Tầm nhìn của Fed?

(ĐTTCO)-Đại dịch Covid-19 đe dọa nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp, đưa lãi suất USD về mức 0%. Các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới cũng đồng loạt đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ. Dù vậy, đã có nhiều ý kiến trái chiều về các động thái này.
Nhiều người cho rằng việc Fed hạ lãi suất là sai lầm bởi không cứu được kinh tế thế giới do đại dịch corona, nhưng với Chủ tịch Fed phải cần tầm nhìn dài hạn.
Nhiều người cho rằng việc Fed hạ lãi suất là sai lầm bởi không cứu được kinh tế thế giới do đại dịch corona, nhưng với Chủ tịch Fed phải cần tầm nhìn dài hạn.
Fed đã hết đạn?
Giới đầu tư và phân tích cho rằng hành động của Fed và các NHTW là trong cơn tuyệt vọng khi thị trường thế giới đang diễn biến tiêu cực. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Fed đã quá “lãng phí đạn dược” với hành động lần này, khiến nếu mọi thứ diễn biến xấu hơn chỉ còn cách giảm lãi suất về âm như châu Âu và Nhật Bản.
Bởi lẽ, khi người dân không dám ra đường, các lệnh phong tỏa vẫn còn, hạ lãi suất không có tác dụng nhiều. Thậm chí đã có nhiều ý kiến cho rằng Fed và cả các NHTW đã hành động sai lầm đã “xài chiêu quá cũ vốn không hiệu quả trong nhiều năm qua”, khi kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng èo uột và nhiều quốc gia ở ngay thềm tiệm cận suy thoái hoặc tăng trưởng chậm. như châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông…
Dù vậy, nếu đánh giá thấp Fed thật là tai hại, vì “bắn hết băng đạn này đổi băng đạn khác bắn tiếp hoặc đổi luôn súng nếu cần”. Fed là NHTW mạnh hàng đầu thế giới, nơi tập trung những bộ óc lớn không hề đơn giản khi chỉ nhìn hành động bên ngoài, mà phải nhìn sâu hơn, xa hơn trong tương lai.
Thí dụ, 3 năm qua dù kinh tế thế giới ảm đạm nhưng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng và một trong những động lực đó nhờ chính sách linh hoạt của Fed, đặc biệt trong dài hạn đã giúp quốc gia này có chuỗi tăng trưởng gần 12 năm liên tục dài nhất trong lịch sử. 
Nhà tỷ phú Warren Buffett vào năm ngoái cũng bị phàn nàn, thậm chí nhiều người cho rằng ông đã quá già khi Berkshire Hathaway - tập đoàn đầu tư của ông tới nửa cuối 2019 vẫn giữ lượng tiền mặt lớn nhất lịch sử của họ lên đến 130 tỷ USD, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ liên tục phá hết đỉnh này tới đỉnh khác.
Nghĩa là họ bán hầu hết danh mục, chuẩn bị sẵn lượng tiền dồi dào cho cơ hội mới và cơ hội đó là gì nếu không phải là đợi thị trường chứng khoán (TTCK) đi xuống. Có lẽ bây giờ mọi người đã hiểu, nhất là thời điểm hiện nay ai cũng đã rõ “người cầm tiền là vua”. Rõ ràng bán ở lúc thị trường nóng sốt luôn dễ hơn so với bây giờ rất khó bán với giá tốt, thậm chí đẩy thị trường xuống sâu hơn với số lượng lớn như thế.

Hiệu quả trong dài hạn
 Việc nới lỏng chính sách và hạ lãi suất chủ yếu chỉ tác động hỗ trợ lên phía cầu, trong khi cuộc khủng hoảng hiện nay tác động lên cả cung và cầu. Vì thế hiệu quả chính sách của các NHTW sẽ bị hạn chế, thậm chí tạo ra những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát, nợ xấu, nợ công tăng cao nếu chất lượng không được đảm bảo. 
Trong khi đó, chính sách tiền tệ của NHTW vốn có nhiều, không chỉ riêng lãi suất. Ngoài ra, họ còn có thể được hỗ trợ bởi nhiều thành phần kinh tế khác cùng các công cụ biến tấu độc đáo. Như hồi năm 2011 Fed đã xài “chiêu” đặc biệt “nới lỏng nhưng không nới lỏng”, “cung tiền mà không bơm tiền”.
Thời điểm đó Fed đưa ra chương trình “Operation Twist” với ý nghĩa hoàn toàn khác với QE (nới lỏng có định lượng đã được xài trước đó 2 lần là QE 1 và 2). Chương trình này vốn đã được Fed sử dụng 1 lần vào giai đoạn năm 1961-1965 trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế thời kỳ đó. 
Nội dung chính của chương trình này là bán trái phiếu chính phủ (TPCP) ở kỳ hạn ngắn (có thời gian đáo hạn dưới 3 năm) và mua trở lại TPCP ở kỳ hạn dài (thời gian đáo hạn 6-30 năm). Nghĩa là Fed không làm tăng cung tiền và mở rộng bảng cân đối kế toán của mình, mà sử dụng nguồn có sẵn. “Operation Twist” thực tế không phải nới lỏng có định lượng nên không được gọi là QE3 lúc đó, nhưng mục đích vẫn là hỗ trợ nền kinh tế nên vẫn được xem mang một nửa ý nghĩa của QE và được giới đầu tư gọi là QE2,5. 
Hành động “bán ngắn mua dài” của Fed là một trong những nỗ lực “nắn” (twist) đường cong lãi suất (và cả lợi suất cũng bị ảnh hưởng) giữa ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, thông thường lãi suất ở kỳ hạn ngắn thấp hơn kỳ hạn dài do các tổ chức tín dụng thường khuyến khích người gửi tiền gửi ở kỳ hạn dài hơn kỳ hạn ngắn, nhằm mang lại an toàn cho các tổ chức này.
Bên cạnh đó việc nhà đầu tư (NĐT) lo ngại lạm phát gia tăng theo thời gian và đồng USD sụt giảm cũng làm lãi suất dài hạn cao hơn. Tuy nhiên với chương trình QE2,5 khi đó giá của trái phiếu dài hạn sẽ có xu hướng gia tăng (do Fed mua), trong khi lãi suất dài hạn không đổi sẽ làm cho lợi suất của trái phiếu này giảm, và lợi suất của trái phiếu ngắn hạn tăng lên (do Fed bán). 
Các loại lãi suất của các tổ chức tín dụng tại Mỹ thông thường căn cứ theo lợi suất TPCP dài hạn cộng trừ (+/-) thêm tỷ lệ biên độ để áp dụng cho lãi suất cho vay của mình. Mong muốn của Fed là các doanh nghiệp về dài hạn sẽ tiếp cận được với nguồn vốn với lãi suất thấp nhưng không cần mở rộng cung tiền.
Như vậy các doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần kích cầu nền kinh tế tăng trưởng. Bản thân các doanh nghiệp huy động được vốn với chi phí thấp, trong khi Fed cũng không phải trả giá quá nhiều để kích cầu kinh tế.
Như vậy khi lợi suất TPCP dài hạn giảm giúp lãi suất vay của Mỹ về lâu dài giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Chưa kể hành động này không làm tăng cung tiền, không làm gia tăng lạm phát và ngăn cản đà mất giá của USD. Bên cạnh đó các NHTW khác cũng sẽ hành động cùng với Fed để ổn định tài chính thế giới thậm chí họ còn liên minh với nhau để các hành động trở nên bài bản, hiệu quả hơn.
Fed không đơn độc trong việc này, khi bên cạnh việc cùng vào cuộc của  các NHTW khác, chính phủ Mỹ (cụ thể là Bộ Tài chính) cũng đã và đang đưa ra hàng loạt gói kích cầu lên tới cả ngàn tỷ USD, thậm chí phát tới tay từng người dân để ngăn suy thoái và giúp kinh tế duy trì sự ổn định.
Do vậy hiệu quả của Fed sẽ có tác dụng nhiều hơn trong dài hạn, không phải ngắn hạn cũng như tùy thuộc vào sự phối hợp với các thành phần kinh tế và “độ thấm” của chính sách nhanh hay chậm.

Tác động đến thị trường tài chính 
 Có vẻ vàng đang mất dần vị thế là kênh đầu tư an toàn khi bị bán ra gần đây. Tuy vậy, với việc các định chế tài chính cùng các NHTW vẫn duy trì mua vàng và không hề có ý định bán ra, nhất là khi NHTW giải cứu thế giới buộc phải nới lỏng tiền tệ họ cần giữ vàng để cân đối với chính sách trên.
Dịch bệnh có kết thúc, hậu quả của nó sẽ còn đè nặng lên kinh tế và thị trường tài chính trong dài hạn. TTCK sẽ bị tác động tiêu cực đầu tiên và mất thời gian lâu hơn để phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh TTCK Mỹ mới lập đỉnh 1 tháng trước và tăng trưởng kinh tế Mỹ vốn đã quá dài (12 năm) nên nhịp điều chỉnh giảm cần thiết cho các chu kỳ kinh tế sau đó.
Vì thế, với tư cách là nền kinh tế và TTCK lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng xấu đến các nước khác và kinh tế cùng chứng khoán cần thời gian lâu hơn để phục hồi. Trong 3 mô hình đáy của thị trường là V, W và U, xác suất U đang khá cao trong lúc này kể cả khi thị trường chính thức xác lập đáy.
Có vẻ vàng đang mất dần vị thế là kênh đầu tư an toàn khi bị bán ra gần đây. Điều này cũng giống như năm 2008 khi đỉnh điểm của khủng hoảng vàng giảm giá vài tháng, sau đó liên tục lập hết đỉnh này tới đỉnh khác.
Bởi khi đi sâu vào khủng hoảng, nỗi lo lên đỉnh điểm, NĐT cần tạo thanh khoản cho mình bằng mọi giá (nắm giữ tiền mặt). Vàng đến tháng 3 là kênh gần như duy nhất có lời, sẽ khiến động thái chốt lời hoặc bán ra bù lỗ cho các kênh khác và cũng là sản phẩm dễ bán nhất trong bất cứ lúc nào để tạo thanh khoản.
Tuy vậy, với việc các định chế tài chính cùng các NHTW vẫn duy trì mua vàng và không hề có ý định bán ra (theo số liệu khảo sát từ WGC - Hội đồng Vàng thế giới), vàng vẫn còn được hỗ trợ trong dài hạn. Nhất là khi NHTW giải cứu thế giới buộc phải nới lỏng tiền tệ họ cần giữ vàng để cân đối với chính sách trên.
Giá dầu cùng các loại hàng hóa khác sẽ có giá dễ thở hơn khi nhu cầu tạm thời sẽ yếu do kinh tế cần thời gian phục hồi, cũng như các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo thay thế cho dầu ngày được sử dụng nhiều hơn.
Cuối cùng bất động sản sau giai đoạn hoàng kim đã bắt đầu có dấu hiệu đóng băng từ cuối 2018, cần kinh tế phục hồi để có thể tăng trưởng trở lại. Và theo các yếu tố lịch sử thông thường, TTCK sẽ phải tăng trước thị trường bất động sản vì TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế luôn song hành với chu kỳ kinh tế. 

Các tin khác