Sáng kiến mới trong chống biến đổi khí hậu

(ĐTTCO) - Chủ tịch TED Chris Anderson và cựu Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc Christiana Figueres vừa công bố sáng kiến CountDown nhằm thúc đẩy những nỗ lực hướng tới mục tiêu triệt tiêu toàn bộ khí CO2 (net zero) do con người thải ra bầu khí quyển vào năm 2050.

Tổn thất ngày càng nghiêm trọng

Kết quả nghiên cứu và khảo sát mới nhất của Tổ chức môi trường Đức Germanwatch công bố trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 25) đang diễn ra tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) cho thấy trong 20 năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước (Nhật Bản, Philippines, Đức, Madagascar và Ấn Độ) bị ảnh hưởng nhiều nhất, chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu. 

Báo cáo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu (KRI) 2020 do Germanwatch công bố cho biết trong giai đoạn 1999-2018, Việt Nam nằm ở vị trí thứ 6 trong bảng chỉ số KRI 2020, với 29,83 điểm. Trong 20 năm qua, có tổng số 226 vụ liên quan thời tiết cực đoan, mỗi năm cướp đi sinh mạng hơn 285 người và gây thiệt hại trung bình mỗi năm 2,018 tỷ USD. Như vậy, so với thống kê của Germanwatch giai đoạn 1998-2017 (ở vị trí thứ 9), Việt Nam đã tăng thêm 3 bậc theo bảng chỉ số KRI, điều đó cho thấy những thiệt hại về người và tải sản do thiên tai trong năm 2018 là rất lớn. Germanwatch cho biết, trong năm 2017, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 theo chỉ số KRI, với 116 vụ thiên tai, làm 298 người chết và gây thiệt hại 4,052 tỷ USD.

Khí thải xe hơi là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nặng nề

Khí thải xe hơi là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nặng nề


Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu của tổ chức Germanwatch được thu thập dựa trên số người thiệt mạng và thiệt hại về kinh tế, cho thấy mức độ nghiêm trọng mà các nước phải đối mặt với tình trạng thời tiết cực đoan như ngập lụt, bão lũ, nắng nóng...

Không giới hạn phạm vi

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, nghệ sĩ nước này lại liên tiếp đưa ra nhiều giải pháp và CountDown là một trong những sáng kiến mới nhất.

Chủ tịch TED Chris Anderson cho biết ý tưởng chủ đạo là tìm ra những giải pháp tốt nhất, khuếch trương và thúc đẩy những giải pháp này trong sự đoàn kết của các tổ chức vì môi trường. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, các diễn viên nổi tiếng như Julia Louis-Dreyfus và Joaquin Phoenix. Ngoài sự ủng hộ của các cá nhân nổi tiếng, CountDown cũng được nền tảng chia sẻ video toàn cầu YouTube, Tổ chức Công dân toàn cầu và dự án Climate Reality hưởng ứng.

Theo sáng kiến này, các bên sẽ tìm những đề xuất tốt nhất giúp giảm khí thải nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, giao thông, thực phẩm và tự nhiên để hướng tới mục tiêu net zero. Những đề xuất tốt nhất sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị  diễn ra ở Bergen, Na Uy vào tháng 10-2020 tới.

Hiện các nước Canada, Đức, Na Uy đã và đang đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho công cuộc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cơ quan môi trường liên bang Đức kêu gọi chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp nhằm hạn chế khí thải CO2 từ giao thông đường bộ, trong đó cơ quan này đưa ra khuyến nghị về việc hạn chế tốc độ trên đường cao tốc của Đức. Tờ Süddeutsche Zeitung trích dẫn một tài liệu nội bộ từ cơ quan môi trường liên bang kêu gọi hành động quyết liệt để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của quốc gia này. Một gói các biện pháp đã được đưa ra để giảm khí thải CO2 từ phương tiện cá nhân, trong đó, đề xuất giới hạn tốc độ tối đa 120km/giờ đối với tất cả phương tiện giao thông trên đường cao tốc ở Đức. 

Trong phiên họp quốc hội đầu tiên sau cuộc tổng tuyển cử ở Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đặt mục tiêu đưa lượng khí thải CO2 về 0 vào năm 2050. Điều này được đánh giá là một mục tiêu tham vọng, nhưng cần thiết, để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Các tin khác