15% thị thực H1-B được cấp, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi những người này bị mất việc, họ cũng không đủ điều kiện nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng như không được hưởng các lợi ích an sinh xã hội mặc dù có các khoản khấu trừ từ tiền lương cho mục đích này.

Trong một động thái khác, lo sợ bị sa thải hàng loạt do Covid-19, các chuyên gia công nghệ Ấn Độ có visa H1-B đã ký tên vào thư gửi nội các Tổng thống Donald Trump đề nghị mở rộng giới hạn thời hạn mất việc làm cho phép từ 60 ngày lên 180 ngày. Các công ty công nghệ của Mỹ hiện thuê hàng chục ngàn nhân viên mỗi năm, phần lớn từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Thư nói trên đòi hỏi tối thiểu phải có 100.000 kiến nghị để nhận được phản hồi từ Nhà Trắng. Tình trạng ở lại không được mà về nước cũng không xong đang đẩy nhiều lao động nước ngoài theo diện visa H1-B ở Mỹ buộc phải tìm nhiều cách để sinh sống, nhưng xem ra viễn cảnh của họ cũng như hàng tỷ người trên thế giới đang phụ thuộc vào diễn tiến cuộc chiến chống Covid-19.

Các tin khác