Sẵn sàng để nợ kịch trần?

Một số chuyên gia tin rằng các nhà làm luật Hoa Kỳ dù có hục hặc với nhau đến mức nào, cũng không thể để việc vỡ nợ diễn ra vì nó quá khủng khiếp. Nhưng một nhóm bảo thủ cứng rắn trong Quốc hội nghĩ rằng đó là giá trị của rủi ro.

Một số chuyên gia tin rằng các nhà làm luật Hoa Kỳ dù có hục hặc với nhau đến mức nào, cũng không thể để việc vỡ nợ diễn ra vì nó quá khủng khiếp. Nhưng một nhóm bảo thủ cứng rắn trong Quốc hội nghĩ rằng đó là giá trị của rủi ro.

Viên đạn bạc

Có hàng chục chính trị gia Cộng hòa như Steve King của Iowa, Tim Huelskamp của Kansas, Mick Mulvaney của Nam Carolina, từng gợi ý trong các bài phỏng vấn rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể chọn cách ưu tiên thanh toán trong trường hợp vi phạm trần nợ.

Theo đó cấp ngân sách cho một số hoạt động thiết yếu của chính phủ, đồng thời cắt ngân sách các hoạt động khác.

“Không nâng trần nợ, chúng ta sẽ có một bảng ngân sách cân bằng” - nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul của Kentucky trả lời phỏng vấn trên CNN tuần trước. Nghị sĩ Cộng hòa Ted Yoho của Florida cũng nói trong một phỏng vấn trên tờ Washington Post rằng việc chạm trần nợ công sẽ mang lại sự ổn định cho các thị trường thế giới, cho thấy Hoa Kỳ nghiêm túc về việc giữ cân bằng ngân sách.

Nhằm thuyết phục Tổng thống Obama, các thành viên Cộng hòa bảo thủ sẵn sàng để nợ phá trần. Điều này còn nhằm hủy hoại các ưu tiên của đảng Dân chủ, trong khi bảo đảm với doanh nghiệp lớn ủng hộ mình rằng việc này sẽ không phá hủy nền kinh tế.

Dù chiến lược này có rủi ro cao, nhưng các nhà bảo thủ nghĩ rằng họ đã tìm được “viên đạn bạc” để giết chết Đạo luật Cải tổ y tế (Obamacare), mà đảng viên Cộng hòa John Fleming của Louisiana gọi là “mảnh nguy hiểm nhất của pháp luật từng được thông qua ở Quốc hội”.

Theo lý thuyết, nếu không có nguy cơ vỡ nợ và lợi ích của đảng Dân chủ bị tổn hại vì việc cắt giảm tới 32% chi tiêu chính phủ, đảng Cộng hòa sẽ có lợi thế trong đàm phán.

“Chúng ta có chạm trần nợ, thế giới cũng không chấm hết. Một khi công chúng và Phố Wall hiểu rằng vỡ nợ không phải là khả năng có thực, các đòn bẩy đàm phán của Tổng thống sẽ thiếu hụt lớn và một thỏa thuận lưỡng đảng có thể đạt được” - Dean Clancy, Phó Chủ tịch chính sách công của FreedomWorks, nói.

Nội chiến

Một số đảng viên Cộng hòa khác lại cho rằng chiến lược trên không thực tế và nguy hiểm. Theo họ, ngay cả khi Bộ Tài chính có thể tìm ra cách để ưu tiên thanh toán, sự ngờ vực về một hành động như vậy có thể tàn phá các thị trường tài chính. “Vấn đề ở đây là phải tôn trọng các nghĩa vụ nợ của chúng ta. Thật ngu xuẩn, tôi thậm chí không thể tin được có người lại nói như vậy” - Bill Hoagland, Phó Chủ tịch Trung tâm Chính sách lưỡng đảng kiêm cố vấn ngân sách phe đa số đảng Cộng hòa, nói.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner, người đứng đầu đảng Cộng hòa trong cuộc chiến chống lại Obamacare, cũng cho thấy thái độ do dự. Dù ông khẳng định đảng của mình luôn đoàn kết, nhưng có những bài báo nói ông sẽ không cho phép vỡ nợ, ngay cả khi cần dựa vào sự hỗ trợ của đảng Dân chủ.

Theo nhà chiến lược và thăm dò chiến dịch của đảng Cộng hòa Matthew Towery, những người bảo thủ sẽ sớm nhận ra kế hoạch của họ không khả thi. Như trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi Quốc hội không thông qua được dự luật ứng cứu kinh tế cho đến khi thị trường chứng khoán mất tới 700 điểm, đảng Cộng hòa mới lật đật thông qua dự luật.

“Tổng thống đã tuyên bố Phố Wall cần được quan tâm, bởi điều này đặc biệt có ý nghĩa. Khi đó lưỡng đảng phải hành động tức thời” - ông Towery nói.

Một khi điều đó xảy ra, các đảng viên Cộng hòa sẽ phải thống nhất trao cho ông Boehner sức mạnh để nâng trần nợ công. Tuy nhiên, theo các chính trị gia, thực tế việc nâng trần nợ hay không là cuộc “nội chiến” của đảng Cộng hòa, giữa phe bảo thủ cứng rắn và phe ôn hòa. Phe bảo thủ tỏ ra sẵn sàng hòng đạt được chiến thắng vô điều kiện. Trong khi đó, phe ôn hòa có thể nhân nhượng một phần vì lợi ích quốc gia.

Các tin khác